(HNM) - Hòa chung khí thế
Bài 2: Góp sức đánh thắng giặc Mỹ
(HNM) - Hòa chung khí thế "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của những chàng trai cô gái nội thành Hà Nội, thanh niên của các huyện, thị xã thuộc Hà Tây (cũ) nằm ven bờ sông Tích, sông Đáy hiền hòa cũng tạm xa gia đình, đồng ruộng lên đường vào Nam chống Mỹ. Với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Ba đảm đang", "Tay búa, tay súng" những chàng trai, cô gái quê lụa đã làm nên bài ca ra trận bất tử với thời gian…
Thanh niên miền Bắc hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu, năm 1968. Ảnh tư liệu |
Chiến tranh lùi xa đã 40 năm, nhưng cựu chiến binh Lê Văn Phượng (thị xã Sơn Tây) - người pháo thủ số 2 vinh dự cùng đồng đội lái chiếc xe tăng mang số hiệu 390 tiến về dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975 vẫn còn nguyên vẹn ký ức một thời trai trẻ. Ngày đó, dù mới ngoài 20 tuổi nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Văn Phượng cùng các chàng trai của xứ Đoài đã hăng hái xung phong
vào bộ đội. Cựu chiến binh Lê Văn Phượng hào hứng kể: "Không khí ra trận khi đó rất sục sôi, toàn tỉnh có hàng chục nghìn gia đình có con em đi bộ đội, nhiều gia đình có nhiều con tòng quân. Bạn bè của tôi có người cùng lúc nhận được giấy báo đi học đại học và giấy báo nhập ngũ nhưng họ đã chọn đi bộ đội nên chúng tôi không thể kìm lòng". Trước khi tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam (từ năm 1971 đến 1975) và vinh dự là một trong những người đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập, chàng trai Lê Văn Phượng đã từng tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1970).
Cũng chung dòng cảm xúc của một thời tuổi trẻ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", Đại tá Nguyễn Huy Phương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội cho biết: "Năm 1967, hưởng ứng phong trào vì miền Nam ruột thịt nên mặc dù đang là sinh viên của Trường Trung học Thủy lợi của tỉnh Hà Tây nhưng tôi đã từ giã quê hương Nghiêm Xuyên (Thường Tín), "gác bút nghiên lên đường chiến đấu". Ông được đào tạo bài bản và trở thành chiến sĩ đặc công thuộc Đoàn Đặc công 429 tham gia chiến đấu trên chiến trường Đông Nam Bộ. "Ngày đấy, chúng tôi lên đường với niềm tin góp sức mình để đánh đuổi giặc Mỹ, không chút đắn đo, cân nhắc. Trong chiến dịch năm 1968, tôi bị thương nhưng tinh thần chiến đấu vẫn lên cao. Sau khi đất nước hòa bình, tôi lại tiếp tục sang Campuchia làm chuyên gia".
Cùng với phong trào chia lửa cho tiền tuyến, từ đầu tháng 7-1972, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá Hà Nội và địa bàn Hà Tây. Những khu vực thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), Thanh Mai và Biên Giang (Thanh Oai), Tô Hiệu (Thường Tín), Lê Thanh (Mỹ Đức), Lại Yên (Hoài Đức), Nhà máy đường Vạn Điểm và Cầu Giẽ (Phú Xuyên) thường xuyên bị máy bay Mỹ oanh tạc. Với quyết tâm "tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ được mục tiêu, kiên quyết đánh gần, đánh tiêu diệt, buộc giặc lái phải nâng độ cao, ném bom không chính xác", dân quân tự vệ cụm chiến đấu Vạn Phúc (thị xã Hà Đông), cán bộ, chiến sĩ du kích các xã: Ngọc Sơn và Ngọc Hòa (Chương Mỹ), Cầu Giẽ (Phú Xuyên), Trung đội cao xạ 37mm (Mỹ Đức) cùng tự vệ quốc doanh thủy sản phục kích bắn hạ 4 máy bay địch. Dân quân xã Bình Minh (Thanh Oai) bắn cháy máy bay A-7E của Mỹ được Hội đồng Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Tự vệ Nhà máy đường Vạn Điểm (Phú Xuyên) bắn hạ hai chiếc F-4H của Mỹ… Thắng lợi này của quân và dân Hà Tây đã góp phần cùng quân dân miền Bắc buộc Tổng thống Mỹ R.Nixon phải ra lệnh tạm ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra…
Năm 1972, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ diễn ra hết sức quyết liệt cũng là năm Hà Tây tổ chức ba đợt tuyển quân tiễn 14.855 thanh niên vào bộ đội. Mười tiểu đoàn quân do Hà Tây huấn luyện sau ba tháng đã lên đường vào chiến đấu ở Quảng Trị, Tây Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng. Mặc dù số thanh niên trẻ, khỏe phần lớn đã được huy động vào quân đội, nhưng nhân dân tỉnh Hà Tây ngày đêm khắc phục hậu quả của chiến tranh, sự tàn phá của bão lụt, mở rộng diện tích, cải tiến kỹ thuật. Thắng lợi lớn nhất của nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tây là đã giữ vững được mạch máu giao thông, các kho tàng, căn cứ quân sự, các hồ đập nước và giúp đỡ, bảo đảm an toàn cho các cơ quan trung ương và nhân dân Thủ đô sơ tán về địa phương.
Do vị trí của Hà Tây là một vùng đất có nhiều tiềm năng về sức người và sức của, là trận địa bảo vệ và hậu phương trực tiếp của Thủ đô, lại có nhiều mục tiêu quân sự, kinh tế và các trục giao thông quan trọng nên Mỹ đã huy động 5.911 lần chiếc (trong đó có 104 lần chiếc B-52) ném 7.000 tấn bom đạn xuống Hà Tây, gây tổn thất rất lớn cho nhân dân. Do yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn, nên từ năm 1965 đến năm 1975, Hà Tây đã tiễn 173.972 thanh niên gia nhập quân đội. Hầu hết con em Hà Tây tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Tiểu đoàn Trưng Trắc, Tiểu đoàn Trưng Nhị - bộ đội gái Hà Tây tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó, chị Nguyễn Thị Hồng Thịnh (Mỹ Đức) đạt danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng toàn quân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, Hà Tây có 18 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 15 cá nhân được phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; quân dân trong tỉnh được tặng gần 1.000 Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công.
Những đóng góp thiết thực về sức người, sức của của cán bộ, nhân dân tỉnh Hà Tây cũ cùng với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã góp phần quan trọng cùng nhân dân miền Nam ruột thịt đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.