Dịch sốt phát ban thường chỉ bùng phát ở trẻ em. Thế nhưng chỉ riêng dịp Tết này, đã có hàng trăm người lớn bị sốt phát ban phải đến bệnh viện.
Dịch sốt phát ban đã xuất hiện rải rác từ gần một tháng nay ở khu vực Hà Nội. Số bệnh nhân nhập viện gia tăng mạnh, và điều đặc biệt là số người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn, trong đó có khá nhiều ca nặng, đã xuất hiện biến chứng viêm não.
Chủ yếu sốt do virus rubella
Theo các bác sĩ khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt phát ban đến khám mỗi ngày rất nhiều, khoảng 20 - 30 ca nặng phải nhập viện. Thống kê từ phòng Kế hoạch Tổng hợp cho thấy, từ 31/1 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 122 ca nhập viện điều trị, chủ yếu là bệnh nhân cúm, sốt phát ban kéo dài, viêm màng não.
Có rất nhiều nguyên nhân gây hiện tượng sốt có kèm phát ban, chủ yếu là do virus như virus thuỷ đậu, rubella, sởi, dengue, virus gây bệnh chân tay miệng, thấp tim… hoặc những bệnh rối loạn chuyển hoá gây ban như viêm thận, lupus ban đỏ, giang mai. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đợt dịch sốt phát ban đang bùng phát tại Hà Nội thời gian này chủ yếu là sốt do virus rubella, chỉ có một số ít là sốt phát ban do dị ứng thuốc hay liên cầu khuẩn.
Điều trị cho bệnh nhân sốt phát ban tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Ảnh: P.N
Có khoảng 10% - 40% trường hợp mang virus mà không có biểu hiện lâm sàng nên rất khó tránh. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thấy những biểu hiện giống cảm cúm như mệt mỏi, đau đầu, viêm kết mạc, ho, sổ mũi, đau họng. Sau đó các hạch ở sau tai, cạnh cổ sưng to, đau, rồi trên da xuất hiện các dát đỏ và các sẩn màu đỏ, nhỏ li ti trông giống như ban sởi. Ngày đầu, các ban mọc ở mặt rồi lan dần ra toàn thân. Sang ngày thứ hai, các ban bắt đầu nhạt màu dần. Ngày thứ ba, các ban biến mất hoàn toàn không để lại sẹo, không để lại vết thâm. Điều này giúp phân biệt với các ban do dị ứng thuốc.
Kèm theo với các ban đỏ trên da do sốt phát ban, còn có các chấm xuất huyết ở niêm mạc vòm họng, bệnh nhân bị đau khớp, đôi khi có tràn dịch màng khớp. Tổn thương da thì mất nhanh chỉ sau ba ngày nhưng sưng hạch thì có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng tùy từng trường hợp.
Về cơ bản, sốt phát ban do virus là lành tính, song vẫn có khá nhiều ca bị biến chứng. Đối với trẻ em, biến chứng phổ biến nhất là viêm đường hô hấp, với người lớn còn xuất hiện biến chứng viêm não.
Nên đi tiêm chủng
Hiện mới chỉ có bệnh sởi được tiêm chủng mở rộng, còn sốt phát ban do virus rubella chỉ có tiêm dịch vụ, trong khi những bệnh này đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Khi bị sốt phát ban ở thể nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, điều trị bằng hạ sốt hoặc bổ sung nước, sau vài ngày bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu bệnh xuất hiện ở phụ nữ mang thai ba tháng đầu thì đôi khi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và gây nên các dị tật bẩm sinh ở tim, giác mạc, điếc, kém phát triển não hoặc não úng thủy… Nếu bệnh tiến triển nặng, sốt quá cao, li bì, hoặc sau khi đã hết nốt phát ban mà xuất hiện các biển hiện rối loạn về tri giác (la hét, vật vã…), cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
Ngay khi chưa có biểu hiện phát ban, bệnh đã có thể lây ngay sang người khác, do đó việc phòng bệnh bằng cách ly không mang lại hiệu quả cao. Cách tốt nhất là tiêm chủng. Khi mắc bệnh, không nên kiêng gió, kiêng nước. Chú ý luôn giữ cho cơ thể đủ ấm, ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng, thường xuyên vệ sinh thân thể bằng nước ấm.
Các bác sĩ khuyến cáo, cùng thời điểm này, tại khu vực phía Bắc, dịch sởi cũng đã bắt đầu xuất hiện rải rác và biểu hiện ban đầu cũng là sốt có phát ban. Do đó, việc phân biệt được sớm bệnh sốt phát ban do virus thông thường với sốt phát ban dạng sởi sẽ giúp phòng bệnh và hạn chế được phần nào sự lây lan của dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.