(HNMO) -Dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các nhóm hàng thiết yếu của nhân dân Thủ đô sẽ được đáp ứng đầy đủ
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ Đô trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán Bính Thân năm 2016, gắn công tác bình ổn thị trường Tết với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố”, Sở đã tổ chức triển khai kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2015 và Tết Bính Thân năm 2016; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện công tác này.
15.000 tỷ đồng cho tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán
Về kế hoạch dự trữ hàng hóa, đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của Thành phố, tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường các nhóm hàng như sau: gạo trắng thường 34.500 tấn; thịt lợn 5.740 tấn; thịt gà 2.453 tấn; trứng gia cầm 38,446 triệu quả; thủy hải sản đông lạnh 1.020 tấn; dầu ăn 8.150 nghìn lít; rau củ 32.800 tấn; thực phẩm chế biến 2.400 tấn; bánh mứt kẹo Tết 847 tấn; sữa nước 5,3 triệu lít với tổng giá tiền hàng khoảng 2.566 tỷ đồng sẵn sàng phục vụ Tết.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ thêm các nhóm hàng tiêu dùng khác như bánh mứt kẹo, rượi bia nước giải khát, các loại nông sản như măng, miến, mộc nhĩ, nước mắm, mì chính... để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, các làng nghề trên địa bàn Thành phố căn cứ vào kết quả thực hiện Tết năm 2015 cũng như dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 10-15% so với các tháng thường trong năm, tổ chức bán ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn đọng hàng hóa sau Tết.
Cụ thể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo có kế hoạch sản xuất, dự trữ đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán lượng hàng hóa khoảng trên 30.000 tấn tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia, nước giải khát có kế hoạch sản xuất, dự trữ đưa ra thị trường dịp tết nguyên đán lượng hàng hóa khoảng trên 190 triệu lít bia và khoảng trên 6 triệu lít rượu các loại phục vụ Tết tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp cơ sở sản xuất các sản phẩm sữa sản xuất, dự trữ và đưa ra thị trường dịp Tết nguyên đán lượng hàng hóa khoảng 17 triệu lít sữa các loại, tương đương khoảng 450 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có kế hoạch dự trữ bán ra thị trường hơn 6 vạn m3 xăng dầu, tương đương khoảng trên 1.200 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, gạo, trứng và rau củ trên địa bàn Thành phố có kế hoạch dự trữ và bán ra tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết khoảng 700 tỷ đồng.
Hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn xây dựng kế hoạch dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng khoảng trên 2.700 tỷ đồng.
Các làng nghề trên địa bàn Thành phố tập trung sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, giò chả, miến… với tổng giá trị khoảng trên 100 tỷ đồng.
Riêng đối với các chợ-là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, các doanh nghiệp quản lý chợ, các Ban quản lý chợ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết, đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết cho người tiêu dùng.
Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thành phố Hà Nội đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.
Đẩy mạnh kiểm tra thị trường
“Với khả năng sản xuất, kinh doanh như vậy, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các nhóm hàng thiết yếu của nhân dân Thủ đô trong dịpTết dương lịch và Tết nguyên đán Bính Thân năm 2016”, đại diện Sở Công thương Hà Nội nói.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh các mặt hàng may mặc, điện máy cũng chuẩn bị lực lượng hàng hóa để chuẩn bị bán ra phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2016.
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2015 tiếp tục được thực hiện; trong đó tổ công tác liên ngành về bình ổn thị trường năm 2015 tiến hành kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp sau khi nhận vốn tạm ứng. Các doanh nghiệp tổ chức dự trữ và bán ra các mặt hàng thiết yếu tại 1.164 điểm bán hàng; hoàn thành tổ chức 12 phiên chợ Việt, 9 Tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán Bính Thân năm 2016 cũng được đẩy mạnh, trong đó tập trung vào công tác chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, công tác kiểm tra kinh doanh trái phép và kinh doanh có điều kiện, công tác kiểm tra bình ổn giá; công tác kiểm tra hoạt động vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm và công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.