Ngày 27-9, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Tại Hà Nội, nơi được mệnh danh “Thành phố di sản” đang hiện diện gần 1,8 nghìn di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều loại hình, từ tri thức dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng… đến nghệ thuật trình diễn dân gian. Góp phần duy trì sức sống của các di sản, có công sức sáng tạo, gìn giữ, trao truyền của hàng nghìn nghệ nhân trên địa bàn, tiêu biểu trong đó là 18 nghệ nhân nhân dân (NNND), 113 nghệ nhân ưu tú (NNƯT).
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tiếp sức nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản. Mới đây nhất là Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội, với nhiều mức hỗ trợ. Đến nay, đã có 14/18 NNND và 101/113 NNƯT nhận được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng.
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân dân gian đã cùng trao đổi các nội dung nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hướng đến xác định hệ giá trị văn hóa Thủ đô; đẩy mạnh vai trò tích cực của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, kế hoạch của Trung ương và thành phố trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể…
Nghệ nhân tuồng Dương Cốc (Quốc Oai) Nguyễn Văn Lý cho biết: “Các nghệ nhân chúng tôi khi dấn thân vào nghiệp gìn giữ, trao truyền di sản luôn xác định được trách nhiệm, tình cảm của bản thân đối với di sản của cha ông, dù còn nhiều khó khăn vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp đã được cộng đồng giao phó. Tôi cũng mong rằng, những người đã được phong tặng các danh hiệu NNND, NNƯT sẽ tiếp tục là đầu tàu, gương mẫu để giữ gìn ngọn lửa nhiệt huyết trong cộng đồng, lan tỏa tình yêu, ý thức trách nhiệm của các thế hệ dành cho di sản của tiền nhân”.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), để tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách dành cho đối tượng này được quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua - Khen thưởng và các luật liên quan; tăng cường tổ chức các chương trình hỗ trợ và quảng bá về nghệ thuật và di sản văn hóa; khuyến khích sáng tạo và đầu tư vào các chương trình hỗ trợ và quảng bá để tăng cường sự phát triển của nghệ thuật và di sản văn hóa; quan tâm đến các hoạt động vinh danh, nêu gương trong các hoạt động cộng đồng để động viên, khích lệ, khơi dậy niềm tự hào khi tham gia cống hiến trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.