Đề án Sữa học đường tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020 được triển khai với tổng kinh phí 187,3 tỷ đồng, trong đó Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là đơn vị cung cấp sữa với mức hỗ trợ 25,1% giá thành sản phẩm, tiết kiệm cho ngân sách tỉnh gần 45 tỷ đồng.
Vinamilk đồng hành với chương trình Sữa học đường của Hà Nam
Mới đây, để chính thức phát động chương trình Sữa học đường năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ phát động chương trình tại Trường Mầm non Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Thực hiện theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hằng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số trường mầm non và tiểu học đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Hà Nam là 152 trường với 130.000 học sinh. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Hà Nam sẽ có 100% trường mầm non công lập; 76% trường tiểu học được uống sữa theo chương trình Sữa học đường.
Sản phẩm sữa cung cấp cho chương trình Sữa học đường tại Hà Nam là sữa tươi tiệt trùng được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, hoàn toàn bảo đảm chất lượng và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29-12-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hơn nữa, trên bao bì hộp sữa có logo Sữa học đường của Bộ Y tế, giúp phụ huynh học sinh yên tâm về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Theo đề án, các em học sinh được uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp sữa tươi tiệt trùng 180ml (đối với học sinh tiểu học) và 110ml (đối với trẻ mầm non).
Chương trình mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng
Trước đó, nhằm cung cấp những kiến thức chuyên môn cần thiết bảo đảm việc triển khai chương trình Sữa học đường năm 2019 an toàn và hiệu quả, tỉnh Hà Nam đã phối hợp cùng Vinamilk tổ chức các buổi tập huấn cho 1.600 đại biểu là ban giám hiệu, cán bộ y tế, kế toán, các giáo viên, đại diện hội phụ huynh học sinh của 60 trường mầm non và tiểu học ở các huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam (Lý Nhân, Duy Tiên, Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm, Phủ Lý).
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam, từ năm 2017 tỉnh đã triển khai thí điểm chương trình tại 30 trường mầm non trên địa bàn. Năm 2018 là năm chính thức thực hiện đề án và chúng tôi đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ phía phụ huynh học sinh với tỷ lệ đồng ý tham gia chương trình đạt 87,06%. Tiếp nối thành công đó, năm 2019, có thêm 60 trường đăng ký tham gia. Có thể nói, Sữa học đường thực sự là một chương trình có ý nghĩa nhân văn và mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ em, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội”.
Bà Dương Thị Thúy Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho biết: “Chương trình Sữa học đường là chủ trương, quyết sách đúng đắn của Chính phủ nhằm góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, nâng cao thể lực, phát triển tầm vóc người Việt Nam trong hội nhập quốc tế”.
Trên thế giới hiện có 60 quốc gia triển khai chương trình Sữa học đường. Nhật Bản đã thực hiện chương trình ngay sau Thế chiến thứ II và được xem là hình mẫu thần kỳ với kết quả: Chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản từ mức 1m50, thấp gần nhất châu Á, lên mức 1m72 như ngày nay. Còn tại Thái Lan, chương trình Sữa học đường được triển khai thành công từ năm 1992 cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi, giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 51% năm 1980 xuống dưới 10% năm 2006.
Tại Việt Nam, đã có 17 tỉnh, thành phố triển khai chương trình Sữa học đường với khoảng 12.000 cơ sở giáo dục thụ hưởng Sữa học đường trên toàn quốc, bao gồm các cơ sở ở những vùng sâu, vùng xa và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chương trình được đánh giá là mang tính nhân văn khi hướng tới trẻ em Việt Nam - nguồn nhân lực tương lai của đất nước; mang đến cho các em sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn dinh dưỡng có lợi, giảm bớt gánh nặng về tài chính với gia đình và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.