Đến 7h ngày 11-9, lũ trên sông Đáy đoạn qua thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã vượt báo động 3 (4,93m tại Phủ Lý); lũ trên sông Hồng sắp đạt báo động 3.
Hiện tại, hàng nghìn hộ dân sinh sống trên địa bàn các xã, phường ven sông Đáy, sông Châu Giang, sông Hồng của tỉnh Hà Nam đã bị nước ngập vào nhà gây mất an toàn; hệ thống công trình đê điều đã ghi nhận một số sự cố như sạt trượt, nước tràn qua mái đê.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Hà Nam đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó; trong đó khẩn trương di dời người dân đến vùng an toàn. Tỉnh Hà Nam chỉ đạo các lực lượng vũ trang, các địa phương khẩn trương tổ chức di dời gần 1 nghìn hộ dân trong vùng nước ven các sông đang bị nước ngập đến nơi an toàn (các hộ dân chưa di dời đều ở khu vực phía trong đê bối, theo diễn biến lũ sẽ triển khai phương án di dời).
Trong mùa mưa lũ, đặc biệt là những ngày qua, khi mưa lũ từ thượng nguồn liên tục đổ về khiến mực nước tại các con sông của tỉnh Hà Nam đạt mức báo động 3, tỉnh Hà Nam chỉ đạo UBND thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân và các địa phương có tuyến đê đi qua túc trực 24/24 và tổ chức tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là khi nước sông lên cao, nhằm kịp thời phát hiện sự cố nứt, sạt trượt mái đê để xử lý ngay trong giờ đầu.
Tuyến đê hữu Hồng (còn gọi là đê Đại Hà) qua địa bàn huyện Lý Nhân có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác phòng, chống thiên tai, bão, lũ, bảo vệ dân sinh, kinh tế trên địa bàn huyện. Tuyến đê có chiều dài 27km, chạy dọc địa bàn 8 xã từ Nguyên Lý đến Hòa Hậu. Đây là tuyến đê quốc gia cần được bảo vệ an toàn khi xảy ra thiên tai, bão, lũ.
Khoảng 16h chiều 10-9, ngay sau khi phát hiện sự cố sạt trượt mái đê hữu Hồng, với chiều dài trên 20m theo chiều dọc đê, đoạn qua xã Tiến Thắng. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, trong đêm ngày 10-9, huyện Lý Nhân đã khẩn trương huy động lực lượng làm việc xuyên đêm để khắc phục xong sự cố sạt trượt mái đê này ngay trong đêm, bảo vệ an toàn cho nhân dân và tuyến đê.
Qua đánh giá ban đầu, nguyên nhân xảy ra sự cố sạt trượt do khu vực có khả năng nền địa chất xấu, đặc biệt do cơn bão số 3 có mưa to và rất to, gây ra cố kết của đất đê giảm, làm mất ổn định dẫn đến sạt trượt mái đê.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, huyện Lý Nhân đã huy động tối đa lực lượng để khắc phục trong những giờ đầu. Ông Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã: Tiến Thắng, Phú Phúc, Hòa Hậu, Nhân Bình huy động lực lượng dân quân tự vệ và an ninh trật tự ở cơ sở với số lượng 150 người để khẩn trương khắc phục sự cố. Các lực lượng khẩn trương tổ chức đắp bờ đất trên mặt đê, kết hợp phát quang và dải bạt toàn bộ khu vực mái đê bị sạt để ngăn không cho nước mưa chảy vào điểm sạt trượt. Cùng đó, cắm biển cảnh báo sự cố sạt trượt mái đê, phân công lực lượng phân luồng giao thông, thường trực kiểm tra, theo dõi, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố.
Nhận được thông tin về sự cố sạt trượt mái đê, đe dọa an toàn tuyến đê hữu Hồng, ngay trong đêm 10-9, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục sự cố. Đồng chí Bí thư yêu cầu huyện Lý Nhân tập trung nhân lực, phương tiện khẩn trương xử lý sự cố ngay trong đêm nay với phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục theo dõi diễn biến sự cố để chủ động ứng phó. Đồng thời, phải bố trí lực lượng ứng trực 24/24 tại toàn tuyến đê, kịp thời phát hiện sự cố và xử lý ngay giờ đầu, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, đặc biệt khi lũ sông Hồng tiếp tục dâng cao.
Theo dự báo, tình hình mưa lũ sau bão số 3 còn hết sức phức tạp, diễn biến khó lường, mực nước trên sông Hồng, sông Đáy, sông Châu Giang qua tỉnh Hà Nam vẫn đang tiếp tục lên. Tỉnh Hà Nam xác định, việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đê trong mùa mưa bão để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với các địa phương trong tỉnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.