Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) tiếp tục gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Dù bão đã tan nhưng hoàn lưu của nó đang gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, gây ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Nhìn lại bão số 3 có thể thấy, cơn cuồng phong đổ bộ vào miền Bắc nước ta đã được xếp vào hạng siêu bão (thời điểm bão đạt cấp 16 và giật trên cấp 16 khi còn quần thảo trên Biển Đông). Bão số 3 ghi nhận nhiều kỷ lục khi có cường độ mạnh, tăng nhanh và mạnh nhất trong 30 năm qua khi đổ bộ vào Bắc Bộ. Những nơi tâm bão đi qua đều để lại những khung cảnh tan hoang, hậu quả nặng nề mà đến nay chưa thể kiểm đếm hết.
Ở Hà Nội, hầu hết người dân chứng kiến cơn bão đều chung cảm nhận bàng hoàng và khẳng định chưa bao giờ thấy bão mạnh và thiệt hại lớn đến thế. Cảnh tượng để mọi người dễ hình dung nhất về mức độ tàn phá do bão gây ra trên địa bàn Thủ đô là hàng chục nghìn cây xanh bị gãy, đổ, trong đó có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đã gắn bó với nhiều thế hệ người Hà Nội, khiến ai cũng xót xa. Chúng ta cũng rất buồn khi có người không may đã qua đời và bị thương vì cây xanh gãy, đổ…
Thiên tai luôn phức tạp, khó lường. Thiệt hại là điều bất khả kháng. Nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là. Và đây cũng là kinh nghiệm rất quý được rút ra trong công tác phòng, chống bão, mưa lớn những ngày qua ở Hà Nội. Theo đó, toàn bộ hệ thống cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là “Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với tinh thần ở mức cao nhất”.
Đặc biệt, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo thành phố đã chủ động xuống hiện trường, đến tận các đơn vị, địa phương, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão. Những vấn đề cấp bách, thiết yếu nhất từ trước, trong và sau bão số 3 đã được Thành ủy chỉ đạo sát sao, cụ thể, như: Thông tin dự báo; di dân đến nơi an toàn; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn; bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện và khắc phục sự cố nhanh nhất; triển khai tốt công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; xử lý úng ngập khu vực nội đô; dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân…
Và hơn hết, từ trước, trong và sau bão, chúng ta đã thấy được những hình ảnh ấm áp tình người của nhân dân và hệ thống chính trị khi cùng chung sức, đồng lòng vượt qua thiên tai. Đó là chia sẻ chỗ ở cho người vô gia cư hay có nhà không chắc chắn; rồi nhiều hình ảnh xe ô tô trên nhiều địa điểm đã chủ động đi chậm lại để che chắn gió cho các xe máy trong cơn bão dữ. Chưa kể, trong những ngày này, ở nhiều nơi, người dân Thủ đô đã cùng lực lượng chức năng đang chung tay, góp sức dọn dẹp cây xanh, đồng lòng đưa giao thông thành phố trở lại bình thường…
Sự chủ động, quyết liệt và trách nhiệm cao từ các cấp chính quyền và lực lượng chức năng của thành phố đã giúp giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra và quan trọng hơn là đã, đang đưa nhịp sống của người dân Thủ đô trở lại trạng thái bình thường. Phát huy tinh thần này, các cấp, ngành, địa phương Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trong chuyến đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố vào ngày 8-9 vừa qua, là: “Các cấp, ngành và các lực lượng tiếp tục duy trì tinh thần vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, vừa phòng, chống bão, vừa khắc phục hậu quả, nhanh chóng an dân, giúp dân ổn định cuộc sống”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.