Xã hội

Hà Nội: Người dân tiếp tục di dời tránh ngập lụt

Nhóm phóng viên 11/09/2024 10:47

Mưa tiếp tục diễn ra trên diện rộng, mực nước nhiều sông lên cao. Tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, công tác di dời người, tài sản vẫn đang được khẩn trương tổ chức.

Sáng 11-9, trước khi phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3, Ban Thường vụ Quận ủy Hai Bà Trưng đã họp khẩn triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ trên địa bàn. Trước diễn biến phức tạp của nước sông Hồng, Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam đề nghị các đơn vị liên quan, đặc biệt 2 phường Bạch Đằng và Thanh Lương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu mức độ nguy hiểm của mưa lũ, chủ động các biện pháp phòng, tránh. Đồng thời, quận sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi mực nước sông Hồng ở báo động 2 và báo động 3.

t-2.jpg
Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam kết luận cuộc họp của Ban Thường vụ Quận ủy. Ảnh: Đình Hiệp

Bên cạnh công tác phòng, chống lũ, ông Nguyễn Văn Nam cũng yêu cầu tập trung rà soát chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội đối với các trường hợp khó khăn. Đối với các gia đình đã chuyển đến nơi an toàn tránh lũ, lực lượng an ninh cơ sở phải bảo đảm an toàn tài sản cho người dân.

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, quận Hai Bà Trưng có 2 phường Bạch Đằng và Thanh Lương có nhiều hộ dân sinh sống tại bờ vở sông Hồng. Cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng của lũ di dời về nơi an toàn.

Sáng nay 11-9, huyện Đan Phượng tiếp tục di dời người dân và tài sản các khu vực ven sông Hồng.

dan-phuong-1.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng giúp đỡ hội viên thu hoạch nông sản trong khu vực ngập úng. Ảnh: Bảy Nguyễn

Nước sông Hồng dâng cao đã gây ngập úng diện tích bãi khoảng 5063,8ha, hoa màu bị ngập 41ha bao gồm các loại rau màu, chuối ngoài bãi sông.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Huyện đã xây dựng phương án ứng phó với tình huống lũ sông Hồng lên báo động số 1, 2, 3.

dan-phuong-2.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng hỗ trợ hội viên khu vực bị lụt di dời tài sản tới nơi an toàn. Ảnh: Bảy Nguyễn

Sáng 11-9, huyện Đan Phượng đã di dời 66 hộ (261 nhân khẩu); vận chuyển 1.924 con lợn, 8.762 gia cầm, 41 con trâu bò về nơi an toàn.

Do mực nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm đoạn qua xã Đại Áng, UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các đơn vị, xã Đại Áng huy động hơn 1.000 người xử lý khẩn cấp sự cố.

dai-ang.jpg
dai-ang-1.jpg
Các lực lượng chức năng và nhân dân xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) đắp những đoạn đê xung yếu tối 10-9. Ảnh: Nguyễn Hương

Tính đến 7h ngày 11-9, toàn huyện có 11 điểm ngập úng tại các khu dân cư thuộc các xã: Ngọc Hồi, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Liên Ninh, Tân Triều.

Tại một số khu vực (đường dọc sông Hòa Bình; đường 1A khu vực kho 6; đường 25m - Triều Khúc - Tân Triều; đường Vũ Lăng khu vực Công ty Vinafco…) xảy ra tình trạng ngập cục bộ.

Ngoài ra, do mực nước sông Hồng dâng cao, Công ty Điện lực Thanh Trì đã chủ động cắt điện toàn bộ 3 xã vùng bãi (Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc) để bảo đảm an toàn, sau khi nước rút sẽ cấp điện ngay trở lại. Xí nghiệp thoát nước số 7 vận hành hết công suất 5/5 tổ máy tại trạm bơm Cầu Bươu. Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Trì đã vận hành 4 trạm bơm tiêu với với 27 máy bơm.

Toàn huyện đã di chuyển 32 hộ dân (tại các vùng bị úng ngập cục bộ tại các xã: Duyên Hà, Liên Ninh) với 71 người đến nơi ở an toàn.

Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 836 hộ ngoài đê sông Hồng có nguy cơ ảnh hưởng của lũ; 724 hộ ven sông Nhuệ, sông Pheo có nguy cơ ảnh hưởng của lũ tại các phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Phú Diễn, Phúc Diễn, Minh Khai, Tây Tựu, Thụy Phương.

458967971_905019764988736_3522741674640746087_n.jpg
Trao quà tới các hộ dân di chuyển về nơi an toàn. Ảnh: Hiền Phương

Trong ngày và đêm 10-9, cán bộ quận Bắc Từ Liêm đã trực tiếp đến nhà từng hộ dân ngoài đê sông Hồng, vận động sơ tán đến nơi an toàn. Tính đến 1h30 ngày 11-9, 100% hộ dân ngoài đê sông Hồng của 4 phường Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát đã di dời. Trước đó, UBND các phường, các lực lượng ứng trực đã bố trí chu đáo nơi ăn ở, sinh hoạt tạm thời cho người dân.

Chủ tịch UBND quận quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên yêu cầu các phường tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động Nhân dân thuộc các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ khẩn trương thực hiện di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Thạch Thất: Đến 6h sáng nay 11-9, mực nước sông Tích lên cao, vượt mức báo động III, ảnh hưởng đến 230 hộ dân và 943 nhân khẩu.

Lực lượng và nhân dân xã Hạ Bằng tiếp tục
Lực lượng và nhân dân xã Hạ Bằng đắp bao tải cát chống tràn bờ đê. Ảnh: Thu Hương
Các lực lượng và nhân dân xã Hạ Bằng tham gia chống tràn bờ đêm 10-9. Ảnh: Thu Hương.
Các lực lượng và nhân dân xã Hạ Bằng tham gia chống tràn bờ đêm 10-9. Ảnh: Thu Hương

Trong đó, xã Cần Kiệm bị ngập 90 hộ với 388 nhân khẩu. Xã Lại Thượng bị ngập 25 hộ với 96 nhân khẩu. Xã Kim Quan có 13 hộ với 51 nhân khẩu trong đó, 4 hộ với 9 nhân khẩu bị ngập vào nhà, đã di dời đến nơi an toàn, 9 hộ với 42 nhân khẩu ngập đến sân, vườn và công trình phụ.

Xã Phú Kim bị ngập 75 hộ với 308 nhân khẩu, trong đó có 5 hộ với 19 nhân khẩu bị ngập vào nhà (đã di dời), 15 hộ với 58 nhân khẩu nước ngập vào nền nhà; 55 hộ với 231 nhân khẩu bị ngập đến sân, vườn và công trình phụ...

Để hạn chế thiệt hại, các địa phương huy động lực lượng xung kích, nhân dân tổ chức đắp bao tải đất chống tràn ở các đoạn đê. Xã Hạ Bằng huy động lực lượng xử lý sự cố thủng 2 cống qua đường H14 ở đầu thôn Khoang Mè.

thi-tran-lien-quan-canh-bao.jpg
Thị trấn Liên Quan treo biển cảnh báo người dân ở những khu vực nước ngập sâu. Ảnh: Thu Hương.

Nam Từ Liêm: Nước đổ xuống sông Ngà khiến mặt đê sông Cầu Ngà (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) bị tràn tại 2 điểm Cầu Mới và Đồng Dậu.

z5817942271333_e12fb21d62b47b79c5389fe7d7cbb0f5(1).jpg
Lãnh đạo phường Cầu Diễn thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân tại chỗ ở mới. Ảnh Hiền Phương

Bờ sông Cầu Ngà phía Tây Mỗ, mực nước đo trong đêm 10-9 cao 7m. Hiện tại, phường Tây Mỗ đang tiếp tục huy động lực lượng gia cố mặt đê để chống nước tràn vào khu dân cư.

Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm tiếp tục ghi nhận các điểm ngập úng tại phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Trung Văn, Phương Canh, Mỹ Đình, Cầu Diễn… Đặc biệt, phường Đại Mỗ có 65 điểm ngập, trong đó có khoảng 49ha trồng hoa đào.

Các phường đã bố trí địa điểm di dời nhân dân. Cụ thể, phường Cầu Diễn bố trí phòng đơn cho người già, trẻ nhỏ và bố trí 4 hội trường lớn cho 30 hộ gia đình với khoảng 40 người, cung cấp nước, mỳ tôm, cơm suất, trứng. Phường Phú Đô bố trí Trung tâm văn hóa phường cho 17 hộ với 50 người. Tuy nhiên, có 30 người xin tự di chuyển tạm cư về nhà người thân. Mỗi hộ được phường hỗ trợ một số nhu yếu phẩm: 10kg gạo, 1 thùng lương khô và 1 thùng mỳ tôm.

Phường Đại Mỗ đã di dời 12 hộ dân với 28 người. Phường Trung Văn đã xây dựng phương án di dời dân khu vực ngập úng về nhà văn hóa tổ dân phố 17, 18; vận động 15 hộ với 40 nhân khẩu bị ngập lụt di chuyển đến nơi ở an toàn. Hiện nay, các hộ đã tự di chuyển đến tạm cư ở nhà người thân.

Ngoài ra, trên địa bàn quận đang vận hành các trạm bơm: Cầu Ngà 1, Cầu Ngà 3, Cầu Giát, Hoè Thị để tiêu thoát nước.

Tối 10-9, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã hạ thủy thêm 1 chiếc cano tuần tra chuyên dụng, đưa vào ứng trực chiến đấu tổng số 3 cano.

Trước đó, trong ngày 10-9, trực ban Công an quận Tây Hồ tiếp nhận tin báo có 2 người đang mắc kẹt tại bãi giữa sông Hồng. Ngay sau khi nhận tin, tổ công tác của Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an phường Phú Thượng và Nhật Tân đã đến khu vực bãi giữa tìm kiếm.

e7a3afc5-1e16-4381-98f3-1d6cc22cfd66.jpeg
Hai người dân mắc kẹt trên bãi giữa vui mừng được hỗ trợ. Ảnh: Chu Dũng

Lực lượng công an đã đưa ông Hà Hữu Đạt và bà Nguyễn Thị Học (cùng sinh năm 1966; ở xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, là những người làm thuê trên khu bãi giữa sông Hồng, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) vào bờ an toàn.

Trong đêm 10-9 và rạng sáng 11-9, Công an quận Tây Hồ đã tổ chức tuần tra dọc sông Hồng, triển khai các biện pháp phòng, chống lụt.

Cũng trong đêm qua và rạng sáng 11-9, tại những điểm đang úng ngập như đường Phan Trọng Tuệ, khu vực bến xe Yên Nghĩa, ngoài bãi sông Hồng… các lực lượng công an cơ sở vẫn ứng trực bảo đảm đưa người dân qua các khu vực trên an toàn. Ở những điểm cấm lưu thông như đường gom Đại lộ Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Trung Hà…, lực lượng Công an đặt hàng rào, hướng dẫn người và phương tiện không đi vào khu vực nguy hiểm.

2918f33a-3950-4797-b444-24214a61715c.jpeg
Công an huyện Chương Mỹ giúp dân gia cố nhà ở. Ảnh: Chu Dũng

Trong tối 10-9, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (Công an thành phố Hà Nội) đã tổ chức tặng áo phao, nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con tại bến phà Đức Giang, huyện Gia Lâm.

f2ccd88c-02a7-48bc-84c1-15bf5d59c2c5.jpeg
Trao hỗ trợ tới người dân. Ảnh: Chu Dũng

Đây là những hộ dân sinh sống trên những nhà phao ven sông Hồng. Cùng với việc hỗ trợ, tặng quà, tổ công tác cũng vận động người dân tham gia cứu trợ cùng lực lượng chức năng khi cần thiết. Trong điều kiện nguy hiểm, bà con cần di chuyển tới khu vực an toàn theo hướng dẫn.

Lực lượng Công an thành phố xuyên đêm có mặt tại những khu vực nguy hiểm cứu trợ người dân. Video: Chu Dũng

Công an các xã, phường ven các con sông, trên các tuyến đê đã ứng trực, sẵn sàng phương án sơ tán người dân trong điều kiện nước lên nhanh trong đêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Người dân tiếp tục di dời tránh ngập lụt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.