Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Đông tích cực xử lý vi phạm quảng cáo rao vặt

Hoàng Minh| 30/03/2017 06:34

(HNM) - Từ nhiều năm nay, quận Hà Đông luôn coi việc bóc, xóa quảng cáo rao vặt sai quy định là việc làm thường xuyên, liên tục hằng ngày, nhằm từng bước xây dựng các khu phố văn minh, sạch đẹp. Một trong những giải pháp quyết liệt được quận thực hiện hiệu quả là thống kê, đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông


Thanh niên phường Phúc La tham gia bóc, xóa quảng cáo rao vặt sai phạm trên đường Phùng Hưng.


Triển khai liên tục, thường xuyên

Cách đây 5-6 năm, tình trạng quảng cáo rao vặt (QCRV) sai quy định diễn ra tràn lan trên địa bàn quận Hà Đông. Từ các tuyến đường lớn đến ngõ nhỏ, cột điện, tường nhà dân, gốc cây, tủ công tơ điện, thậm chí cả dây điện đều là nơi các đối tượng in, dán, treo QCRV. Nhiều nơi, QCRV được dán chồng lên nhau, làm cho bộ mặt đô thị nhem nhuốc. Xuất phát từ thực trạng đó, từ năm 2014 đến nay, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông tích cực phối hợp với UBND các phường và cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bóc, xóa QCRV sai quy định.


Triển khai nhiệm vụ này, UBND các phường giao cho Ban Văn hóa - Thông tin phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội CCB, các tổ dân phố ra quân bóc, xóa QCRV vào thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần. Ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông cho biết: Ngoài phối hợp bóc, xóa QCRV sai quy định, Ban Văn hóa - Thông tin đồng thời tổ chức thống kê và chụp ảnh, lưu giữ chứng cứ về số điện thoại QCRV nhằm phục vụ công tác xử lý - ngừng cung cấp dịch vụ đối với số điện thoại QCRV sai quy định...

Kết quả sau 3 năm kiên trì của các cấp, các ngành, hàng chục nghìn lượt QCRV sai quy định đã được bóc, xóa, tháo gỡ. Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông, ngừng cung cấp dịch vụ đối với số điện thoại QCRV sai quy định là giải pháp hiệu quả và trong 3 năm (2014-2016), quận đã tổng hợp được 6.523 số điện thoại gửi Sở Thông tin- Truyền thông để xử lý.

Xử lý nghiêm vi phạm


Nỗ lực là vậy, nhưng trước thực tế các chiêu trò, thủ đoạn và hình thức QCRV ngày càng đa dạng, tinh vi; ý thức chấp hành các quy định về quảng cáo của một bộ phận người dân hạn chế… đã khiến công tác nắm bắt, quản lý và xử lý của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Theo ông Phạm Đức Hòa: "Mặc dù hằng ngày, cán bộ văn hóa các phường đi kiểm tra, bóc xóa ngay QCRV không đúng nơi quy định; hằng tuần các phường tổ chức ra quân bóc, xóa QCRV nhưng ngay sau đó tình trạng này lại tái diễn".

Khó khăn nhất trong việc xử lý hiện nay là những đối tượng vi phạm là sinh viên, người lao động nghèo đi làm thuê và khi bị bắt quả tang hầu hết không khai chủ thuê làm việc này; bản thân những người này cũng không mang giấy tờ tùy thân nên khó xử phạt, chủ yếu là thu giữ tang vật vi phạm và yêu cầu bóc, xóa QCRV trên một số tuyến đường.

Ông Phạm Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc La cho biết, các đối tượng thực hiện hành vi treo, dán QCRV thường làm vào ban đêm nên khó bắt quả tang để xử phạt. Đối phó với việc cắt số điện thoại, các đối tượng thường dùng sim “rác”, hoặc không in số điện thoại, địa chỉ trên tờ dán, phướn QCRV sai quy định. Khi được gọi điện mời đến làm việc, đa số chủ thuê bao sẵn sàng bỏ sim điện thoại; nhiều trường hợp vi phạm không nhận lỗi, không đến và không hợp tác. Một khó khăn nữa là hiện nay mỗi phường chỉ có một cán bộ văn hóa, công việc chuyên môn nhiều, trong khi việc bóc, xóa QCRV lại là việc làm thường xuyên, liên tục, không thể lơ là nên khó có thể đáp ứng yêu cầu.

Nhằm tiếp tục xử lý các hành vi dán, vẽ, treo QCRV sai quy định, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, cùng với việc ra quân bóc, xóa QCRV sai quy định, đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ đối với số điện thoại QCRV, quận Hà Đông sẽ tập trung điều tra, xử lý tận gốc các đối tượng thuê dán QCRV sai quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Đông tích cực xử lý vi phạm quảng cáo rao vặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.