Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gương mẫu từ gia đình, dòng họ

Nguyễn Hòa Bình| 24/09/2012 06:08

(HNM) - Cấp ủy Đảng các cấp từ Trung ương đến địa phương đang tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân cả nước. Liệu những cán bộ lãnh đạo có làm gương ngay trong đợt kiểm điểm này? Đó là suy nghĩ, trăn trở của nhiều cán bộ, đảng viên và người dân.

Nội dung kiểm điểm tập trung vào một số vấn đề quan trọng như: Kỷ cương, kỷ luật; cơ chế trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình chỉ đạo, quản lý và thực thi nhiệm vụ công tác… Bởi đó chính là phẩm chất chính trị, là đạo đức và lối sống, là ý thức pháp luật, là việc xây dựng mối quan hệ với quần chúng… của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Xin nói đến một khía cạnh theo người viết là rất quan trọng để đánh giá phẩm chất người cán bộ lãnh đạo - đó là quan hệ gia tộc, bạn bè trong công tác tổ chức nhân sự của người cán bộ lãnh đạo.

Trong sự vận động của cuộc sống hôm nay, khi mà cái quan hệ duy tình theo thể chế dòng họ kiểu "Hương đảng, tộc cư" (làng ở theo họ) hôm qua đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội; thì sự gặm nhấm không ít giá trị đạo đức truyền thống, làm hoen ố đến bào mòn, thậm chí đánh mất cả niềm tin của người dân vào cơ quan nhà nước mà cái "duy tình" ấy gây ra, chẳng lẽ không làm chúng ta suy nghĩ?

Câu thành ngữ "Một người làm quan cả họ được nhờ" không chỉ đúng trong quá khứ mà trong thời điểm hiện tại có vẻ như ngày càng được chứng minh bởi không ít vị cán bộ có chức, có quyền. Có lẽ, chính vì thế, người dân không chỉ hy vọng và tin tưởng đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt mà Đảng ta đang làm, sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc; mà còn tin tưởng hơn khi được nghe những lời tâm huyết, trách nhiệm của những người lãnh đạo cao cấp của Đảng về câu chuyện "một người làm quan", đại ý rằng: Không được chỉ vì vợ con, anh em họ hàng mà làm mất uy tín của tổ chức!

Nhớ lại những ngày chưa xa, khi cả nước cùng hướng về tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày ấy lớp lớp thanh niên những người được sinh ra vào những năm 40-50 của thế kỷ trước - đã gác bút nghiên, cầm súng lên đường cho một mục tiêu thống nhất đất nước. Trong số họ, nhiều người đã không được trở về gặp lại mẹ cha, anh chị em, vợ con, người yêu, bạn bè, làng xóm… Thậm chí, cho đến tận hôm nay, linh hồn họ vẫn còn phiêu lạc nẻo rừng, góc suối, hay ghềnh đá, mom sông nào đó, để rồi không chỉ hôm nay mà cho đến mai sau nữa, sẽ không ai có thể làm biểu thống kê nói rõ đã có bao nhiêu vong linh trong số họ là "con ông nọ", "cháu bà kia".

Ngày đó, có mấy ai tìm cách chạy vạy hay dùng quyền của mình để con cái trốn tránh nghĩa vụ ra chiến trường đánh giặc? Thế hệ lãnh đạo ấy, thế hệ cán bộ lãnh đạo quản lý từ trung ương đến địa phương ấy, trong đó có cả những tướng tá quân đội, luôn là những tấm gương mẫu mực về sự tận trung với nước, tận hiếu với dân, thực sự chí công, vô tư.

Nhưng chả lẽ câu chuyện của hôm qua chỉ sẽ là cổ tích, khi hôm nay chuyện vợ con, anh em bên vợ, bên chồng, rồi họ hàng ba bề bốn bên của không ít cán bộ lãnh đạo quản lý, cũng lại đang nhờ "một người làm quan" của dòng họ để đảm nhận các vị trí lãnh đạo quản lý? Cái lỗi ấy do ai, nếu không muốn nói trực diện rằng: Do chính những cán bộ lãnh đạo quản lý có quyền ấy.

Khi các ông chồng - nói chính xác là các ông cán bộ lãnh đạo quản lý - chiều theo ý vợ, để các bà, các chị can thiệp vào công việc của cơ quan, chuyện đi "cửa sau" sẽ là điều khó tránh. Quả thật, khi vợ sếp "có uy" với chồng, chả lẽ không người nào không nghĩ cách hỏi thăm qua vợ sếp? Chồng là lãnh đạo mà không biết dặn vợ, nếu không muốn nói là cấm vợ nhận quà cáp của cấp dưới, cấm vợ nhận lời giúp đỡ, nâng nhắc họ, thì ai dám mon men đến cửa nhà sếp?

Bố là thủ trưởng cơ quan mà cấm con cái mượn danh mình để kiếm chác, thì làm gì có thể có đứa con nào dám bắn tin cho mấy anh lính dưới quyền bố mình rằng: Bố em định đưa anh (chị) sang đơn vị A, đơn vị B đấy, anh (chị) thử qua hỏi lại mẹ em xem? Khi mà "cả nhà sếp đều làm công tác cán bộ" như thế, liệu cơ quan, đơn vị đó có còn là tổ chức trong sạch, vững mạnh?

Liệu sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có liên quan đến chuyện được vợ, con họ "quan tâm" đến anh em cơ quan và anh em cơ quan biết "quan tâm chu đáo" đến các bà, các cháu?

Các mớ quan hệ hôm nay đâu chỉ còn là vợ, là con cái, mà đã mở ra đến anh em vợ, họ hàng nội ngoại mấy đời rồi. Và các mớ quan hệ giằng chéo nhau, phụ thuộc nhau giữa những người cán bộ quản lý cũng vô cùng rắc rối và tế nhị. Anh lên được chức ấy là nhờ ai? Em vợ tôi, thậm chí là em họ vợ tôi, cháu bên bà cô của anh rể tôi… anh có nỡ từ chối nếu tôi gợi ý, cất nhời? Cái vòng tròn luẩn quẩn ấy cứ quấn mãi cuộn mãi thế, sẽ có lúc nó kết thành khối ung thư thật. Điều ấy, xét ra chẳng lẽ không có lỗi của người đang đảm nhận cương vị là cán bộ lãnh đạo quản lý một cơ quan, đơn vị?

Vẫn biết gia đình là nền tảng của xã hội. Mỗi gia đình tốt, sẽ góp thêm phần tốt lành cho xã hội. Nhưng, đặc biệt hơn, gia đình những cán bộ đang đảm nhận cương vị lãnh đạo quản lý mỗi cơ quan, đơn vị lại phải tự biết mình cần phải làm gương trước. Nếu con cái các anh, các chị thật sự có tài, việc giới thiệu, trọng dụng những người ấy sẽ đem lại ích lợi cho đất nước. Nhưng, ngược lại, nếu họ chưa đủ tài, lại thiếu cả tầm, thiếu tâm thì cái bóng của cha mẹ họ có đủ bù đắp cho sự thiếu hụt cơ bản kia, chưa nói là làm hại cơ quan, làm hại xã hội?

Không một người chồng, người cha, người chủ dòng tộc nào không muốn vợ con, dòng tộc mình được hạnh phúc, đủ đầy. Sự chăm lo cho vợ con, dòng tộc là một giá trị đạo đức cần được khẳng định. Nhưng, với người cán bộ lãnh đạo quản lý, chuyện đem cái tước vị của mình trùm lên cả vợ con, dòng tộc, để dưới cái bóng của tước vị ấy vợ con, anh em… cũng "tung hoành ngang dọc", thì lại là điều phi đạo đức, là nguyên nhân phá vỡ kết cấu mang tính nguyên tắc của một tổ chức, nếu không muốn nói là của cả một thể chế.

Vua chỉ dùng toàn người dòng tộc mà không dùng người hiền tài trong thiên hạ thì đế chế ấy cũng tiêu vong. Ấy là điều hiển nhiên trong lịch sử rồi.

Nhắc lại câu chuyện của ngày chưa xa và chuyện của hôm nay để chúng ta thêm một lần nữa hiểu rằng, mỗi cán bộ, đảng viên nếu không gương mẫu mọi mặt, gương mẫu ngay cả trong mối quan hệ duy tình nhất là dòng họ, gia đình, thì không thể làm cho cơ quan, đơn vị mình mạnh được, từ đó mới làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, phồn vinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gương mẫu từ gia đình, dòng họ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.