Văn hóa

Góp ý quy định xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn

An Nhi 02/07/2023 - 07:26

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang ghi nhận nhiều góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú để hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu cho những người cống hiến, sáng tạo nghệ thuật nước nhà.

Dù đã có những sửa đổi sát với thực tiễn, nhưng dự thảo vẫn còn một số vấn đề cần được cân nhắc điều chỉnh để hướng tới sự tôn vinh xứng đáng, uy tín.

sankhau.jpg
Các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú tham gia diễn xuất luôn nhận được sự ủng hộ của khán giả.

Băn khoăn bổ sung đối tượng

Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú được thực hiện theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30-3-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Tuy nhiên, ngày 15-6-2022, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, khen thưởng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024, trong đó việc xét tặng hai danh hiệu cao quý này có nội dung thay đổi căn bản về đối tượng xét tặng, bổ sung đối tượng là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật”.

Bên cạnh đó, thực tiễn quá trình xét tặng danh hiệu cho thấy còn một số đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi, như quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch xét theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”; đồng thời việc quy đổi giải thưởng cần được hoàn thiện... Vì vậy, việc xây dựng nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú thay thế là cần thiết.

Trong dự thảo Nghị định mới do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” được nhiều nhà quản lý, hội nghề nghiệp, nghệ sĩ quan tâm, bàn thảo, góp ý. Trong 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương báo cáo, đề xuất, chỉ có 3 hội đề nghị bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu. Tuy nhiên, một số đối tượng chưa phù hợp nên đã không được đưa vào dự thảo…

Cá nhân là nhạc sĩ sáng tác, nhiếp ảnh gia đã được bổ sung trong dự thảo. Tuy đây là những đối tượng có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nhưng Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bày tỏ băn khoăn, nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia đã được tham gia xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Thế nên, khi đưa vào đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú e rằng sẽ chồng chéo.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Hồ Sỹ Minh cho rằng, so với những ngành nghệ thuật khác, giải thưởng trong lĩnh vực nhiếp ảnh rất ít, hai năm mới có một cuộc thi ảnh cấp quốc gia, một cuộc thi ảnh về biển, đảo quê hương cấp quốc gia và chỉ trao một Huy chương vàng/giải. Tuy nhiên, thực tế là các nghệ sĩ nhiếp ảnh liên tục sáng tạo, cống hiến, giành nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, đóng góp phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà...

Nâng cao chất lượng, uy tín

Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú nhằm mục đích tôn vinh và ghi nhận những đóng góp, cống hiến xuất sắc của các nghệ sĩ trên các lĩnh vực nghệ thuật. Theo dự thảo Nghị định mới, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú được trao cho nghệ sĩ giành 2 giải vàng quốc gia, hoạt động nghệ thuật 15 năm trở lên.

Đối với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, sau khi được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cần có thêm ít nhất 2 giải vàng quốc gia, hoạt động nghệ thuật 20 năm trở lên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có những lĩnh vực nghệ thuật được tổ chức nhiều liên hoan, cuộc thi cấp quốc gia và ngược lại.

Như ở lĩnh vực sân khấu, chỉ tính năm 2022 và đầu năm 2023, có hơn 10 cuộc thi, liên hoan với số lượng huy chương, giải thưởng cho các nghệ sĩ lên tới vài trăm. Điều này tạo sự thuận lợi cho các nghệ sĩ sân khấu trong cuộc đua xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Trong khi đó, các lĩnh vực khác như điện ảnh, nghệ thuật giao hưởng, nhạc vũ kịch, biểu diễn nhạc cụ dân tộc… lại có ít cuộc thi, liên hoan cấp quốc gia.

Do đó, Nghệ sĩ ưu tú Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho rằng, quy định về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu cần lưu ý đến tính đặc thù của lĩnh vực điện ảnh, hay giao hưởng, thính phòng, nhạc vũ kịch. Nghệ sĩ ưu tú Tấn Minh đề nghị, nên thành lập hội đồng xét tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa… để xét danh hiệu cho nghệ sĩ.

Còn Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội phân tích, với số lượng cuộc thi, liên hoan sân khấu nhiều như vậy, việc quy định chỉ cần 2 giải vàng quốc gia được xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và 4 giải vàng quốc gia được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân có phần dễ dàng.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là phần thưởng cao quý, cần được quy định khắt khe hơn, nên tăng số lượng giải thưởng, hoặc yêu cầu phải có giải cá nhân cấp quốc gia để xét tặng...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ đề nghị các cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp, nghệ sĩ, chuyên gia... tiếp tục nghiên cứu, góp ý để Ban soạn thảo ghi nhận và hoàn thiện dự thảo Nghị định nhằm hướng tới tôn vinh nghệ sĩ xứng đáng, tránh bỏ sót các tài năng, những người có nhiều cống hiến, song cũng bảo đảm thực chất, để danh hiệu thực sự có ý nghĩa cao quý trong lòng nghệ sĩ và công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý quy định xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.