Giáo sư Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ: Ba yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 có nhấn mạnh
Giáo sư Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ: Ba yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 có nhấn mạnh "Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược", điều này là hoàn toàn đúng. Song, để phát triển bền vững về kinh tế, phải phát triển con người bền vững. Khái niệm này rất cần được sử dụng và theo tôi nên nêu tuyên bố đầu tiên của chiến lược là "phát triển con người bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược".
Từ một nước nông nghiệp chuyển sang nước công nghiệp, mục tiêu giáo dục dứt khoát phải thay đổi. Phải thiết kế lại mục tiêu giáo dục và việc này sẽ kéo theo những thay đổi cơ bản, triệt để về chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa, phương pháp giáo dục, giảng dạy, hệ thống giáo dục cũng như công tác quản lý giáo dục. Đã đến lúc cần thực hiện một cuộc cải cách về giáo dục. Theo tôi, cuộc cải cách này phải bảo đảm được 3 yêu cầu:
1. Giáo dục thường xuyên phải là một chính sách quốc gia. Tư tưởng giáo dục thường xuyên phải xuyên suốt mọi khâu của quá trình giáo dục - đào tạo.
2. Đặt giáo dục người lớn vào trung tâm của chính sách giáo dục thường xuyên. Chất lượng của nguồn nhân lực tùy thuộc thái độ của Chính phủ đối với việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục người lớn.
3. Cải cách giáo dục nhằm mục tiêu chuyển mô hình lỗi thời hiện nay sang mô hình xã hội học tập. Vấn đề cốt lõi mang tính bản chất là cấu trúc lại hệ thống giáo dục, xây dựng hệ giáo dục ban đầu và hệ giáo dục tiếp tục cân đối, hài hòa, đa dạng hóa các hình thức học để mở rộng cơ hội được giáo dục, học tập của mọi người dân.
TS Bùi Trường Giang, Viện phó Viện Kinh tế Việt Nam: Cần đặt mục tiêu Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp
Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020, theo tôi trong phần "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN…", Đảng ta cần thể hiện ưu tiên cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước như là khâu đột phá. Vì suy cho cùng, không thể có được một hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ và hiện đại khi chưa giải quyết được bài toán cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước theo nguyên lý thị trường có điều tiết.
Đảng ta cần coi khu vực kinh tế nông nghiệp là lợi thế để so sánh và lợi thế cạnh tranh vượt trội của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Do đó, Đảng cần đặt mục tiêu "… biến Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp" của thế giới, hoặc ít nhất là trong nền thương mại thế giới trong các thập niên tới, từ đó đặt ra nhiệm vụ hình thành các thị trường nông sản kỳ hạn, các chuỗi giá trị nông sản kết nối toàn cầu như là một ưu tiên chiến lược trong thập kỷ tới. Để từ đó, Việt Nam chủ động hơn trong việc điều tiết giá cả hàng nông sản thế giới (gạo, cà phê, một số mặt hàng thủy sản).
Về "phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới", theo tôi, đây là nội dung mới và quan trọng, là điểm nhấn của dự thảo chiến lược. Do vậy, cần mạnh dạn bổ sung "thí điểm xây dựng mô hình đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại một số điểm có lợi thế địa lý - kinh tế vượt trội so với khu vực và trên thế giới"; xây dựng nông thôn mới cần ưu tiên hình thành hệ thống các trung tâm tri thức nông thôn. Ví dụ, có thể ưu tiên phát triển hệ thống phòng đọc, thư viện điện tử tại vùng nông thôn nhằm nâng cao dân trí và điều kiện tiếp cận thông tin của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.