Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Linh Chi| 12/06/2019 08:04

(HNM) - Những tháng đầu năm 2019, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.


Nâng cao quyền lợi người lao động

Chị Vũ Thị Trang (công nhân Công ty TNHH Auto Hoàng Gia Hà Nội) chia sẻ, từ khi Liên đoàn Lao động quận Long Biên hỗ trợ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể, đời sống người lao động được cải thiện đáng kể về lương, phúc lợi. Nhờ đó, các khoản hỗ trợ ăn trưa, trợ cấp khi ốm đau, thai sản... được bảo đảm. Người lao động rất yên tâm làm việc.

Thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể giúp Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động.


Hỗ trợ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể là một trong những hoạt động thể hiện nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động của Liên đoàn Lao động quận Long Biên vì quyền lợi của đoàn viên, người lao động. Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị tập trung thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể” nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động về lương, thưởng và các khoản phúc lợi. Quận cũng thường xuyên rà soát, yêu cầu công đoàn cơ sở ký kết lại các thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn. Đến nay, đã có 125 doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 80,46%...

Không riêng ở Long Biên, Liên đoàn Lao động các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thương lượng và ký kết được thỏa ước lao động tập thể. Theo báo cáo của 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có 2.150 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 58,32%. Nhiều bản thỏa ước có những nội dung cao hơn pháp luật quy định và có lợi cho người lao động về thời gian làm việc, chính sách lao động nữ, bảo đảm bữa ăn ca của công nhân, người lao động với mức thấp nhất 15.000 đồng/bữa...

Để đạt được kết quả này, các công đoàn cấp trên cơ sở đã quyết liệt chỉ đạo, phân công cán bộ thường xuyên tư vấn, hỗ trợ công đoàn cơ sở về công tác xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Ngoài ra, cán bộ công đoàn đã đồng hành cùng cơ sở trong quá trình thương lượng, ký kết, theo dõi tình hình thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Tạo sự đồng thuận, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thỏa ước lao động tập thể là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tốt quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tuy vậy, vấn đề này đến nay vẫn còn những hạn chế. Bà Trần Thị Thanh (Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) cho biết, hiện số thỏa ước lao động tập thể ký kết chưa được như mong muốn.

Ở một số nơi, việc thương lượng tập thể còn mang tính hình thức, chưa thực chất, đúng trình tự, quy định của pháp luật. Đặc biệt, số bản thỏa ước có nội dung cụ thể về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn ca, trợ cấp và nâng lương còn ít. Đáng chú ý, việc mở rộng, triển khai thỏa ước lao động tập thể ở một số ngành còn chậm.

Hiện toàn thành phố đã có ngành Dệt may Hà Nội ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể ngành. Trong đó, thỏa ước lao động tập thể cấp ngành Dệt may lần thứ nhất tại 27 doanh nghiệp đã quy định những nội dung có lợi hơn cho người lao động như về thu nhập, phụ cấp lương, tiền thưởng, ăn ca và một số thỏa thuận khác. Việc này đã tạo sự đồng thuận, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giúp doanh nghiệp, tổ chức công đoàn ổn định và phát triển...

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động công đoàn Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động được chú trọng với nhiều hình thức, biện pháp, nhất là việc thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong các doanh nghiệp.

Năm 2019, các cấp Công đoàn Thủ đô đặt mục tiêu phấn đấu 75% doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn xây dựng, thương lượng, ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị; phấn đấu có ít nhất 40% bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên. Để hoàn thành mục tiêu, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục nâng cao chất lượng, thường xuyên đổi mới công tác đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ công đoàn từ cơ sở đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về công tác thỏa ước lao động tập thể.

Nỗ lực thực hiện tốt các thỏa ước lao động tập thể, các cấp Công đoàn Thủ đô đang từng bước đổi mới hoạt động, nâng cao quyền lợi của người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.