Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch

Hương Ly| 03/01/2013 06:31

(HNM) - Nghị định 87/CP, quy định một số điều về thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 với nhiều điểm đột phá, thay đổi cơ bản phương thức khai báo hải quan từ thủ công sang tự động.  Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là ngành hải quan sẽ làm gì để cùng lúc hoàn thành hai nhiệm vụ: Tạo thuận lợi tối đa cho DN và chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Thủ tục hải quan điện tử đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: Chí Lâm

Tiết kiệm 20% chi phí thông quan

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta năm 2012 đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm trước. Nhờ xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, lần đầu tiên kể từ năm 1993, Việt Nam đã xuất siêu 284 triệu USD. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, hoạt động XNK phát triển mạnh, đòi hỏi ngành hải quan phải nỗ lực hiện đại hóa quy trình khai báo hải quan. Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục theo hướng đơn giản hóa, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế. Trong đó, thực hiện TTHQĐT đóng vai trò then chốt.

Từ năm 2005, TCHQ đã trình Chính phủ cho phép triển khai thí điểm TTHQĐT nhằm từng bước cải cách nghiệp vụ hải quan và chuyển đổi từ thủ tục thủ công sang điện tử. Trong giai đoạn thí điểm (từ tháng 10-2005 đến tháng 11-2009) triển khai tại Cục Hải quan Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, thu hút 669 DN tham gia, tổng kim ngạch XNK thực hiện TTHQĐT đạt gần 1,9 tỷ USD.

Dựa trên những kết quả đã đạt được, tháng 12-2009, Chính phủ đã ban hành quyết định thí điểm mở rộng TTHQĐT tại 13 cục hải quan tỉnh, TP trong đó có: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai… Quyết định mới cho phép tất cả tổ chức, cá nhân hoạt động XNK tham gia TTHQĐT. Đến cuối năm 2012, đã có 41.952 DN tham gia, tổng kim ngạch XNK đạt 250,4 tỷ USD.

Đại diện nhiều DN cho rằng, việc triển khai mở rộng TTHQĐT đã góp phần giảm thời gian thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong XNK. Theo tính toán sơ bộ, việc thực hiện TTHQĐT đã giúp DN tiết kiệm trên 20% chi phí thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, việc tự động hóa nhiều công đoạn trong quy trình khai báo hải quan cũng giảm bớt sự can thiệp của công chức hải quan, qua đó giảm thiểu tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều DN cũng cho biết, việc khai báo HQĐT thường bị trục trặc do đường truyền không ổn định khiến thời gian thông quan kéo dài, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Mong muốn của cộng đồng DN là TTHQĐT sẽ ngày càng hoàn thiện, hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả hơn trong XNK.

Nhiều biện pháp chống gian lận thương mại

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 2-1, TCHQ chính thức triển khai TTHQĐT trên toàn quốc. Sau lễ công bố diễn ra tại Hải Phòng, đánh dấu bước ngoặt về việc chuyển từ khai báo thủ công sang tự động. Với quy trình mới, người khai hải quan được quyền khai báo 24 giờ/7 ngày trong tuần thay vì chỉ có thể khai báo trong giờ hành chính như đối với thủ tục hải quan thủ công. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử sẽ tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai hải quan 24 giờ/7 ngày. Ngay sau khi vận hành, Cục Hải quan Hải Phòng đã làm thủ tục thông quan cho lô hàng găng tay bông của một DN với thời gian cấp chứng nhận thông quan chỉ 1 phút 25 giây.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Huyền Linh

Với quy trình nhanh gọn, hiện đại, lợi ích do TTHQĐT mang lại cho cộng đồng DN đã rõ ràng. Tuy nhiên, một thách thức lớn đặt ra hiện nay là, ngành hải quan sẽ làm gì để hoàn thành cùng lúc hai nhiệm vụ: Vừa tạo thuận lợi tối đa cho DN vừa chống thất thu NSNN và làm tốt vai trò "người gác cổng" của nền kinh tế. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng TCHQ, cho rằng việc tạo thuận lợi có thể là cơ hội cho một số đối tượng cố tình vi phạm pháp luật song việc minh bạch hóa các quy định về hải quan sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng này. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp lý quy định về biểu thuế XNK, ngành sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro thông qua kiểm tra sau thông quan. Bên cạnh đó, những thông tin tình báo chuyên ngành do các bộ phận chức năng thực hiện cũng sẽ giúp ngành sớm có được thông tin về các lô hàng XNK, những đối tượng cần kiểm soát, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

Về hiện tượng nghẽn mạng do đường truyền, TCHQ cho biết đã trình Bộ Tài chính nâng cấp và xây dựng thêm đường truyền dự phòng. Tuy nhiên, để TTHQĐT được triển khai hiệu quả trên thực tế, ngoài nỗ lực của ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ của DN và các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, qua đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.