(HNM) - Giám sát là để làm rõ những vấn đề vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách đã đề ra.
Chọn vấn đề giám sát
Hoạt động của chính quyền nhà nước có rất nhiều nội dung, nếu tổ chức giám sát tất cả sẽ chỉ là hình thức và không hiệu quả. Vì thế, HĐND TP Hà Nội tổ chức giám sát theo thứ tự ưu tiên, chọn đúng và trúng vấn đề để định rõ nội dung cần giám sát, quy mô giám sát; chọn ít vấn đề nhưng giám sát sâu, kỹ, nhiều chiều.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt cho biết, hoạt động giám sát của Thường trực và các ban của HĐND thành phố thực hiện theo đúng chương trình, kế hoạch, quy định của pháp luật, trong đó Thường trực HĐND chọn những vấn đề lớn, liên quan đến một số lĩnh vực nhạy cảm, chủ trương, chính sách tác động nhiều đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội của thành phố. Phương pháp giám sát tiếp tục được đổi mới, kết hợp giữa giám sát trực tiếp tại cơ sở và giám sát qua báo cáo của các đơn vị. Qua đó, tổng hợp, đánh giá, nhận định toàn diện, sát thực, làm rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị; đồng thời tổng hợp những vấn đề nổi cộm, còn nhiều vướng mắc để làm việc với UBND thành phố và các sở, ngành liên quan, nhằm thống nhất quan điểm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn và có giải pháp khắc phục.
Đặc biệt, các báo cáo, kết luận giám sát đã cung cấp thông tin hữu ích cho đại biểu HĐND trong quá trình chất vấn, tái chất vấn hoặc thảo luận quyết định những nội dung liên quan. Ngoài ra, HĐND thành phố còn gửi kết luận giám sát đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan để nghiên cứu, tổ chức thực hiện; công khai trên trang thông tin điện tử của HĐND thành phố để cử tri và nhân dân biết, tham gia giám sát.
Nhận thức đầy đủ để không mắc lỗi
Dù đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả, song hoạt động giám sát của HĐND thành phố vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là đa số đại biểu HĐND kiêm nhiệm, kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn về một số lĩnh vực còn hạn chế. Thêm nữa, một số đại biểu kiêm nhiệm còn ngại va chạm, không dám thể hiện rõ quan điểm trong quá trình giám sát. Việc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong hoạt động giám sát mới dừng lại ở hình thức mời đại diện tham gia đoàn giám sát mà chưa yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin tài liệu… Cơ quan văn phòng tham mưu, tổng hợp giúp HĐND phân loại, xác định tính xác thực của thông tin, tài liệu từ cử tri, các cơ quan báo chí… phản ánh, cung cấp còn hạn chế.
Kinh nghiệm từ những cuộc giám sát thành công của HĐND TP Hà Nội cho thấy, để giám sát đạt hiệu quả cao thì trước khi tổ chức giám sát cần có thông tin kịp thời và xác thực. Các cuộc giám sát thành công đều bắt đầu từ việc nắm chắc thông tin và các quy định của pháp luật, cùng với đó là vai trò, trách nhiệm rất cao của người chủ trì cuộc giám sát. Bên cạnh đó, đại biểu phải biết lắng nghe thông tin từ cử tri và phân tích, đánh giá tính chính xác của thông tin, đối chiếu với các quy định pháp luật để xem xét vấn đề một cách toàn diện trước khi bày tỏ quan điểm.
Theo đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Xuân Diên, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội, trong giám sát phải xác định rõ trách nhiệm và phân công cụ thể nhiệm vụ cho đại biểu và cần chú trọng công tác nắm bắt thông tin, phối hợp, hợp tác. Hai vấn đề khi giám sát thường mắc là tham gia quá sâu hoặc tham gia chưa đầy đủ. Nếu tham gia quá sâu sẽ làm giảm thẩm quyền và trách nhiệm đơn vị thực thi chính sách; tham gia chưa đầy đủ lại bị nhìn nhận là trốn tránh trách nhiệm đại biểu. Cả hai đều làm cản trở tiến trình thực hiện công việc, do đó đại biểu phải nhận thức đầy đủ để không mắc lỗi.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban HĐND trong hoạt động giám sát. Đơn cử, việc giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chương trình xây dựng nông thôn mới là lĩnh vực của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND, nhưng trong 19 tiêu chí nông thôn mới, có tiêu chí thuộc lĩnh vực chuyên sâu của Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Pháp chế. Hoặc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, cùng với Ban Pháp chế giám sát việc thi hành pháp luật, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND cũng có trách nhiệm phối hợp, vì lĩnh vực giám sát liên quan đến lĩnh vực của Ban Kinh tế - Ngân sách... Vì thế, các ban HĐND tăng cường phối hợp thì cuộc giám sát mới đạt kết quả toàn diện.
6 tháng đầu năm 2015, Thường trực HĐND TP Hà Nội thành lập hai đoàn giám sát về thực hiện phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách giai đoạn 2011-2015 theo nghị quyết HĐND thành phố; việc chấp hành pháp luật quản lý nhà nước về quản lý trật tự đô thị, xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo". Các ban HĐND thành phố cũng chủ động triển khai các cuộc giám sát theo lĩnh vực phụ trách. Ban Kinh tế - Ngân sách đã giám sát về tình hình sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án; tình hình nợ thuế, nợ phí và thực hiện giải ngân, quyết toán các công trình sửa chữa, chống xuống cấp… Ban Pháp chế giám sát công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, công tác phòng chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại; thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho người thu hồi đất công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người liên quan đến thu hồi đất, để thực hiện dự án xây dựng Trường Đại học Đại Nam. Ban Văn hóa - Xã hội đã giám sát công tác cai nghiện, phục hồi, quản lý sau cai, phòng chống mại dâm trên địa bàn thành phố… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.