Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm làng nghề

Thanh Hiền| 03/07/2022 07:39

(HNM) - Sau 3 ngày diễn ra (từ ngày 24 đến 26-6), “Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức tại Sân vận động huyện Chương Mỹ đã thành công tốt đẹp. Qua đó, góp phần kích cầu, tạo liên kết tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố.

Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm OCOP tại “Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022”.

Festival nông sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn kết du lịch Hà Nội 2022 với quy mô 73 gian hàng doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu, các chủ thể sản phẩm OCOP (đạt phân hạng từ 3 sao trở lên). Trong đó, 20 gian hàng đại diện các tỉnh, thành phố như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Lâm Đồng; 53 gian hàng doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Chương Mỹ và của nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Festival được Ban Tổ chức lựa chọn kỹ từ các nhóm thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, vật tư nông nghiệp, ẩm thực tiêu biểu của các địa phương.

Mang tới Festival những sản phẩm như gạo hữu cơ Đồng Phú, trứng gà Tiên Viên…, chị Nguyễn Thị Thu Hà, ở thị trấn Xuân Mai chia sẻ: “Trong mấy năm dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của chúng tôi bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy, chúng tôi rất phấn khởi khi huyện phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện lớn này, góp phần kích cầu, tạo liên kết tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản của chúng tôi”.

Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám chia sẻ: “Các sản phẩm OCOP của chúng tôi được thành phố Hà Nội cấp sao đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, củng cố niềm tin của người tiêu dùng và mở ra thị trường rộng lớn hơn. Festival lần này thực sự là cơ hội lớn để doanh nghiệp tiếp cận thêm nhiều khách hàng”.

Còn theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa) - một trong những người trực tiếp làm ra sản phẩm mây tre giang đan đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP cho biết: “Các sản phẩm OCOP được chúng tôi mang đến Festival không những được nghệ nhân có tay nghề cao gìn giữ, phát triển mà còn chứa đựng sự sáng tạo mới lạ, độc đáo, phù hợp thị hiếu của khách hàng”.

Bên cạnh gian hàng của các doanh nghiệp, làng nghề huyện Chương Mỹ, gian hàng của nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố cũng góp phần tạo bức tranh sinh động cho Festival.

Chị Nguyễn Thị Nhân, đến từ tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Các sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là nông sản, thảo mộc. Tham gia chương trình, chúng tôi thấy rất tự hào vì đã khẳng định được thương hiệu của mình và kết nối được nhiều nơi, giới thiệu được các đặc sản vùng miền của quê hương đến với người tiêu dùng cả nước”.

Còn bà Nguyễn Thị Thơm, đến từ huyện Thường Tín cho hay: “Gian hàng của tôi giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của làng nghề truyền thống Thường Tín, đó là các sản phẩm bằng sừng và đồ gỗ, xuất khẩu nước ngoài. Đây là cơ hội để các cơ sở sản xuất như chúng tôi được giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới”.

“Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022” tại huyện Chương Mỹ đã để lại những kết quả tốt đẹp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như du khách.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, Festival đã chứng tỏ là nơi để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch đến khách tham quan, người tiêu dùng; tăng cường đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Cũng qua đây đã đóng vai trò tích cực trong nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.