Nghị quyết và Cuộc sống

Đan Phượng “đánh thức” tiềm năng công nghiệp văn hóa

Nguyễn Mai 14/02/2024 - 07:05

Là huyện ven đô, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, những năm qua, Đan Phượng đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển công nghiệp văn hóa.

Đặc biệt, từ giữa năm 2022, Huyện ủy Đan Phượng ban hành Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 15-7-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm “đánh thức” tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa địa phương.

dan-phuong.jpg
Hội thi nấu cháo se tại “Festival nông sản - văn hóa - ẩm thực - du lịch huyện Đan Phượng năm 2023”.

Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa

Xuân Giáp Thìn 2024, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng sẽ tổ chức Lễ hội truyền thống chèo tàu Tổng Gối với quy mô lớn. Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đỗ Văn Mười cho biết, lễ hội diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng, dự kiến thu hút hàng nghìn người tham gia. Đây là cách để xã bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị lịch sử, văn hóa trong phát triển du lịch.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính, Đan Phượng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, mang nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài. Trên địa bàn huyện có 155 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó một số di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, tiêu biểu như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác ở xã Hạ Mỗ và di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật, như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê ở xã Đan Phượng, miếu Diều (xã Hồng Hà)…

Với vị thế là huyện anh hùng, huyện nông thôn mới, những năm qua, Đan Phượng đã gắn kết phát triển công nghiệp văn hóa với xây dựng nông thôn mới để góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đồng thời phát huy những giá trị văn hóa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Huyện đã khai thác 2 điểm du lịch được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch xã Hạ Mỗ và khu sinh thái Đan Phượng; gắn với phát triển loại hình du lịch tham quan trải nghiệm mô hình nông nghiệp như mô hình rau sạch Cuối Quý, nho hạ đen, hoa lan hồ điệp… Những sản phẩm du lịch này đã góp phần thu hút du khách đến với Đan Phượng và tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, giúp gắn kết công cuộc xây dựng nông thôn mới với phát triển công nghiệp văn hóa.

Tạo động lực phát triển

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải, định hướng của Đan Phượng là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài. Nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa, ngày 15-7-2022, Huyện ủy Đan Phượng đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/HU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Chúng tôi xác định phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó trọng tâm là du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Cảnh quan sạch đẹp là yếu tố để thu hút người dân, du khách đến với Đan Phượng”, ông Trần Đức Hải cho biết.

Ngay sau khi ban hành nghị quyết, trực tiếp Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đã quán triệt đến các cơ quan, phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội và các xã, thị trấn lập kế hoạch cụ thể và có các giải pháp thực hiện, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, dù thời gian triển khai thực hiện nghị quyết chưa dài, song đã mang lại kết quả rõ nét hơn. Chẳng hạn, năm 2023, điểm du lịch Khu sinh thái cao cấp Đan Phượng và điểm du lịch văn hóa xã Hạ Mỗ đón hơn 45.900 lượt khách đến tham quan, tăng 208% so với năm 2022.

Nhờ triển khai nghị quyết, đến nay, ở hầu hết các xã đều đã gặt hái được những kết quả ban đầu từ công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn, cuối năm 2023, tại miếu Diều, xã Hồng Hà đã đón đoàn học sinh trong nội thành Hà Nội về trải nghiệm làm diều cùng các nghệ nhân Câu lạc bộ Diều xã Hồng Hà. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân, các em học sinh được rèn luyện kỹ năng sống, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước với việc học trải nghiệm, khám phá các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể quê hương Đan Phượng.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng đang được khơi dậy và phát huy, góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng “đánh thức” tiềm năng công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.