(HNMCT) - Cùng với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đang là mô hình được nhiều quốc gia thúc đẩy nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế làng nghề, giới thiệu và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Quan trọng hơn cả, đây là hướng đi giúp kinh tế địa phương phát triển một cách bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Theo trang GlobeNewswire, khi các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ, sở thích đi du lịch đến các khu vực dân cư thưa thớt, gần gũi với thiên nhiên đã tăng lên đáng kể, kéo theo sự phát triển của các chương trình du lịch nông thôn. Đặc biệt, du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực, du lịch sức khỏe là những loại hình du lịch nông thôn được lựa chọn nhiều nhất. Xu hướng này sẽ còn tăng mạnh.
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành động lực để phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ sự đa dạng sinh học, truyền thống văn hóa và đặc sản tại các địa phương, năm 2021, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đưa ra sáng kiến thành lập mạng lưới có tên “Best Tourism villages” (tạm dịch là: "Những ngôi làng tốt nhất"). Sáng kiến này còn nhằm tạo sân chơi để các địa phương trên thế giới giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cũng như nhận được sự tư vấn từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu của UNWTO trong quá trình phát triển mô hình du lịch nông thôn. Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết: “Du lịch mang lại cơ hội to lớn cho các cộng đồng trên toàn thế giới để xây dựng, quảng bá và bảo vệ văn hóa của họ. Tôi hy vọng, ngày càng có nhiều ngôi làng phát hiện ra được tiềm năng du lịch độc đáo của mình để tạo thành cơ hội phát triển theo hướng bền vững”.
Năm 2021, UNWTO công nhận 44 ngôi làng trong số 175 đề cử trên toàn thế giới là thành viên của mạng lưới “Best Tourism villages”. Đây đều là những đại diện xuất sắc cho mô hình du lịch nông thôn với giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa nổi bật, được đánh giá cao về khả năng phát huy giá trị sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đặc trưng. Ngoài ra, những ngôi làng này đều có cam kết rõ ràng về lộ trình đổi mới, hướng tới phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.
Trong số những thành viên ở Đông Nam Á được UNWTO công nhận có làng Batu Puteh (Malaysia). Ngôi làng này được đánh giá cao nhờ sự vực dậy thành công sau khi phải hứng chịu hậu quả của tình trạng khai thác gỗ kéo dài liên tục 4 thập niên. Khi rừng bị tàn phá nặng nề, các nhà máy sản xuất gỗ chuyển sang nơi khác, người dân rơi vào tình trạng thất nghiệp, kinh tế địa phương xuống dốc nghiêm trọng. Nhận thấy tác hại của giai đoạn phát triển không bền vững, năm 1996, chính quyền cùng người dân địa phương đã nỗ lực xây dựng một khu bảo tồn rừng. Thanh niên trong làng bắt đầu tìm cách kiếm sống bằng du lịch, qua đó giúp bảo tồn truyền thống văn hóa, hệ sinh thái rừng và tạo thu nhập bền vững.
Chỉ sau 3 năm nghiên cứu, đào tạo và lập kế hoạch, nhóm thanh niên nòng cốt của Batu Puteh đã thành lập 4 sản phẩm du lịch chủ lực, gồm: Dịch vụ chèo thuyền, khám phá rừng, trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm nhà ở cộng đồng. Từ chỗ coi chặt cây là phương pháp mưu sinh, đến nay, người dân Batu Puteh đã ý thức được tầm quan trọng của việc trồng rừng. Họ coi việc trồng cây, phục hồi rừng và bảo tồn các loài linh trưởng, chim thú như một hoạt động để thu hút du khách.
Một đại diện đáng chú ý ở khu vực Bắc Âu tham gia mạng lưới “Best Tourism villages” là làng Gruyères (Thụy Sĩ). Với vẻ đẹp như bức tranh thời Trung cổ, ngôi làng này vẫn phát triển kinh tế chủ yếu từ chăn nuôi gia súc và sản xuất sữa, pho mát. Ngoài Công viên tự nhiên Gruyère Pays d’Enhaut, núi Moleson, nông sản địa phương là một phần quan trọng tạo nên bản sắc của Gruyères, đặc biệt là loại pho mát nổi tiếng “Le Gruyère AOP”. Đây được coi là “át chủ bài” để ngôi làng phát triển du lịch. Đến làng Gruyères, du khách có thể chứng kiến quá trình làm pho mát. Các nhà hàng truyền thống luôn sẵn sàng phục vụ đặc sản vốn được coi là niềm tự hào của người dân trong vùng. Có lịch sử hơn 1.000 năm, điểm khác biệt của “Le Gruyère AOP” là có hương vị ngọt nhưng hơi mặn. Loại pho mát này thường được đun chảy và ăn kèm với món ăn truyền thống của Thụy Sĩ là raclette.
Gruyères còn là quê hương của nhà máy sô cô la Cailler. Tại đây, các chuyến tham quan thường xuyên được tổ chức để du khách tìm hiểu tất cả công đoạn làm ra sô cô la, cũng như thử một số mẫu sản phẩm ngon nhất của họ.
Theo UNWTO, tất cả các sản phẩm từ làng Gruyères đều được sản xuất, chế biến theo một quy trình được giám sát nghiêm ngặt về tiêu chuẩn và chất lượng, đồng thời đảm bảo các yếu tố để hướng tới phát triển bền vững.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, mô hình du lịch nông thôn sẽ chỉ thành công nếu các địa phương xây dựng được chiến lược quy hoạch tổng thể, bao trùm và có sự tham gia tích cực của chính quyền cũng như người dân. Điều này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.