Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó phải triệt để

Hà Phong| 26/07/2014 07:43

(HNM) - Dù đã có quy định trách nhiệm cán bộ, công chức trong tham mưu xây dựng, hoạch định chính sách, nhưng Bộ Tư pháp tiếp tục đề xuất phải nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với việc chậm ban hành luật, văn bản quy định chi tiết trong dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).


Căn bệnh trầm kha

Việc nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật không mới, nhưng có vẻ như đang ngày càng là căn bệnh trầm kha, khó chuyển biến ở nhiều bộ, ngành. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp vừa gửi Chính phủ cho thấy, tính đến cuối tháng 6, mới có 13/24 dự án đã được các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ cho ý kiến; còn 11 dự án chưa được trình Chính phủ, trong đó có 1 dự án rút khỏi chương trình năm 2014 và 2 dự án lùi sang chương trình năm 2015.

Trong một động thái khác, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ xây dựng pháp luật những tháng cuối năm 2014 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị lùi thời hạn xây dựng, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sang kỳ họp Quốc hội thứ chín thay vì kỳ họp thứ tám theo quy định tại Nghị quyết số 70/2014/QH13. Lý do đưa ra là "luật khó, chưa có tiền lệ, không có mô hình để đối chiếu, rút kinh nghiệm". Hơn nữa, hiện thời Bộ KH-ĐT mới xin ý kiến các bộ cử người tham gia vào ban biên tập nên chưa có cơ sở để đẩy nhanh tiến độ. Song, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý lại có quan điểm khác. Theo ông Phan Trung Lý, thực tế nhiều nước đã triển khai mô hình này thành công, có thể nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm. Để triển khai Hiến pháp mới, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải sớm xây dựng, thông qua luật về đặc khu hành chính - kinh tế theo hướng hiện đại, mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu khác đã hình thành trên thế giới. Qua rà soát bước đầu những nội dung về cơ chế chính sách xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt liên quan đến rất nhiều luật, điển hình là dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, lùi thời hạn xây dựng luật này cũng sẽ kéo theo ảnh hưởng các luật liên quan.

Tính từ đầu năm 2013 đến nay, trong tổng số gần 1.600 văn bản được kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 312 văn bản trái pháp luật. Trong đó có 186 văn bản sai căn cứ pháp lý, 64 văn bản sai hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền và 54 văn bản sai về nội dung. Ngoài ra, còn một số không phù hợp quy định thực tiễn.

Cần giải pháp nào?

Phân tích về nguyên nhân tình trạng đưa dự án luật vào chương trình, lại xin rút ra trên, Bộ Tư pháp cho rằng, do Hiến pháp năm 2013 được thông qua, có hiệu lực sớm, đòi hỏi phải ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng, trong khi đó thời gian, vật chất của các bộ, cơ quan ngang bộ còn hạn chế. Một số trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn chưa thực sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho công tác soạn thảo; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình soạn thảo, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, việc thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục soạn thảo dự án luật, pháp lệnh đôi khi còn hình thức. Để tiến tới chấm dứt dần tình trạng nợ đọng văn bản, trong quá trình chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi, Bộ Tư pháp đề xuất: Chính phủ chịu trách nhiệm về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi hành VBQPPL liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước về việc chậm ban hành.

Song, dư luận cho rằng, như vậy là chưa đủ. Bên cạnh việc quy định rõ trách nhiệm để siết chặt, loại bỏ dần hiện tượng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, có nên đề cập đến trách nhiệm bồi thường với các văn bản sai rồi rút lại, sửa chữa nhiều lần, tốn kém nhưng vẫn thiếu tính khả thi không cần được nghiên cứu kỹ. Nên chăng, đã đến lúc cần phải nghiên cứu để khi cơ quan nhà nước cấp bộ trở xuống cho đến cấp địa phương ban hành văn bản pháp luật sai hoặc chậm, trực tiếp gây ra thiệt hại về vật chất cho công dân và doanh nghiệp thì có thể bị khởi kiện và phải bồi thường thiệt hại. Quy định như vậy sẽ sòng phẳng trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước nhân dân, tăng cường triệt để ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó phải triệt để

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.