Góc nhìn

Gỡ khó cho phân cấp, ủy quyền

Hiền Lương 29/07/2023 - 06:36

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tinh thần chủ động của các cấp, các ngành; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, việc triển khai còn bộc lộ không ít hạn chế, trong đó phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực chưa đi liền với cơ chế, nguồn lực.

Hà Nội là một trong những địa phương chủ động, đi đầu trong thực hiện đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Quá trình thực hiện, thành phố đã chú trọng gắn phân cấp, ủy quyền với tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực để cấp dưới tiếp nhận và giải quyết nhiệm vụ mới. Có nhiều tín hiệu tích cực phản ánh điều này, như: Chỉ trong vòng một năm đã có 12 quận, huyện trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 47 dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố sử dụng ngân sách cấp huyện để đầu tư với tổng kinh phí 21.220 tỷ đồng. Gần 600 thủ tục hành chính được ủy quyền đã đi liền với việc ban hành quy trình nội bộ thực hiện.

Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế trong việc bảo đảm đầy đủ, kịp thời cơ chế, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền vẫn còn. Ví dụ như Sở Y tế Hà Nội đã được phân công ủy quyền 90/191 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước, nhưng trang, thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa kết nối và vận hành thống nhất...

Để giải quyết vấn đề này, trước hết, các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phân cấp, ủy quyền. Đây là việc khó, nhưng là “cuộc cách mạng” về thủ tục hành chính, cần thiết phải thực hiện vì đòi hỏi tất yếu từ cuộc sống. Cho nên, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cần nhất là tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, lòng nhiệt huyết và phải loại trừ tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong tập thể, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Quá trình thực hiện cần bám sát Nghị quyết số 04/NQ-CP, ngày 10-1-2022, của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Trong đó, các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ quan điểm “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả” là vấn đề có tính nguyên tắc, bắt buộc phải quan tâm, đề ra giải pháp khả thi ngay từ đầu.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung ở mỗi cơ quan, đơn vị cả cấp trên và cấp dưới. Ví dụ như trường hợp 20 quận, huyện chưa đủ điều kiện về con người để tiếp nhận phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng gợi ý cách giải quyết là không nhất thiết phải có nhân sự “cứng” ở quận, huyện mà có thể vận dụng cơ chế cho phép các quận, huyện thuê chuyên gia, đơn vị khác như Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện chức năng này...

Kết quả phân cấp, ủy quyền đến nay xét cho cùng mới là bước đầu. Nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền càng ngày sẽ càng khó khăn hơn. Nếu không giải quyết ổn thỏa những hạn chế trong giai đoạn thực hiện bước đầu thì sẽ làm chùn bước về sau. Và ngược lại, nếu làm thành công, thì chắc chắn “đầu đã xuôi, đuôi sẽ lọt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho phân cấp, ủy quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.