(HNM) - Mặc dù công trình đã hoàn thành 2-3 năm, thậm chí hơn 5 năm, song nhiều nhà thầu xây dựng vẫn chưa được các chủ đầu tư quyết toán và thanh toán tiền công. Tình trạng nợ đọng trên là thực tế diễn ra nhiều năm nay. Gần như 100% nhà thầu xây dựng đang gặp phải tình trạng nợ đọng từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Thách thức nợ xấu
Theo Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nợ đọng chi phí xây dựng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng của các nhà thầu. Khảo sát hơn 2.000 nhà thầu xây dựng cho thấy, doanh nghiệp có quy mô khoảng 100 tỷ đồng chiếm 90%; doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với đặc thù quy mô vốn nhỏ, các doanh nghiệp xây dựng chủ yếu sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để triển khai dự án khi trúng thầu. Việc chậm thanh toán khiến các nhà thầu xây dựng lâm vào khó khăn... “100% nhà thầu đều có nợ đọng, tùy quy mô, ít thì 30-50 tỷ đồng, nhiều thì hơn 1.000 tỷ đồng. Vốn bị nợ có khi gấp đôi vốn doanh nghiệp hiện có. Không làm thì chậm tiến độ, mà làm thì công nợ chịu lãi vay ngân hàng…”, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Dẫn chứng cụ thể, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, tổng công ty hiện còn 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu. Tính đến ngày 31-3-2022, tổng số nợ phải thu của đơn vị lên đến 1.539 tỷ đồng. Trong đó, nợ từ các dự án vốn nhà nước là 1.004 tỷ đồng, tư nhân là 535 tỷ đồng. Nợ từ 1 đến 3 năm là 506 tỷ đồng, từ 3 đến 5 năm là 539 tỷ đồng, trên 5 năm là 149 tỷ đồng.
Một số nhà thầu khác cũng đang bị nợ đọng xây dựng, như: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam hiện bị nợ 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng... Theo VACC, hiện có quá nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý trong khâu thanh, quyết toán, dẫn đến tình trạng các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng giá trị khối lượng 20-25% cuối dự án. Nhiều chủ đầu tư chỉ trả 70% tổng hợp đồng công trình rồi chây ỳ không chịu thanh toán, khiến các nhà thầu không có tiền trả lãi ngân hàng, trả lương nhân công. Bên cạnh đó, với những dự án có khối lượng phát sinh, thủ tục quyết toán cũng rất phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Với dự án có vốn ngoài ngân sách, nhiều chủ đầu tư năng lực kém nên vay mượn tiền để triển khai, khi không thể vay mượn thì không có tiền trả cho nhà thầu.
Kiến nghị các giải pháp gỡ khó
Mặc dù bị nợ đọng lớn, kéo dài trong nhiều năm, song nhiều doanh nghiệp xây dựng có tâm lý ngại khởi kiện bởi không chỉ chủ đầu tư mà chính nhà thầu cũng chịu sự nghi ngại của đối tác ở những dự án sau này. “Các doanh nghiệp xây dựng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nếu tình trạng nợ đọng không được tháo gỡ kịp thời, 5-7 năm tới, nhà thầu xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến mất”, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp nói.
Để giải quyết tình trạng trên, VACC kiến nghị cần luật hóa trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư trong thanh, quyết toán dự án. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần rà soát, xử lý nợ đọng xây dựng. Với dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, cần có cơ chế bảo lãnh thanh toán đối với chủ đầu tư, ít nhất là với 20% giá trị khối lượng cuối cùng của dự án. Bên cạnh đó, cần xem xét phương án phạt lãi vay ngân hàng đối với chủ đầu tư chậm thanh toán không có lý do; có cơ chế linh hoạt trong việc cho phép quyết toán và bố trí vốn cho từng gói thầu, không để tình trạng phải hoàn thành toàn bộ các gói thầu thì mới có cơ sở quyết toán dự án và bố trí vốn. VACC cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương công khai danh sách các chủ đầu tư nợ đọng xây dựng; có cơ chế đánh giá năng lực của chủ đầu tư...
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với VACC. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã rà soát, loại bỏ hơn 1.000 đơn giá định mức xây dựng lỗi thời, lạc hậu. Trước kiến nghị của VACC về đàm phán, hợp đồng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các đơn vị của Bộ có phương án cụ thể hóa, công khai, minh bạch, cân bằng lợi ích của các bên tham gia. Về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, thanh tra, nghiệm thu…, các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng nghiên cứu, sớm đề ra các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng giải quyết tồn tại. Với các vướng mắc liên quan đến pháp lý, Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) đề xuất điều chỉnh, sửa đổi một số điều khoản hỗ trợ trong các nghị định trình Chính phủ ban hành thời gian tới... “Hằng năm, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với Tổng hội Xây dựng, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam để lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc, từ đó đề xuất bổ sung quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.