(HNM) - Cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2021, hai đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm việc với một số quận, huyện, sở, ngành nhằm khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" và Luật Đất đai năm 2013. Tình hình chung cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết và Luật Đất đai đã góp phần khai thác tốt hơn nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ cơ sở, qua một thời gian thực hiện, sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan như: Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nói riêng.
Trong khi đó, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra... Nhiều nơi dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, còn để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai rất phức tạp, chiếm tỷ trọng lớn…
Những “điểm nghẽn” trên đã được thành phố Hà Nội nhận diện và sớm tổng hợp trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ; xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tại Hội nghị lần thứ ba vào tháng 10-2021.
Trong khi chờ điều chỉnh tổng thể chính sách vĩ mô về đất đai, điều cần thiết nhất hiện nay đối với chính quyền cơ sở vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Đất đai và các văn bản liên quan cũng như thực hiện nghiêm các quy định liên quan trong lĩnh vực này. Trong đó, tập trung quản lý khu vực đất giáp ranh, đất xen kẹt để tránh lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với các dự án thu hồi đất, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy trình trên cơ sở vận dụng linh hoạt chính sách đã có, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất. Với các dự án đấu giá chuyển quyền sử dụng đất cần công khai, minh bạch để người dân biết cũng như nguồn tài chính huy động được sử dụng vào mục đích gì. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất dịch vụ còn tồn đọng liên quan đến các dự án thu hồi đất trước đây, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân.
Về phía người dân, ngoài thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến Luật Đất đai cũng cần tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách đất đai trên địa bàn. Qua đó, góp phần cùng Nhà nước tháo gỡ các "điểm nghẽn", quản lý nguồn lực đất đai, phục vụ cho sự phát triển được tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.