(HNM) - Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dồn sức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, nước ta đã từng bước hình thành được đội ngũ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất hiện đại, tạo ra những sản phẩm giá trị, thân thiện với môi trường...
Hình thành những doanh nghiệp hàng đầu
Những năm gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đưa ra mục tiêu, định hướng cũng như triển khai các chương trình hành động nhằm từng bước lan tỏa phong trào đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp trên diện rộng. Đến nay, Việt Nam đã hình thành một số doanh nghiệp, đơn vị hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất hiện đại như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn FPT hoặc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Đặc biệt, gần đây dư luận rất quan tâm, ủng hộ FPT và Viettel trong nghiên cứu sản xuất chip nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năng lực sản xuất công nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện và đạt kết quả đáng ghi nhận, từ đó lý giải kết quả xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo thường xuyên chiếm hơn 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế. Điều đó cho thấy xu hướng sản xuất những sản phẩm giá trị cao, chú trọng đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại của doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Còn theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia nằm trong tốp 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới ghi nhận, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt tiến bộ lớn ở thể chế, mức độ phát triển thị trường, mức độ hoàn thiện kinh doanh và kết quả sáng tạo.
Dù có nhiều tiềm năng, cơ hội nhưng vẫn còn một số rào cản cho thực hiện đổi mới sáng tạo, chủ yếu do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi cho biết, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về lĩnh vực bán dẫn nhưng chỉ có khoảng 1.000 kỹ sư vi mạch cùng hơn 2.000 kỹ sư chuyên ngành hệ thống nên không đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất và tăng trưởng của ngành này. Thực tế, thành phố Hồ Chí Minh cần hàng chục nghìn kỹ sư cho ngành bán dẫn…
Thúc đẩy các mô hình kinh doanh, sản phẩm mới
Theo Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Trung tâm đang phối hợp với các tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, quy trình mới. Riêng Chương trình đổi mới sáng tạo năm 2022 hướng đến hỗ trợ, phát triển 500 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo, dẫn dắt nền kinh tế vào năm 2030 cũng như góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công; đồng thời đóng vai trò là hạt nhân phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện tại Việt Nam, khởi tạo điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thông qua việc xác định rõ thách thức cũng như hành động thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ giúp tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững. Từ đó, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác giữa khu vực công, khu vực tư nhân với các đối tác trong và ngoài nước, chung tay hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo...
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, tập trung vào các nội dung, mục tiêu là: Nâng cao năng lực quản trị của hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng nguồn thu từ mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới và nâng cao năng suất lao động từ quy trình mới, công nghệ mới. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu...
Thực tế cũng cho thấy, để nâng cao tính sẵn sàng, năng lực tiếp thu và thực hiện đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thì rất cần sự chia sẻ, trợ giúp giữa các đơn vị. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng của doanh nghiệp và các đơn vị cần có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Tập đoàn CMC luôn chào đón, tham vấn các nội dung về môi trường phát triển, khởi nghiệp, trong đó tập trung vào chuyển đổi số, xây dựng văn hóa doanh nghiệp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.