(HNM) - Sáng 22-5, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2012. Bốn tháng đầu năm nay, hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh.
Mặc dù TP đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho DN về công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp cận nguồn vốn vay… tuy nhiên, chỉ số phát triển SXCN chỉ tăng 3,83% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.
Lắp ráp quạt máy tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Trung Kiên |
Cầu hàng hóa thấp, sức mua giảm
Tính chung 4 tháng đầu năm, CPI của Hà Nội tăng 13,61% so với cùng kỳ (chỉ số CPI toàn quốc tăng 14,57%; TP Hồ Chí Minh tăng 3,9%); tổng mức bán lẻ tăng 18,5% thấp hơn mức tăng của TP Hồ Chí Minh (20,6%) và toàn quốc (21,6%). Do tình hình kinh tế gặp khó khăn, cầu hàng hóa thấp, sức mua giảm, thêm nữa người dân thắt chặt chi tiêu khiến cho sức mua vào, bán ra của DN trên địa bàn giảm (mức giảm trung bình 5-15%). Hàng hóa tiêu thụ chậm dẫn đến tình trạng tồn kho cao tại nhiều DN. Chỉ riêng với các DN tham gia bình ổn giá, có DN giá trị tồn kho lên đến 25 tỷ đồng.
Xuất khẩu (XK) 4 tháng đầu năm cũng tăng thấp so với cùng kỳ do khối DN nhà nước chiếm tỷ trọng 40% tổng kim ngạch XK, nhưng mức tăng trưởng chỉ 0,7% nhóm DN ngoài nhà nước có mức tăng trưởng (-)2%. Các DN vừa và nhỏ trên địa bàn hầu hết có quy mô vốn thấp, phụ thuộc nhiều vào vốn vay (vốn vay cao gấp 2-5 lần vốn điều lệ) lại khó tiếp cận với vốn vay các chi phí đầu vào khác (xăng, nhân công) lại liên tục tăng.
Nhóm hàng nông sản có tỷ trọng 9,2% giảm 31,4% do giá nông sản trên thị trường quốc tế (trừ gạo và hạt tiêu) đều giảm. Mặt hàng gạo tuy không bị giảm về giá, nhưng bị cạnh tranh về giá từ các nước XK khác là Ấn Độ, Pakistan, Myanmar nên không ký được nhiều hợp đồng, lượng hàng tồn kho cao. Mặt hàng rau quả Việt Nam XK sang thị trường Châu Âu bị kiểm soát chặt do có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Mặt hàng thủy sản bị tác động của các vụ kiện chống bán phá giá và các quy định về an toàn thực phẩm tại các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe… Nhiều nhóm mặt hàng khác, như sản phẩm nhựa, khoáng sản, vật liệu xây dựng, phân bón, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, bột giấy, sản phẩm gỗ và đồ gỗ, đồ chơi trẻ em, kính xây dựng… chiếm tỷ trọng 26,8% và giảm 8,7% do ảnh hưởng mạnh từ khủng hoảng kinh tế thế giới nên sức tiêu thụ thấp. Nhóm mặt hàng da giày và các sản phẩm từ da chiếm tỷ trọng 1,7% đơn đặt hàng đến hết quý II giảm 20-30%.
Sản xuất đồ nhựa gia dụng tại Công ty Nhựa Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho DN
Hà Nội xác định, DN "khỏe" thì nền kinh tế mới "khỏe". Tuy nhiên, số DN trên địa bàn lâm vào tình trạng đình trệ sản xuất đang ở mức báo động. Vì vậy, hơn lúc nào hết Hà Nội phải ưu tiên hỗ trợ DN bằng cách giảm chi phí, tăng sức mua giúp DN tiêu thụ được sản phẩm.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành giải pháp hỗ trợ 29.000 tỷ đồng để "cứu" DN, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp này vẫn chưa đến được với DN như kỳ vọng. Hiện nay, DN vẫn phải chịu rất nhiều loại phí trực tiếp và gián tiếp, vì vậy cần phải xóa bỏ những loại phí không còn phù hợp, miễn giảm một số loại phí để DN giảm bớt áp lực. Còn với lãi suất, vấn đề hiện nay lãi suất cao hay thấp chưa phải hàng đầu mà là DN có đến được với nguồn vốn ngân hàng hay không? Bản thân ngân hàng mặc dù có nguồn vốn dồi dào cũng không cho vay được, chứ không phải ngân hàng không muốn cho vay. Vì vậy, việc cơ cấu lại nợ để DN đến được với ngân hàng là rất quan trọng.
29.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ được cấu thành bởi một số con số chính: Khoảng 4.000 tỷ đồng là tiền thuế được giảm cho các DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực đặc thù khoảng 4.100 tỷ đồng là tiền gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho đối tượng DN theo Nghị quyết 08/2011/QH13; khoảng 3.500 tỷ đồng là phần gia hạn nợ thuế TNDN chưa nộp ngân sách của năm 2011 trở về trước cho một số DN cũng theo Nghị quyết 08 và mở rộng thêm một số DN; khoảng 3.000 tỷ đồng là khoản phí bảo trì đường bộ, xin lùi thời hạn thu đến hết ngày 31-12-2012. Ngoài ra, con số 29.000 tỷ đồng này là kết quả cộng dồn của một số khoản nhỏ khác, như mở rộng diện giảm tiền thuê đất (800 tỷ đồng) giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất, miễn thuế môn bài… Những con số trên cho thấy, việc dư luận đặt kỳ vọng gói 29.000 tỷ đồng khi được triển khai sẽ mang lại những tác động lớn đến cộng đồng DN là không thực tế. Như đã nói trên, gói 29.000 tỷ đồng này chủ yếu là đề xuất xin thực hiện tiếp những chính sách ưu đãi mà Quốc hội đã ban hành năm 2011.
Tại hội nghị, các DN cũng xác định, gói giải pháp tổng hợp chỉ để hỗ trợ DN vượt khó và các DN cần phải tự cứu mình. Vì vậy, ngoài các giải pháp, như cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các DN tiếp cận nguồn hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn về vốn trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương giữa các DN sản xuất - XK… thì TP phải tập trung nắm bắt khó khăn vướng mắc của DN thông qua các hội nghị giao ban với DN sản xuất - XK để chỉ đạo các ngành liên quan tháo gỡ kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.