(HNM) - Một vấn đề được lãnh đạo thành phố Hà Nội thường xuyên nhắc nhở tới cấp ủy Đảng các cấp thành phố là phải chỉ đạo nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời việc mới, việc khó ngay từ cơ sở.
Lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân để giải quyết kịp thời, giúp ổn định tình hình ngay từ cơ sở. |
Nhiều vấn đề đặt ra
Mấy năm qua, tình hình xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì tiềm ẩn nguy cơ bất ổn do việc khiếu kiện của một số hộ dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo quốc lộ 1A qua địa phận huyện. Số đơn thư liên quan không nhiều, nhưng do quy trình giải quyết phức tạp đòi hỏi phối hợp nhiều cấp, đa ngành nên đến nay đây vẫn là một trong những vụ việc thuộc diện theo dõi của thành phố.
Mặc dù đã chủ động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, nhưng huyện Thanh Trì đang còn 4 vụ việc phức tạp chưa giải quyết xong theo báo cáo của thành phố và 9 vụ việc do huyện tự rà soát.
Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương, từ những việc trên bộc lộ vấn đề đáng lo là cấp ủy, chính quyền cơ sở có nơi chưa thực sự quyết tâm giải quyết vấn đề phức tạp, thậm chí còn xử lý đối phó. “Nếu tiếp tục duy trì cách làm này, không sớm thì muộn sẽ xuất hiện những “điểm nóng” mới” - Bí thư Huyện ủy Thanh Trì nêu rõ.
Cũng như Thanh Trì, hầu hết quận, huyện, thị xã mới giải quyết được một phần những vụ việc phức tạp ở xã, phường, thị trấn; chưa kể có tình trạng vụ việc cũ giải quyết chưa xong đã nảy sinh vụ việc mới. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã giải quyết và đưa ra khỏi danh sách 10/97 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi; củng cố xong 14/77 tổ chức cơ sở Đảng. Tuy nhiên, do có thêm 2 vụ, số vụ việc phức tạp ở cơ sở chưa được giải quyết nâng lên thành 79 vụ và 63 tổ chức cơ sở Đảng cần được củng cố (thuộc 18 đảng bộ quận, huyện, thị xã và 2 đảng bộ trực thuộc Thành ủy). Đó là chưa kể số vụ việc do các địa phương tự rà soát, thống kê.
Mới đây, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố còn cho biết, hiện nay, tình hình khiếu kiện vượt cấp trên địa bàn thành phố tiếp tục có dấu hiệu gia tăng. Từ đầu năm 2019 đến nay, có trên 20 đoàn khiếu kiện đông người của thành phố lên các cơ quan trung ương... Đó là những vụ việc hoàn toàn có thể trở thành “điểm nóng”.
Đeo bám quyết liệt, giải quyết đến cùng
Phường Thạch Bàn, quận Long Biên từ lâu luôn được đánh giá cao về sự ổn định, dù thực hiện nhiều dự án giải phóng mặt bằng. Đó là nhờ Đảng ủy lấy chi bộ là hạt nhân bám sát cơ sở, phân công đảng viên phụ trách tới từng hộ gia đình. Nhờ đó, từng ý kiến kiến nghị của người dân được tiếp nhận và giải quyết kịp thời.
Không riêng phường Thạch Bàn, theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch, quận phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn, nếu xảy ra vụ việc gì thì kết quả giải quyết vụ việc đó chính là thước đo đánh giá, xếp loại thi đua, chấm điểm hằng tháng đối với cán bộ. Nhờ cách làm đổi mới, quận Long Biên là số ít địa phương thường xuyên giải quyết đúng hạn trên 99% số đơn thư của nhân dân.
Thấu hiểu tầm quan trọng của việc giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, giữ ổn định tình hình ngay từ cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, ngành liên quan bám sát cơ sở để giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp. Tinh thần chỉ đạo chung là: “Vụ việc xảy ra ứng với đơn vị, địa phương nào thì nơi đó phải tập trung đeo bám”.
Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Để thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU, giữ ổn định tình hình từ cơ sở, mỗi quận, huyện, thị xã phải xác định rõ những “điểm nóng” để thường xuyên rà soát, thanh tra, kiểm tra nhằm giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân”. Do đó, những cách làm mới, bám sát cơ sở nêu trên là rất cần thiết đối với cấp ủy các cấp, nhất là cấp ủy cấp huyện, xã.
Việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy với quyết tâm giữ vững tình hình từ cơ sở không chỉ là bước chuẩn bị quan trọng đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 mà còn là sự chuẩn bị quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.