Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ ổn định thị trường

Gia Khánh| 13/01/2023 06:32

(HNM) - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng, dầu. Trong đó, nội dung được quan tâm là cơ chế xác định giá cuối cùng đến người tiêu dùng. Theo dự thảo, có 2 phương án được đưa ra, thứ nhất là vẫn điều hành giá xăng, dầu như hiện nay và sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp; thứ hai là Nhà nước chỉ quản lý các yếu tố cấu thành giá và doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ.

Sở dĩ cơ chế xác định giá cuối cùng đến người tiêu dùng được quan tâm bởi mặt hàng xăng, dầu có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội. Mặt khác, nếu không tính đúng, đủ yếu tố cấu thành giá hay chi phí phát sinh của doanh nghiệp, doanh nghiệp thua lỗ dừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của thị trường. Những gì diễn ra hồi tháng 10-2022 là ví dụ.

Nói cách khác, dù với phương án nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải bảo đảm giữ ổn định thị trường xăng, dầu, không để xảy ra thiếu nguồn cung. Chính sách điều hành giá xăng, dầu phải hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, không để giá xăng, dầu ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Thực tế đã xuất hiện nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng này. Mới đây, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tạm dừng phân xưởng RFCC để khắc phục sự cố kỹ thuật. Trong 10 ngày đầu tháng 1-2023, sản lượng xăng, dầu của nhà máy này giảm khoảng 20-25% so với kế hoạch. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn - một trong hai thương nhân đầu mối sản xuất, tăng công suất tối đa; đồng thời sử dụng nguồn dự trữ, nguồn hàng khác để bù đắp lượng thiếu hụt. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu chủ động nhập khẩu, bảo đảm cung ứng đủ xăng, dầu cho thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão và hết quý I-2023.

Như vậy, bên cạnh việc xử lý kịp thời tình huống phát sinh, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiếp thu, hoàn thiện, sớm trình ban hành quy định về kinh doanh xăng, dầu, khắc phục căn bản vấn đề tồn tại trên thị trường xăng, dầu thời gian qua. Một số vấn đề cần lưu ý, đó là giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam đang gánh nhiều chi phí vì hệ thống phân phối nhiều tầng, như thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ. Khi có biến động về giá cả, một trong những tầng, nấc trung gian dừng hoạt động là thị trường bị ảnh hưởng. Bất cập này không dễ giải quyết ngay, nhưng rõ ràng giảm bớt trung gian không chỉ giảm đáng kể giá bán cuối cùng đến người tiêu dùng, mà còn giảm cả rủi ro trong chuỗi cung ứng xăng, dầu ra thị trường.

Bên cạnh đó, xây dựng một thị trường lành mạnh, cạnh tranh cũng là điều cần hướng tới. Một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, quản trị tốt chắc chắn sẽ có mức giá bán lẻ tốt, sát với thị trường quốc tế; khi giá thế giới giảm, giá bán trong nước giảm theo và ngược lại khi giá thế giới biến động việc cung ứng không bị gián đoạn, không có tình trạng bán hàng nhỏ giọt chờ đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh, chắc chắn giá bán lẻ cũng sẽ cạnh tranh và người tiêu dùng là đối tượng hưởng lợi.

Thực tế, cơ quan quản lý cũng đã có kinh nghiệm trong điều hành khi giá xăng, dầu biến động mạnh. Thông qua các công cụ như thuế, phí, hỗ trợ thu nhập, Nhà nước có thể bảo đảm mặt bằng giá cả ổn định và duy trì hoạt động của doanh nghiệp mà không làm đứt gãy nguồn cung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ ổn định thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.