(HNM) - Giá cả thực phẩm dịp Tết tại nhiều địa phương Đông Nam Bộ đang có dấu hiệu tăng cao. Vì thế, chính quyền và cơ quan hữu quan nhiều tỉnh đã có những phương án cụ thể, bảo đảm cung cấp đủ thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và giữ ổn định giá cả.
Cùng với cả nước, giá thịt lợn tại nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... đang tăng cao. Thời điểm cuối tháng 12-2019, giá lợn hơi trong khu vực dao động 90.000-105.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng có nguy cơ kéo theo giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác tăng theo.
Đồng Nai là một trong những địa phương chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm của cả nước nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng và cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp, thu hút hàng vạn lao động từ các tỉnh, thành cả nước về làm việc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, tỉnh đã có kế hoạch phối hợp cùng các doanh nghiệp lớn chung tay bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Ngoài ra, ngân sách tỉnh sẽ chi khoảng 62 tỷ đồng và lập quỹ dự phòng 30 tỷ đồng để bình ổn các mặt hàng Tết.
Tranh thủ mua sắm hàng Tết tại siêu thị Mega Market ở thành phố Biên Hòa, chị Hoàng Thị Hoa, công nhân Công ty Changsin Việt Nam cho biết, năm nay doanh nghiệp chi tiền thưởng Tết sớm nên công nhân cũng đi sắm Tết sớm. "Hàng tiêu dùng phong phú, giá không tăng so với ngày thường, chỉ có thịt lợn đang tăng giá nên tôi mua sớm", chị Hoa nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) khẳng định, từ nay đến Tết Nguyên đán, C.P cam kết cung cấp ra thị trường ổn định ở mức 3.000 con lợn thịt/ngày - tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cam kết cung cấp khoảng 1.000-1.200 con lợn/ngày; Công ty TNHH Sunjin Vina cam kết cung cấp khoảng 300 con lợn/ngày, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Tại Bình Dương, Sở Công Thương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đợt bán hàng bình ổn giá. Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, đến nay 12 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu năm 2020 đã chuẩn bị lượng hàng hóa với tổng giá trị 4.167,5 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp này tiếp tục đưa 5 nhóm hàng thiết yếu vào danh sách bình ổn giá, gồm lương thực thực phẩm, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm... Lượng hàng bình ổn chiếm từ 30 đến 40% nhu cầu thị trường và sẽ tăng dần vào thời điểm giáp Tết.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố thông tin, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn giá Tết đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa với tổng giá trị khoảng 19.000 tỷ đồng, tăng 3,44% so với cùng kỳ.
Tham gia chương trình bình ổn này, ông Phan Tấn Phúc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Gigamall Việt Nam chia sẻ: "Công ty đã phối hợp với Saigon Co.op chuẩn bị hàng hóa Tết và có kế hoạch xử lý khi có biến động giá. Chúng tôi cam kết bảo đảm nguồn cung dồi dào, bình ổn giá, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, với hàng trăm gian hàng đăng ký khuyến mãi từ 10% đến 50%".
Ngoài ra, thông qua Chương trình Hợp tác thương mại, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho thành phố, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... nhằm nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. Thành phố cũng chuẩn bị sẵn phương án nhập khẩu thịt lợn từ Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada... nếu sức tiêu thụ của thị trường có dấu hiệu tăng nóng, quyết không để tăng giá ngoài tầm kiểm soát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.