Góc nhìn

Giữ nhịp sản xuất

Gia Khánh 03/01/2024 - 06:28

Bước qua kỳ nghỉ Tết Dương lịch, chỉ hơn một tháng nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hai kỳ nghỉ Tết liền nhau trong thời gian ngắn ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người lao động.

Nhất là với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người coi đây là dịp gia đình đoàn tụ, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Rồi tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên sau mỗi kỳ nghỉ Tết, doanh nghiệp lại lo thiếu lao động, lao động không trở lại làm việc.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số lao động có việc làm trong quý IV-2023 ước tính là 51,5 triệu người, tăng hơn 130 nghìn người so với quý III-2023 và tăng hơn 414 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người so với năm 2022. Đáng chú ý, thu nhập bình quân của lao động trong quý IV-2023 ước đạt 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng so với quý III-2023 và tăng 444 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.

Những con số trên cho thấy, xu thế phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm hơn, nhiều thu nhập hơn cho xã hội. Xu thế này dự báo còn tiếp tục khởi sắc trong năm 2024, vì thế ngay từ lúc này doanh nghiệp cần phải tính đến việc giữ chân người lao động, chuẩn bị cho hoạt động trong năm 2024. Trước hết, đó là không ngừng chăm lo đời sống, cải thiện thu nhập của người lao động. Thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch thưởng Tết. Vẫn biết, thưởng Tết nhiều hay ít còn phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vẫn biết năm 2023 là năm cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, thậm chí còn khó hơn cả năm 2022, song một mức thưởng Tết hợp lý chính là biểu hiện cụ thể của việc chăm lo đời sống lao động. Những năm trước, để giữ lao động trở lại sau kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp còn bố trí phương tiện đưa, đón công nhân. Về lâu dài, việc chăm lo cho người lao động, kết hợp với đào tạo nâng cao tay nghề, kiến thức, sẽ tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, ở đó người lao động có năng suất cao, ý thức trách nhiệm với doanh nghiệp hơn. Quan trọng hơn, môi trường làm việc tốt sẽ thay đổi nhận thức người lao động, tạo ra những lao động mang tác phong chuyên nghiệp, kỷ luật của sản xuất công nghiệp hiện đại.

Về phía người lao động, cần ý thức rằng trong bối cảnh nhiều khó khăn, việc doanh nghiệp duy trì đơn hàng đã góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người lao động. Vì thế, người lao động cần nỗ lực cùng doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Đóng góp của người lao động qua hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn tạo ra của cải vật chất cho chính mình và cho xã hội.

Trong quan hệ doanh nghiệp và người lao động không thể thiếu vai trò của cơ quan quản lý các cấp. Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; giám sát bảo vệ quyền lợi của người lao động, triển khai các chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, kết nối cung - cầu lao động, việc làm… Đặc biệt, cơ quan quản lý các cấp cần có các chương trình đào tạo nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là những lao động có tay nghề, thông thạo chuyên môn, có ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng sản xuất công nghiệp hiện đại. Việc cải thiện năng suất, chất lượng nhân lực cũng góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ nhịp sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.