(HNM) - Sau những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang dần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh mục tiêu phát triển thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp còn muốn thu hút nhân lực có tay nghề cao. Tuy nhiên, với thực tế thị trường còn thiếu lao động tay nghề cao và có chuyên môn vững, cơ quan chức năng cần tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đồng thời gắn kết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với hoạt động đào tạo nghề.
Khó tuyển dụng
Trên các trang tuyển dụng và tìm việc làm hiện nay không chỉ đăng tải việc làm phổ thông không đòi hỏi nhiều về tay nghề, kỹ thuật mà còn có những vị trí khá hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người lao động. Đơn cử, tại trang “Việc làm Hà Nội” mới đăng tin, tìm người vào vị trí Chánh Văn phòng, tham mưu cho Ban lãnh đạo công tác quản trị hành chính văn phòng, thay mặt công ty quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp quản lý, theo dõi, điều hành, chỉ đạo công tác tổ chức, xây dựng chính sách lương, thưởng, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, hợp đồng lao động… Từ chức danh việc làm đến mô tả công việc đều cho thấy vị trí tuyển dụng rất quan trọng và phải cần người có trình độ, kiến thức, kỹ năng mới có thể đảm nhận được.
Còn ở trang “Việc làm ngành ngân hàng” cũng đăng tin khối khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng thương mại cần tuyển dụng nhân sự cấp chuyên gia. Vị trí này có nhiệm vụ quản lý các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng dịch vụ sản phẩm của ngân hàng ở phân khúc 20-600 tỷ đồng. Theo một số người tìm việc, công việc này dành cho những người có trình độ, kinh nghiệm, khả năng giao tiếp tốt..., chứ không dành cho sinh viên mới tốt nghiệp.
Trong mục “Top nhà tuyển dụng trả lương cao” của trang vieclamhanoi.net cũng ghi rõ công việc có mức lương từ 30 triệu đồng phải đáp ứng nhiều tiêu chí như lập kế hoạch, thực hiện phát triển kinh doanh, lên ý tưởng và đề xuất phương án kinh doanh, các kênh tiếp cận khách hàng; có kỹ năng quản lý, lãnh đạo, giao tiếp tự tin, thuyết trình... Chị Chu Thu Huyền (phường Điện Biên, quận Ba Đình) cho biết, tuy nhiều vị trí công việc có mức lương khá nhưng thực tế nhiều người tìm việc không qua khỏi vòng phỏng vấn hoặc không đáp ứng được công việc sau thời gian thử việc. Còn anh Vũ Văn Tuyên, phụ trách quản lý Công ty TNHH Vận tải Tuyên Dũng (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cho hay: "Công ty khá đau đầu khi tìm nhân sự sửa chữa phương tiện và thiết bị cẩu tự hành, vì trên thực tế không có lao động được đào tạo chính quy về lĩnh vực này".
Theo báo cáo Tổng chỉ số nguồn nhân lực năm 2022 của Tập đoàn Manpower Group Việt Nam, nước ta hiện có nguồn lao động dồi dào với khoảng 50,74 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, số người lao động có trình độ tay nghề chuyên môn cao chỉ chiếm khoảng 11,67%. Đáng chú ý, người lao động cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn để cạnh tranh với thị trường khác trong khu vực.
Gắn tuyển dụng với đào tạo nghề
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng 1-2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 13,8 nghìn người, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, để phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao, Sở đã tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động. Mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô, gắn đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh. Đây là một trong nhiều biện pháp cụ thể giúp người lao động chọn nghề và tìm việc làm phù hợp, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, kết nối cung cầu lao động…; đồng thời góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành thông tin, trong tháng 1-2023, trung tâm đã tổ chức được 20 phiên giao dịch việc làm với 498 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; số lao động được tuyển dụng là 1.053 người. Cùng với các phiên giao dịch việc làm, trung tâm sẽ rà soát, tổng hợp lại nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trong hệ thống cơ sở dữ liệu để tiến hành các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động… Trong tháng 2, tháng 3-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự kiến tổ chức thêm 35 phiên giao dịch việc làm, bao gồm cả phiên giao dịch online (trực tuyến) kết nối việc làm giữa các tỉnh, thành phố lân cận và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, theo phản hồi từ doanh nghiệp, khi tuyển dụng lao động vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng, khiến lao động không làm đúng ngành nghề. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phát triển kỹ năng nghề, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, đào tạo kỹ năng nghề theo nhu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.