Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và các tầng lớp nhân dân, phát huy trí tuệ tập thể vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước. Cùng với việc gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mỗi đảng viên còn phải chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, những điều đảng viên không được làm, trong đó có kỷ luật phát ngôn.
Phát ngôn tùy tiện - biểu hiện xa rời nguyên tắc của Đảng
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy chế, quy định về kỷ luật phát ngôn đối với CB, ĐV, nhằm giữ vững tính Đảng, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước. Nhìn chung, CB, ĐV đều giữ vững quan điểm, lập trường, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trên từng vị trí công tác, từ đó nói, viết đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tổ chức.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số CB, ĐV có những phát ngôn tùy tiện, không đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá.
Cách đây một năm, việc ông Chu Hảo bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, vì đã có những vi phạm vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn báo chí nước ngoài không đúng sự thật, cổ súy cho những tư tưởng sai trái, lệch lạc, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta...
Đó là biểu hiện rõ nét của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của người đảng viên, phai nhạt lý tưởng cách mạng, không chịu trui rèn bản lĩnh, nhận thức chính trị, không tuân thủ kỷ luật phát ngôn của Đảng...
Một số CB, ĐV hưu trí lợi dụng dân chủ, phát ngôn sai trái, đi ngược lại đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, lộ rõ là những kẻ hai mặt, bởi khi còn đương chức thì không tham gia xây dựng, đóng góp cho Đảng, cho đất nước, nhưng khi nghỉ hưu thì phát ngôn tùy tiện, không mang tính xây dựng, hoặc lợi dụng những thông tin không chính thống để quy kết, luận bàn thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức chính trị, thậm chí bị lôi kéo, kích động.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, thông báo kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, nhân sự việc ông Chu Hảo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Về cơ bản CB, ĐV là rất tốt, nhưng không phải không có những người cậy mình có chút công lao để sinh ra kiêu ngạo, muốn nói gì thì nói, phán gì thì phán, nói trái điều lệ, nói trái Cương lĩnh. Như vậy, có còn là đảng viên nữa không...?”.
Thời gian gần đây, trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, một số CB, ĐV đang ở giai đoạn giao thời, hoặc có biểu hiện “chợ chiều cuối khóa” đã không giữ được tính Đảng trong lời nói của mình. Biểu hiện là khi trong hội nghị thì phát ngôn một đằng, nhưng ngoài hội nghị lại nói một nẻo liên quan đến những vấn đề về nhân sự đại hội đảng, vi phạm nguyên tắc của Đảng.
Những phát ngôn sai lệch, không đúng bản chất, khi gặp “chất xúc tác” của những người đưa tin theo kiểu “cắt gọt”, giật tít “nóng” để câu view, đã tạo ra những luồng dư luận xấu trên các diễn đàn, mạng xã hội; ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị về mọi mặt cho đại hội đảng các cấp.
Nhìn rộng ra, ở các chi bộ, đảng bộ, nơi này, nơi kia có những CB, ĐV nhận thức chưa đầy đủ, hoặc không đúng về chủ trương của cấp ủy, có những phát ngôn mang nặng thiên kiến chủ quan, gây mất đoàn kết, dẫn đến có những suy nghĩ, lời nói, việc làm vi phạm kỷ luật phát ngôn, ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của tổ chức đảng và đảng viên.
Một số CB, ĐV vẫn còn biểu hiện “hẹp hòi”, phát ngôn không có cơ sở, cung cấp những thông tin không thuộc thẩm quyền, làm ảnh hưởng uy tín của người đảng viên và gây nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ; trong hội họp, tự phê bình và phê bình còn biểu hiện nể nang, né tránh, ít tranh luận, ít đấu tranh phê phán. Cũng có những đảng viên trong cuộc họp, lấy “im lặng là vàng”, nhưng khi ra khỏi cuộc họp thì bàn tán, phê người này, nói xấu người kia…
Tôn trọng kỷ luật Đảng là đạo đức cách mạng của người cộng sản
Đội ngũ CB, ĐV là những người trực tiếp tuyên truyền, thực hiện đưa nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Hơn ai hết, đây là những người phải nắm chắc, hiểu sâu nguyên tắc của Đảng và đường lối, chủ trương của Đảng để tuyên truyền đúng, đủ đến các tầng lớp nhân dân.
Người CB, ĐV khi tiếp xúc, giao tiếp với nhân dân, với các cơ quan báo chí phải phát ngôn đúng với chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác của mình; đặc biệt, cần bám sát các quy định, quy chế phát ngôn do các cơ quan chức năng cũng như cơ quan, địa phương mình ban hành.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước là đạo đức cách mạng của người cộng sản. Trong giai đoạn hiện nay, việc củng cố và tăng cường kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng. Tăng cường kỷ luật đảng không phải để kỷ luật nhiều đảng viên mà quan trọng nhất là để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết cho đội ngũ CB, ĐV. Để bảo đảm kỷ luật được chặt chẽ, tự giác thì phải mở rộng, tăng cường dân chủ trong Đảng; có như vậy mới bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và từ đó tăng cường dân chủ.
Thực hiện nhất quán những vấn đề mang tính nguyên tắc trên, Đảng và Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, để mọi người được tham gia đóng góp, xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền Nhà nước và đề đạt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến riêng của mình. Đảng mở rộng dân chủ trong đóng góp ý kiến, trong phát ngôn, nhưng phải trong khuôn khổ những quy định của nguyên tắc, Điều lệ Đảng.
Do vậy, trong các hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, CB, ĐV phát biểu ý kiến phải theo đường lối, chủ trương và các nghị quyết của Đảng; phải giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được phát ngôn tùy tiện, hoặc lợi dụng các diễn đàn, các cuộc hội thảo, hội nghị để đả kích tổ chức, phê phán lãnh đạo, bôi nhọ cá nhân và tuyên truyền các quan điểm sai trái. Tùy tiện phát ngôn sẽ tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và những phần tử xấu lợi dụng chống Đảng.
Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của các diễn đàn online, mạng xã hội đặt ra yêu cầu cấp thiết phải quản lý chặt chẽ CB, ĐV trong cả lời nói và việc làm. Những thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội rất khó kiểm soát, kiểm chứng về mức độ tin cậy.
Bởi vậy, khi tham gia các diễn đàn này, bất kỳ một bình luận, phát ngôn nào của CB, ĐV cũng dễ trở thành chủ đề bàn luận, thậm chí bị các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá. Trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đặt ra các yêu cầu, quy chế về việc phát ngôn đối với mọi đảng viên sinh hoạt ở chi bộ mình.
Cấp ủy các cấp, các đảng bộ, chi bộ cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường phổ biến, quán triệt, nâng cao ý thức tuân thủ kỷ luật phát ngôn của Đảng cho CB, ĐV; kịp thời ngăn chặn, xử lý khi có CB, ĐV vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm trái quan điểm, đường lối, quy định của Đảng và Nhà nước.
Cùng với việc siết chặt quản lý, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cá nhân có phát ngôn không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình; không đúng với đường lối, quan điểm của Đảng để giữ nghiêm nguyên tắc, kỷ luật phát ngôn của Đảng.
Đồng thời, mỗi CB, ĐV phải nâng cao bản lĩnh, tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời nhận diện và đấu tranh trực diện chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, lợi dụng chống phá; nhất là khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội trên môi trường internet, từng CB, ĐV cần có nhận thức đúng đắn, không bị các thế lực thù địch, phản động dụ dỗ, lôi kéo, cài bẫy trong các bình luận, phát ngôn, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Đảng.
Mọi CB, ĐV dù ở cấp nào cũng đều phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhất thiết không để CB, ĐV đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, gây chia rẽ, bè phái trong Đảng đều phải bị xử lý nghiêm minh. Đây là yêu cầu cấp thiết thường xuyên để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.
Hơn ai hết, CB, ĐV phải tự nghiên cứu, học tập, trau rèn nhận thức, bản lĩnh chính trị, nâng cao “sức đề kháng” trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, không để mình bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết, nghi kỵ nội bộ, tiếp tay cho những hành vi vi phạm. Có như vậy, kỷ cương, kỷ luật của Đảng không những được phát huy hiệu lực, hiệu quả, mà uy tín, vai trò, vị thế của Đảng ngày càng được tăng cường và khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.