Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ nét đẹp xưa

Người Xây Dựng| 17/02/2016 06:45

(HNM) - Tối mùng 2 tết Bính Thân, vừa về đến nhà, đứa cháu nội đang học lớp 2 của bà Hằng (ở phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) đã tíu tít khoe:

- Bà ơi! Hôm nay, cháu được nhiều tiền mừng tuổi lắm ạ! Toàn tiền một trăm với hai trăm nghìn đồng bà ạ!
Vừa nói, thằng bé vừa dốc tiền trong từng phong bao đỏ chót xuống mặt bàn. Cuối cùng, thằng bé rút một tờ mười nghìn đồng trong túi ra và lủng bủng:

- Chú Thịnh bạn bố cháu mừng tuổi ít nhất bà ạ!
- Đúng là keo kiệt. Em lì xì hai đứa con nhà anh ta mỗi đứa một trăm nghìn đồng. Vậy mà anh ta mừng tuổi bé Bi nhà mình có chừng ấy! - Cô con dâu bà Hằng đứng cạnh đó bĩu môi nói với chồng.
- Đúng là đã nghèo lại hèn. - Con trai bà Hằng phụ họa theo vợ.

Tự dưng bà Hằng bỗng thấy buồn vô cùng. Bà kêu các con ngồi xuống và phân tích:
- Mừng tuổi đầu năm là nét đẹp nhằm đem lại may mắn cho người mừng tuổi và người được nhận. Từ xưa tiền mừng tuổi chỉ là những đồng tiền lẻ, mang tính tượng trưng thôi chứ không nhất thiết phải thật giá trị. Lạm dụng việc mừng tuổi tiền mệnh giá lớn sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của trẻ về giá trị đồng tiền. Hơn thế nữa, mừng tuổi quá nhiều tiền tạo ra tâm lý ganh đua, tị nạnh không hay chút nào. Chưa kể nhiều người lợi dụng việc này để biếu xén, hối lộ, xu nịnh… Vì thế, các con đừng quá nặng nề về giá trị của những bao tiền mừng tuổi, miễn là mọi người đều vui vẻ, may mắn là được.

Nghe bà Hằng phân tích, các con như hiểu ra và đều gật đầu đồng ý. Cùng chung quan điểm như bà Hằng, Người Xây Dựng thiết nghĩ, tục mừng tuổi tiền lẻ đầu năm là để đem lại may mắn cho mọi người. Mong rằng, mọi người cùng làm theo nếp xưa để giữ mãi nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ nét đẹp xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.