(HNM) - Ở tuổi 75, dịch giả Thúy Toàn đảm nhận vai trò Chủ tịch Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam với kỳ vọng bắc thêm một cây cầu giao lưu văn học giữa hai nước và kết nối tình yêu của những người yêu mến văn học Nga. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về vấn đề nói trên.
Dịch giả Thúy Toàn với cuốn Marian Tkachev - Người bạn tài hoa và chí tình do ông biên soạn cùng PGS Phạm Vĩnh Cư. Ảnh: Mi Ly |
- Thưa dịch giả Thúy Toàn, Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga đã ra đời như thế nào?
- Xuất phát từ nền móng quan hệ, hợp tác văn học giữa hai nước trong nhiều năm qua, nhiều người đã tìm đến tôi, nhất là các bạn Nga để trao đổi về vấn đề này. Gần đây, phía bạn có một đề án cấp nhà nước, đề nghị chúng ta giới thiệu một số tác phẩm văn học trong giai đoạn gần đây để dịch sang tiếng Nga. Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng, nhiều bạn yêu văn học Nga, muốn dịch văn học Nga nhưng điều kiện in ấn lại hạn chế. Trong điều kiện ấy, chúng tôi thấy cần có sự vận động để các tác phẩm đó được ra mắt độc giả.
Tôi đề xuất với Hội Nhà văn Việt Nam về việc cần có một đơn vị chính thống đứng ra kết nối, tổ chức, thực hiện những công việc như vậy, thay cho nỗ lực riêng lẻ của cá nhân hay đơn vị tư nhân. Trong chuyến công tác của đoàn nhà văn Việt Nam tại Nga gần đây, đề xuất này được cả hai bên nhất trí triển khai.
- Từ đâu mà ông tin tưởng rằng hợp tác văn học dịch Việt - Nga sẽ phát triển trong thời gian tới?
- Từ chính nhu cầu thực tế! Chúng ta đã có một dòng chảy dịch thuật, giới thiệu rộng rãi các tác phẩm văn học Nga với bạn đọc Việt Nam, từ thế hệ các nhà văn, nhà thơ cựu trào như Ngô Tất Tố, Vũ Ngọc Phan đến Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh… rồi đến lớp chúng tôi. Đất nước, văn học, con người Nga với Việt Nam thật hấp dẫn, gần gũi và có nhiều điểm tương đồng. Ngoài ra, văn học Nga cũng có nhiều tác phẩm, tác giả nổi tiếng mà chúng ta vẫn chưa được tiếp cận, nếu thúc đẩy dịch thuật sẽ hứa hẹn mang lại những cảm nhận mới mẻ, sâu sắc về nền văn học Nga.
- Thưa ông, có thể nói gì về đội ngũ những người dịch gắn bó với văn học Nga?
- Ngoài Chủ tịch Quỹ là tôi ra, thì còn hai Phó Chủ tịch là dịch giả Lê Đức Mẫn - thành viên Hội đồng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam và dịch giả Thụy Anh, một người mới, rất hăng hái. Chúng tôi đã mời được nhiều người tham gia hội đồng chuyên môn, gồm PGS - TS Phạm Vĩnh Cư, dịch giả Từ Thị Loan, Đoàn Tử Huyến, Vũ Thế Khôi, nhà thơ Bằng Việt. Hội Liên hiệp Hữu nghị Việt - Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga cùng nhiều tổ chức, đơn vị… hưởng ứng nồng nhiệt sáng kiến này. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự gợi mở, ý tưởng, nhất là từ các bạn trẻ yêu thích văn học Nga.
- Thời gian tới, Quỹ sẽ có những hoạt động gì cụ thể, thưa ông?
- Chúng tôi đang lên chương trình giới thiệu cho phía bạn dịch các tiểu thuyết "Hồn bướm mơ tiên" của Khái Hưng, "Mưa mùa hạ" của Ma Văn Kháng, "Mẫu thượng ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh cùng hai tuyển truyện ngắn, thơ đương đại khác. Phía bạn cũng sẽ giới thiệu với ta một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Nga.
Về lâu dài, sẽ có sự hợp tác trong việc chọn và giới thiệu vài dịch giả của ta sang nước bạn tu nghiệp, bồi dưỡng mỗi năm. Ngoài ra, là thúc đẩy việc xuất bản dịch phẩm; tổ chức giao lưu nhằm thúc đẩy tình yêu đối với văn hóa, văn học Nga. Ngày 24-7 tới, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, quỹ sẽ giới thiệu bản dịch tiếng Nga đầu tiên cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" do TS Lê Nhân, PGS - TS Anatoly Sokolov dịch.
Chúng tôi xác định mình không thể ôm hết mọi việc. Điều quan trọng nhất là giữ "lửa", thực hiện tốt vai trò cầu nối với văn học hai nước.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.