Nông nghiệp - Nông thôn

Giữ lửa đất trăm nghề Bài 3: Thách thức còn ở phía trước

Nhóm phóng viên 04/08/2023 - 06:39

Những làng quê đổi mới, những nét văn hóa đặc sắc được lưu giữ, lan tỏa khắp cả nước và năm châu tạo nên bức tranh đa sắc màu, thú vị, độc đáo của vùng đất trăm nghề Hà Nội.

Nhiều làng nghề phát triển năng động, đổi mới, hiện đại khẳng định được thương hiệu trong đời sống kinh tế thời hội nhập. Tuy nhiên, phát triển làng nghề nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng của Hà Nội không chỉ là “đường băng để cất cánh”. Vẫn còn đó những rào cản, khó khăn, để lại những tiếc nuối, lo âu trong quá trình bảo tồn, thích ứng, vươn lên của mỗi làng nghề.

chuong-my.jpg
Sản xuất hàng mây, tre đan tại làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Sức ép từ thực tiễn sản xuất

Làng nghề của Hà Nội hiện gồm có các nhóm ngành nghề sản xuất, như: Mây tre đan, nón lá, thêu ren; các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dệt vải, may mặc và đồ gỗ gia dụng; các mặt hàng phục vụ cho đời sống như sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ; chế biến sản phẩm từ lương thực, thực phẩm… Nhiều làng nghề phát triển tự phát chưa có quy hoạch rõ ràng, đồng bộ với các loại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất, kinh doanh quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ; nguồn nguyên liệu có xu hướng thu hẹp...

Trong các nhóm ngành nghề truyền thống thì mây, tre đan có lịch sử hàng nghìn năm, tồn tại và phát triển gắn liền văn hóa, văn minh lúa nước của người Việt. Nhiều làng nghề mây, tre đan truyền thống như Phú Vinh, Ninh Sở, Phú Túc… đã làm rạng danh nghề đan lát Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì vậy, nhu cầu nguyên liệu cho mây, tre đan là rất lớn. Tuy nhiên, dù được đánh giá có tiềm năng lợi thế để trồng và phát triển mây, tre…, nhưng các làng nghề lại đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho hay, nguồn nguyên liệu sản xuất là khó khăn lớn nhất đối với người làng nghề. Trước đây, các loại mây, tre… phục vụ sản xuất có thể mua dễ dàng từ các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng hiện nay nguồn cung từ các vùng này bị thiếu hụt nghiêm trọng, bởi phần lớn tre, nứa nằm trong khu vực rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, không được khai thác. “Chúng tôi phải mua nguyên liệu xa hơn, thậm chí phải nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Indonesia…, nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho sản xuất”, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường, toàn huyện hiện có 142 đơn vị, tổ hợp, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng mây, tre, lá, cỏ, mỗi năm tiêu thụ khoảng 600 tấn mây; 700 tấn song; 500.000 cây tre, nứa, giang; 100.000 cây trúc; 500 tấn cỏ tế. Thế nhưng, nguồn nguyên liệu luôn trong tình trạng thiếu hụt, còn giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các nhà nhập khẩu, khiến thu nhập từ nghề mây, tre đan giảm đáng kể, khó phát triển.

Cùng với nguồn nguyên liệu, vốn, nhân lực cho sản xuất của các làng nghề cũng ngày một khó khăn. Vốn cho sản xuất trong làng nghề chủ yếu là vốn tự có của các hộ dân, còn nguồn nhân lực là lao động phổ thông, làm việc mang tính truyền dạy, “quen tay” là chủ yếu.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mộc Đại Nghiệp (huyện Phú Xuyên) Hoàng Văn Luận cho biết, làng có 600 hộ thì có hơn 80% làm nghề, thu hút hơn 1.000 lao động trực tiếp và nhiều hộ gia đình sản xuất vệ tinh quanh vùng. Người làm nghề của làng Đại Nghiệp thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, qua hàng trăm năm vẫn luôn đau đáu, mong muốn giữ gìn và phát triển những nét tinh hoa của làng nghề truyền thống. Song, quá trình phát triển cho thấy, có rất ít nhân lực trình độ cao để thiết kế, sáng tạo những mẫu mã sản phẩm mới vừa có nét truyền thống, vừa bắt kịp nhu cầu thị trường. Lực lượng lao động là các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng được đào tạo bài bản về nguyên tắc, quy trình thiết kế sản phẩm, có năng lực thẩm mỹ trong thiết kế gần như không có. Trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng “khó tính”, khiến sản xuất của làng nghề gặp không ít khó khăn.

Rào cản hạ tầng

Với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn và lưu giữ, gắn kết các giá trị văn hóa, lịch sử, những năm qua, trung ương và thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương phát triển làng nghề thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, làng nghề vẫn là ngành kinh tế yếu thế, chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng và lợi thế; các chính sách chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Trong đó, rào cản lớn nhất để phát triển sản xuất làng nghề là mặt bằng nhỏ hẹp, giá đất và giá thuê đất cao, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cơ sở hạ tầng trong phần lớn các làng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập.

Điển hình tại làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) có doanh thu lớn nhất, nhì trong các làng nghề của thành phố, nhưng vẫn sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư. Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) Nguyễn Viết Hùng, thời điểm 2007-2008, xã đã quy hoạch 44ha đất để phát triển làng nghề. Thế nhưng, sau khi hợp nhất Hà Tây và Hà Nội, xã Sơn Đồng nằm trong quy hoạch phân khu đô thị của thành phố, nên tất cả các dự án làng nghề không phù hợp. “Thương hiệu làng nghề phải gắn liền với địa danh, chúng tôi không thể “bốc” làng nghề đi khỏi xã. Diện tích sản xuất chật chội đã kìm hãm sự phát triển của nghề và tạo ra bộn bề nỗi lo an toàn, nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường…”, ông Nguyễn Viết Hùng trầm tư.

Qua khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, diện tích mặt bằng dành cho sản xuất, kinh doanh của các cơ sở trong làng nghề bình quân mới đáp ứng được 30% đến 40% nhu cầu. Ngay từ năm 2001, tỉnh Hà Tây (cũ) đã tiến hành quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng một số cụm công nghiệp làng nghề ở các làng có nghề. Song, việc quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề còn phân tán, nhỏ lẻ, nhiều cụm chỉ có diện tích khoảng vài héc ta, nên phải chia nhỏ đất cho thuê, chỉ được 150m2/hộ đến 200m2/hộ và 360m2/doanh nghiệp. Điển hình như Cụm công nghiệp làng nghề ở Chàng Sơn (Thạch Thất) chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thuê đất của các hộ làng nghề; 70% còn lại vẫn đang loay hoay, sản xuất trong không gian chật hẹp ngay tại gia đình. Trong khi đó, tại huyện Thanh Oai, Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy Nguyễn Xuân Chánh băn khoăn, dù huyện đã đưa vào triển khai Cụm công nghiệp Thanh Thùy 1 và chuẩn bị khởi công Cụm công nghiệp Thanh Thùy 2 trên địa bàn xã, nhưng quy mô các cụm còn quá nhỏ so với nhu cầu của làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thực trạng phát triển ngành nghề nông thôn và công tác bảo tồn, phát triển làng nghề của Thủ đô hiện nay cho thấy, nhiều nơi mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến chưa nhiều, dẫn đến chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Trong khi đó, lao động ở các làng nghề có phần bị hạn chế về trình độ học vấn, đa số không qua đào tạo cơ bản, nên gặp khó khăn khi tiếp thu công nghệ mới, hoạt động nghề còn mang tính thời vụ trong lúc nông nhàn. Đáng chú ý, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, như: Giao thông đã xuống cấp, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí, tiếng ồn, do hầu hết sản xuất tại nhà xen lẫn với sinh hoạt hằng ngày và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Những khó khăn, bất cập nêu trên đang là rào cản cho mục tiêu bảo tồn, phát huy được các yếu tố truyền thống, phát triển nghề, làng nghề một cách bền vững, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ lửa đất trăm nghề Bài 3: Thách thức còn ở phía trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.