Văn hóa

Giữ lửa đất trăm nghềBài 4: Tạo hệ sinh thái mới

Nhóm phóng viên 05/08/2023 - 06:36

Khôi phục và chấn hưng, không để các làng nghề truyền thống bị mai một, nghề quý bị thất truyền, gắn kết giữa lịch sử văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội là mong muốn không chỉ đối với người dân làng nghề, mà còn của các cơ quan quản lý các cấp. Vì vậy, bảo tồn và phát triển, tạo sự bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tạo được một hệ sinh thái phát triển mới cho làng nghề đang được các cấp, các ngành và người dân tích cực triển khai.

lang-nghe.jpg
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Đỗ Tâm

Đổi mới của “người trong cuộc”

Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) Phạm Khắc Hà, để người dân gắn bó, phát triển nghề, phường Vạn Phúc và Hiệp hội vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ gia đình còn điều kiện sản xuất “giữ lửa” cho nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các thành viên trong Hiệp hội liên kết để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và dệt tên cơ sở sản xuất của gia đình vào sản phẩm, giúp khách hàng nhận diện được thương hiệu. Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cũng phối hợp với Hợp tác xã Dệt lụa Vạn Phúc vận động nhân dân tham gia các cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ do thành phố và Bộ NN&PTNT tổ chức hằng năm. Bên cạnh đó, thành lập bộ phận thiết kế mẫu, hỗ trợ các sản phẩm, hoa văn thiết kế mới; tiếp tục duy trì đầu mối nhập nguyên liệu tơ tằm về bán lại cho các thành viên hợp tác xã và hội viên không tính lãi để khuyến khích các hộ sản xuất. Hiện tại, làng lụa Vạn Phúc có hơn 132 máy dệt, khoảng 300 hộ dệt và kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm.

Không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, làng lụa Vạn Phúc còn gắn kết với du lịch, dịch vụ, kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm để thấy được nét văn hóa, giá trị tinh thần, chất lượng của sản phẩm lụa Vạn Phúc. Đặc biệt, nhận thức rõ việc không duy trì được nét độc đáo và sự khác biệt riêng của lụa Vạn Phúc, làng nghề sẽ bị mai một, các nghệ nhân của làng đã dần khôi phục cách dệt truyền thống, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. “Từ năm 2016, người dân làng Vạn Phúc đón nhận tin vui khi thành phố đã tổ chức thi ý tưởng, quy hoạch dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc. Vì vậy, người dân Vạn Phúc mong muốn dự án sớm được triển khai để bảo tồn và phát triển nghề một cách bền vững”, ông Phạm Khắc Hà bày tỏ.

Nghề nón làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cũng đang chuyển mình, bắt kịp xu thế thị trường để lưu giữ và phát triển nghề. Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng thông tin, nhiều hộ làm nón tại làng nghề đã sáng tạo, thiết kế mới với nhiều mẫu mã nón đẹp hơn. Đáng chú ý, các hộ đã vận dụng công nghệ số xây dựng các trang giới thiệu, bán hàng điện tử. Đến nay, ngoài những trang thông tin điện tử cá nhân, sản phẩm nón làng Chuông được quảng bá, bán hàng ở các trang thương mại điện tử, như: Lazada, Shopee, Sendo… với giá bán từ 150.000 đến 200.000 đồng/chiếc. Ngoài các sản phẩm truyền thống: Nón cổ, nón chóp, nón quai thao, người làng Chuông còn thiết kế, tạo ra những sản phẩm nón lạ đầu tư công phu, tỉ mỉ, trang trí đẹp, bắt mắt, được thị trường đón nhận.

“Trong cái khó, ló cái mới”, gỡ vướng về nguồn nguyên liệu mây, tre…, người làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã nghiên cứu, tạo ra các nguyên vật liệu thay thế. Thay vì mây, tre, các nguồn nguyên liệu phổ biến, như: Thân cây chuối, xơ mướp, thân đu đủ được chế biến, tạo thành nguyên liệu mới phục vụ sản xuất của làng nghề. “Hiện chúng tôi đang hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, chế biến, xử lý thành nguyên liệu làm nghề từ các loại cây đu đủ, mướp, chuối… để tạo ra các sản phẩm độc đáo, vừa có nét truyền thống, vừa gần gũi thiên nhiên, được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề Phú Vinh chia sẻ.

Tạo cú hích từ cơ chế

Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần “giữ hồn” văn hóa làng quê; đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương và đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Hoản cho rằng, cần tăng cường đầu tư các nguồn lực cho phát triển làng nghề, như: Vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, bổ sung quỹ đất cho phát triển làng nghề, đầu tư đồng bộ, hợp lý cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao, phát huy vai trò các nghệ nhân, thợ giỏi. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng cần hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thị trường cho các cụm làng nghề…

Từ thực tiễn địa phương, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống, có giá trị kinh tế cao. Huyện Thanh Oai tập trung đưa các hộ sản xuất nghề vào cụm công nghiệp làng nghề và khuyến khích phát triển thành công ty; mở các lớp truyền nghề, đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới cho người dân. Thanh Oai đã và đang phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh. Huyện cũng xây dựng 4 trung tâm thương mại tại thị trấn Kim Bài và các xã: Bình Minh, Dân Hòa, Thanh Thùy và thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong huyện.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 1.686ha đã đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp đã thu hút được 4.169 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, thu hút gần 80.000 lao động. Thành phố cũng đang triển khai các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề, như: Xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh, khu sản xuất tập trung, điểm du lịch cho khách tham quan…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, những trăn trở, băn khoăn, kiến nghị, đề xuất của các làng nghề, người làm nghề và chính quyền các cấp cũng là thể hiện niềm mong mỏi được lưu giữ, phát huy những nét văn hóa và nâng cao đời sống kinh tế của người dân ở mỗi làng nghề. Đây cũng là sức mạnh để làng nghề truyền thống còn lại với thời gian, kết nối giữa quá khứ và hiện đại, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại ngày nay.

Vì vậy, thành phố sẽ tập trung vào rà soát, hoàn thiện các chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề về đất đai, mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, ưu tiên các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ngành nghề nông thôn trong làng nghề được vay vốn tín dụng. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề; có cơ chế, chính sách để duy trì phát triển đội ngũ nghệ nhân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề theo chương trình xúc tiến thương mại - du lịch, chương trình OCOP…

Đặc biệt, Sở NN&PTNT tiếp tục cùng các đơn vị triển khai xây dựng Trung tâm sáng tạo, thiết kế và giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với du lịch, dịch vụ du lịch, lựa chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống được chứng nhận đưa vào quảng bá. Sở NN&PTNT và Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp các địa phương có làng nghề truyền thống gắn với nhóm ngành hàng, kết hợp các công ty du lịch xây dựng các chương trình, tour giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, để làng nghề truyền thống phát huy nguồn lực tương xứng, Hà Nội mong muốn Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, giảm lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn cho làng nghề, phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; có cơ chế, chính sách về đất đai xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ lửa đất trăm nghề Bài 4: Tạo hệ sinh thái mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.