Nông thôn mới

Giữ lửa đất trăm nghề:Bài 2: Thích ứng kinh tế thị trường

Nhóm phóng viên 03/08/2023 06:23

Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, những nghệ nhân, thợ giỏi, người làm nghề vẫn lưu giữ được những nét tinh hoa của nghề, song cũng nhanh nhạy ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm nghề truyền thống, thích ứng xu thế của thị trường.

Chính vì vậy, các sản phẩm làng nghề truyền thống vẫn giữ được hồn cốt xưa, song cũng không kém phần hiện đại, trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đóng góp vào thành tựu xây dựng nông thôn mới, kiến tạo nên những miền quê sung túc, giàu có, đáng sống của Thủ đô.

bat-trang.jpg
Sản xuất gốm tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Tâm

Khi làng nghề… “đi Tây”

Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) được xem như là một bảo tàng nghệ thuật sống động, chứa đựng một giá trị văn hóa và niềm tự hào của người dân Hà thành nói riêng và Việt Nam nói chung. Tấp nập, nhộn nhịp là hình ảnh thường thấy tại các xưởng sản xuất gốm ở làng nghề Bát Tràng.

Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh vừa đưa chúng tôi tham quan các khâu trong quy trình tạo ra sản phẩm, vừa chia sẻ, đi lên từ thợ gốm rồi thành lập tổ hợp sản xuất với 6 lao động, đến nay, công ty đã có hơn 300 lao động, với 2 xưởng sản xuất tại Bát Tràng và Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Để có được sản phẩm vừa mang đậm nét truyền thống lâu đời, vừa thích ứng với thị trường toàn cầu, bà Hà Thị Vinh xác định cho các con nối nghề truyền thống và đầu tư học hành bài bản về mỹ thuật, thiết kế mẫu; quản trị kinh doanh…

“Tôi có 3 người con, tất cả đều được học tại các trường đại học trong nước và du học tại Anh, Trung Quốc, sau đó về tham gia quản lý các công đoạn của quy trình sản xuất, kinh doanh. Đến nay, hơn 90% sản phẩm gốm của công ty được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia trên thế giới, như: Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha..., vừa tăng doanh thu của công ty, vừa lan tỏa nét đặc trưng của văn hóa Việt qua sản phẩm gốm sứ”, bà Hà Thị Vinh chia sẻ.

Nét đẹp của sản phẩm Bát Tràng là vẻ đẹp tinh xảo thể hiện trên từng chi tiết, đường nét của sản phẩm. Bát Tràng ngày nay còn trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin, toàn xã có gần 300 doanh nghiệp và khoảng 800 hộ sản xuất gốm sứ, trong đó có khoảng 5% làm hàng xuất khẩu với giá trị hàng hóa sản xuất hằng năm đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng xuất khẩu từ 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng. “Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, kinh tế ổn định, xuất khẩu sản phẩm của làng nghề gốm Bát Tràng chiếm 25-30% giá trị sản xuất, cao gấp 5-6 lần hiện nay”, ông Phạm Huy Khôi bộc bạch.

Cùng thu hút khách quốc tế, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là cái nôi của nghề dệt lụa truyền thống, trở thành một sản phẩm của văn hóa, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông và Thủ đô Hà Nội bởi: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, thời phong kiến, lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục cho các đời vua nhà Nguyễn. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc được xuất sang các nước Đông Âu.

Hiện tại, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn 132 máy dệt, khoảng 300 hộ dệt và kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm, với khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau. Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất là lụa vân có hoa nổi bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng. Làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng là hai điểm du lịch làng nghề thu hút đông đảo du khách trong nước và hàng chục nghìn lượt du khách quốc tế đến tham quan, mua sắm mỗi năm.

Theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại của Vạn Phúc đạt 173 tỷ đồng; trong đó từ sản xuất lụa đạt gần 94 tỷ đồng, với sản lượng đạt khoảng 650 nghìn mét vải lụa các loại. Sau những tác động của dịch Covid-19, Vạn Phúc tiếp tục trở thành điểm đến của nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế tham quan, mua sản phẩm lụa Vạn Phúc như một món quà đặc sắc lan tỏa khắp năm châu. Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cũng đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đất có nghề, quê giàu đẹp

Những làng quê thanh bình, thay da đổi thịt từng ngày nhờ nghề truyền thống không còn là hình ảnh xa lạ trong hành trình xây dựng nông thôn mới những năm qua. Nổi tiếng với nghề mộc chạm khắc, làng nghề Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) có tuổi đời hàng trăm năm, hội tụ được nhiều thợ trẻ với tay nghề cao, nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm.

Anh Nguyễn Chí Khoa, chủ một cơ sở sản xuất ở xóm Trại Chiêu (Sơn Đồng) chia sẻ, gia đình làm nhiều loại sản phẩm, từ các loại tượng thờ cho các đình, chùa đến ban thờ, hoành phi câu đối... cho các tư gia. “Thu nhập mỗi người thợ, tùy theo tay nghề, thấp nhất cũng 300 nghìn đồng/ngày công; các thợ đục tay nghề cao có thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/ngày công, với các chủ xưởng tính toán tốt thì cao hơn rất nhiều...”.

Sản xuất ở làng nghề Sơn Đồng khá phát triển với hàng nghìn lao động làm việc quanh năm, tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương. Nói về nguồn lực kinh tế từ làng nghề, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Viết Hùng cho hay, trên địa bàn hiện có khoảng 700 hộ làm nghề. Mỗi năm, sản phẩm làng nghề Sơn Đồng mang lại thu nhập hơn 2.850 tỷ đồng. Xã không còn hộ nghèo và đã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Trong khi đó, làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) có nghề làm nón tuổi đời hơn 300 năm, nức tiếng, từng đi vào ca dao: “Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Theo nghệ nhân làm nón Tạ Thu Hương, để tạo ra 1 chiếc nón, người làng Chuông phải thực hiện 10 công đoạn: Vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp...

Hiện chợ làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày: 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch và chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng của ngôi làng cổ nơi đây. Trên nền kỹ thuật truyền thống, người làm nón làng Chuông đã chủ động thiết kế những mẫu nón cách tân, sử dụng nhiều chất liệu, tạo sự đa dạng của sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm nón làng Chuông đã xuất khẩu tới Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ở châu Âu. Chỉ riêng cơ sở làm nón của nghệ nhân Tạ Thu Hương mỗi năm xuất khẩu từ 5.000 đến 6.000 chiếc.

Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng cho biết, nghề nón thu nhập không quá cao, song tạo nguồn thu ổn định cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn, góp phần đưa kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển. “Những cụ già, em nhỏ vừa ngồi chơi, vừa khâu nón mỗi ngày cũng kiếm được cả trăm nghìn. Đó chính là lý do đời sống người làng Chuông từ xưa tới nay luôn no ấm, hộ nghèo gần như không có. Xã Phương Trung cũng sớm đạt nông thôn mới với hạ tầng khang trang, đời sống người dân thuộc nhóm đầu của huyện”, ông Phạm Việt Hùng nói.

Các làng nghề nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng với các sản phẩm đặc sắc không chỉ có giá trị kinh tế cao, mà còn truyền tải nét đẹp văn hóa của Thủ đô ra cả nước và thế giới. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, các làng nghề trên địa bàn thu hút hơn 108.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Tổng giá trị sản xuất ở các làng nghề ước đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng mỗi năm; trong đó, một số làng nghề truyền thống có mức thu nhập cao, như: Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng; Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đạt 980 tỷ đồng; Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) đạt 452 tỷ đồng…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ lửa đất trăm nghề: Bài 2: Thích ứng kinh tế thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.