Kinh tế

Phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm làng nghề

Thanh Hiền 16/07/2023 - 06:56

Hà Nội - mảnh đất trăm nghề với nhiều tiềm năng phát triển cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đã diễn ra trên diện rộng trong những năm gần đây do nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong khi các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp. Để hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh hợp tác liên kết các địa phương, các nước bạn nhằm tạo vùng nguyên liệu, đồng thời xây dựng được chuỗi các sản phẩm du lịch làng nghề...

may-tre.jpg
Sản xuất mây tre đan tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm

Thiếu hụt nguyên liệu trên diện rộng

Theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có từ 6 đến 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 3-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.

Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho biết, hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2022 tăng trung bình 9,5%/năm.

Để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững và đạt mục tiêu theo Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 thành phố đề ra, bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại… thì việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định. Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu cho các nhóm ngành thủ công gần đây đang có rất nhiều bất cập. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đã, đang diễn ra trên diện rộng do nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong lúc các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, khai thác tràn lan.

Thống kê cho thấy, Hà Nội có 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ và mây tre, giang đan, gốm sứ, dệt may, sợi thêu ren, nhưng nguồn cung nguyên liệu thiếu ổn định cả về số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội, nhất là khi triển khai các đơn hàng lớn, hàng xuất khẩu. Nhóm ngành nghề gốm sứ dù chỉ có 5 làng nghề sản xuất mặt hàng này, với hơn 4.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể, song đang rất thiếu nguồn nguyên liệu do sức tiêu thụ lên tới gần 600.000 tấn nguyên liệu đất sét và cao lanh mỗi năm.

Riêng nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước. Nguồn gỗ nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia... không ổn định, trong khi nguồn nhập khẩu từ các quốc gia khác có chi phí vận chuyển quá cao làm cho giá thành nguyên liệu tăng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Còn ngành mây, tre xuất khẩu hiện nay phải hoạt động cầm chừng, nhiều cơ sở thiếu nguyên liệu sản xuất vì không chủ động được nguyên liệu đầu vào.

Tìm cách gỡ khó

Mới đây, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nội thất Tre Việt đã ký hợp tác thu mua sản phẩm, nguyên liệu làm bằng tre từ Lào sang Việt Nam phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm (hộp đựng giấy ăn, khay trà, thớt…) với Công ty Vientiane Bamboo Industrial Factory Sole của Lào. Hai bên đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội hợp tác, nhất là trong chuyển giao giống, kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu, bao tiêu đầu ra sản phẩm, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp của hai bên.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn) chia sẻ: Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như mây, song, giang, tre, gỗ, cói, cao lanh, sừng… ở Việt Nam đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp, trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn. Trong khi Lào lại có nhiều tiềm năng trong phát triển vùng nguyên liệu do có quỹ đất lớn, tập trung, rất thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, Lào cũng có những nguồn nguyên liệu về thạch cao và cao lanh phù hợp để sản xuất hàng gốm sứ, mỹ nghệ, gia dụng… của các doanh nghiệp Hà Nội.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hầu hết nguyên liệu cho sản xuất tại các làng nghề ở Hà Nội phụ thuộc vào bên ngoài khiến các hộ sản xuất không chủ động được. Nhiều năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành lập quy hoạch vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, các quy hoạch này đều chưa xác định được vùng nguyên liệu cụ thể. Các quy hoạch chỉ tiến hành cho từng tỉnh, từng địa phương riêng rẽ mà chưa gắn kết quy mô vùng nhằm tận dụng tối đa lợi thế vùng miền trên cả nước.

Trong khi đó, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung (làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ) mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác vùng nguyên liệu đầu tư cơ sở chế biến, triển khai xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất; định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề; hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp với chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển nghề Hà Nội để hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề, tạo chuỗi liên kết phát triển và tiêu thụ sản phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.