Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ lòng trong, bút sắc

Đăng Vũ| 21/06/2021 06:18

(HNM) - Hôm nay 21-6, những người làm báo Thủ đô và cả nước vui mừng kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021). Đây là dịp người làm báo Việt Nam tự hào nhìn lại chặng đường đã qua để tiếp tục trau dồi nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời đại công nghệ số.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và báo chí cũng không là ngoại lệ. Đứng trước những khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh, các cơ quan báo chí đã chủ động thay đổi từ cách thức tác nghiệp đến việc thể hiện tác phẩm báo chí. Nổi bật là nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng công nghệ để cho ra đời những tác phẩm truyền thông đa phương tiện với nội dung, hình thức thể hiện sinh động, lôi cuốn. Đặc biệt, các nhà báo cũng thích nghi tốt với hoàn cảnh, nhanh nhạy ứng dụng công nghệ trong tiếp cận nguồn tin, đồng thời thể hiện tinh thần dấn thân, trách nhiệm với xã hội, trở thành những “chiến sĩ” trên tuyến đầu bằng việc trực tiếp đi vào điểm nóng dịch bệnh để tác nghiệp, cung cấp đến công chúng những thông tin đầy đủ, chính xác, bảo đảm tính định hướng.

Hiện nay, cùng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang đặt ra cho đội ngũ người làm báo Việt Nam những thời cơ và thách thức mới. Bên cạnh tiếp tục phát huy tốt vai trò là vũ khí tư tưởng, phương tiện thông tin, tuyên truyền sắc bén, hiệu quả, bảo đảm tính chiến đấu, tính định hướng, tính nhân văn và đại chúng sâu sắc, thực tế đòi hỏi người làm báo và các cơ quan báo chí phải luôn “làm mới chính mình” về cả chuyên môn nghiệp vụ cũng như việc tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ.

Muốn vậy, trên cơ sở thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích của mình, các cơ quan báo chí cần đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng môi trường thông tin lành mạnh với dòng chủ lưu là thông tin tích cực, tạo không khí tin tưởng, phấn khởi trong toàn xã hội. Cùng với đó là tạo dựng cho được môi trường làm việc thuận lợi, đúng pháp luật, luôn khuyến khích, khơi gợi mạnh mẽ sức sáng tạo, sự dấn thân của mỗi nhà báo; đồng thời trong mọi hoàn cảnh phải giữ vững kỷ luật, kỷ cương làm báo.

Đặc biệt, trong xu thế hội tụ công nghệ truyền thông hiện nay, các cơ quan báo chí cần tiếp tục huy động nguồn lực, đầu tư thỏa đáng về con người, phương tiện, trang thiết bị để tiến tới mô hình đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Báo chí cần gắn với công nghệ, trong đó quan tâm tiếp cận những xu hướng mới như sử dụng trí tuệ nhân tạo, cung cấp nội dung xuyên biên giới… Quá trình này, trên hết là phải quán triệt quan điểm nhất quán về độ tin cậy và sức thuyết phục của báo chí.

Một yêu cầu quan trọng nữa đặt ra là trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đội ngũ nhà báo Việt Nam phải không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát huy tốt sứ mệnh cao cả của người làm báo. Ngoài thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; cần thực hành tốt Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, biết sàng lọc thông tin, giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp để không bị các thông tin sai sự thật dẫn dắt. Bằng ngòi bút trung thực, “phò chính, diệt tà”, các nhà báo phải phát huy thế mạnh bằng sự chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức làm nghề.

Bắt kịp xu thế là tất yếu cho quá trình phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Và dù trong hoàn cảnh nào người làm báo cũng phải giữ cho được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ lòng trong, bút sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.