Văn hóa

Giữ không gian văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại

Nhóm phóng viên 10/08/2023 14:11

Nông thôn Hà Nội hội tụ đủ văn hóa xứ Đoài, Sơn Nam Thượng, Kinh Bắc..., chất chứa nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Giá trị văn hóa làng, xã với những thực thể rõ nét như đình, chùa, miếu mạo… hay những nét đẹp từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã hòa quyện vào văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tạo nên một nền văn hóa đa sắc với hồn cốt, phong cách riêng, được ghi nhận và tôn vinh...

anhcoverok.jpg

phan1.jpg

Nông thôn Hà Nội hội tụ đủ văn hóa xứ Đoài, Sơn Nam Thượng, Kinh Bắc..., chất chứa nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Giá trị văn hóa làng, xã với những thực thể rõ nét như đình, chùa, miếu mạo… hay những nét đẹp từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã hòa quyện vào văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tạo nên một nền văn hóa đa sắc với hồn cốt, phong cách riêng, được ghi nhận và tôn vinh...

ditichhn.jpg

Những vùng đất chất chứa lịch sử

Từ xa xưa, dân gian truyền nhau câu nói: "Thứ nhất Cổ Bi (huyện Gia Lâm), thứ nhì Cổ Loa (huyện Đông Anh), thứ ba Cổ Sở (gồm xã Yên Sở và xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức)"... để nói về 3 vùng đất cổ của Hà Nội xưa.

Con đường dẫn đến thành Cổ Loa - Kinh đô của nước Âu Lạc, nơi gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương rợp bóng hai hàng cây cổ thụ. Ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh vẫn lưu giữ đầy đủ những vết tích làng quê vùng Đồng bằng sông Hồng. Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa Hoàng Công Huy thông tin, với bề dày lịch sử 2.300 năm, vùng đất này cũng như vùng lân cận còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử có tính chất và quy mô khác nhau. Năm 1962, Cổ Loa được công nhận là Di tích quốc gia; năm 2012, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Sinh ra, lớn lên trong lòng di tích Cổ Loa, cụ Nguyễn Văn Nhiêu (91 tuổi) ở thôn Gà (xã Cổ Loa) chia sẻ, những giá trị của di tích Cổ Loa là một phần trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, là thực thể văn hóa sống, luôn nhắc nhở người dân về lịch sử, văn hóa nước Việt.

Xuôi về huyện Hoài Đức (phủ Hoài Đức xưa) là vùng đất Cổ Sở bên bờ sông Đáy. Cổ Sở là tên cũ của 3 làng: Yên Sở (xã Yên Sở), Đắc Sở (xã Đắc Sở), Yên Thái (xã Tiền Yên) ngày nay. Để hiểu rõ về vùng đất cổ này, chúng tôi đến thăm quán Giá - Khu di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia (tại xã Yên Sở), là đền thờ chung của xã Đắc Sở và xã Yên Sở. Nơi đây vẫn giữ được cấu trúc, cảnh quan ban đầu với tam quan, sân và nhiều dãy nhà ngang dọc cấu thành. Nghi môn nối ra bức tường bao, trên gắn 43 mảng chạm bằng đất nung độc đáo về các đề tài dân gian.

Trở về huyện Đan Phượng “quê hương người gái đảm”, đến Hạ Mỗ - thành Ô Diên của Nhà nước Vạn Xuân thế kỷ thứ VI. Ông Nguyễn Xuân Việt, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hạ Mỗ là người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa địa phương cho hay, xã có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, đó là đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác và đền Văn Hiến... Nét đặc biệt ở Hạ Mỗ là xóm nào cũng có miếu thờ thổ thần và cả xã có tới 28 điếm thờ. Khi xưa, đây là nơi để các tuần phu canh gác nghỉ khi trông coi công việc của làng. Nay miếu xóm vừa là nơi thờ cúng thổ thần, vừa là nơi họp bàn công việc và diễn ra tục “ăn xóm” hằng năm.

Tiếp đó, phải kể đến huyện Gia Lâm - vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi giao thoa của dòng văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Trưởng phòng Văn hóa huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương chia sẻ, Gia Lâm có một kho tàng văn hóa đồ sộ với 320 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 74 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp thành phố.

“Các di tích là nơi phục vụ các nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo cho cộng đồng làng, xã và du khách thập phương”.

Trưởng phòng Văn hóa huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương

Vùng đất cổ Thanh Trì ở phía Nam thành phố cũng có bề dày văn hóa, lịch sử. Nơi đây hiện có 154 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 88 di tích đã được công nhận xếp hạng và hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú (xã Liên Ninh), đình Triều Khúc, đình Yên Xá (xã Tân Triều) được công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm.

Những lễ hội, tập tục có một không hai

Những công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa là “mỏ vàng” của nông thôn Hà Nội. Ở đây còn các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán “có một không hai”...

Trong câu chuyện về làng, nhà giáo Nguyễn Tọa - “người chép sử làng” của xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) chia sẻ, đất này còn lưu giữ những phong tục, tập quán không phải ở đâu cũng có, như tục “ăn xóm” và “việc làng”. Hằng năm, cứ đến ngày mùng tám, mùng chín tháng Giêng, cả xóm lại tập trung làm lễ cúng thổ thần, ăn cơm đoàn kết - còn gọi là “ăn xóm”. Trong ngày này, người dân xem xét hương ước cần điều chỉnh, bổ sung những gì để đưa ra trong dịp hội làng (còn gọi là việc làng), được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng hằng năm. Đến Rằm tháng Giêng, hương ước được công bố để cả làng cùng thực hiện...

Trải qua nhiều thăng trầm cùng thời gian, Lễ hội làng Thụy Hà, xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh) vẫn giữ được phần lễ với những nét đặc sắc, trong đó có lễ rước kiệu. Ông Nguyễn Văn Quang, ở làng Thụy Hà kể lại, trước kia làng thuộc tổng Đông Đô, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc. Hội làng diễn ra từ ngày 8 đến ngày 13 tháng Giêng (ngày 8 rước ra, 13 rước vào).

Sáng mồng 8 rước kiệu Thánh hay còn gọi là “rước đám Rậm” và các đồ binh khí ra ngoài đình làng. Sau lễ tế là tục múa gươm, diễn lại sự tích dân làng cùng quân sĩ của thần Cao Sơn đánh giặc, rồi lại rước kiệu Thánh về đình làm lễ. Mồng 9 có lệ rước của các dòng họ, tập trung từ cổng làng về đình. Đến ngày 13, hóa mã, mỗi họ lại xin rước nồi hương về nhà thờ.

“Hội làng Thụy Hà là khoảng thời gian người dân
thỏa sức đắm mình vào nét đẹp văn hóa của quê hương, dân tộc, ghi nhớ công ơn khai ấp, lập làng, đánh giặc cứu dân của tổ tiên, cũng là dịp để giáo dục về truyền thống và gắn kết cộng đồng, làng xóm”.

Ông Nguyễn Văn Quang, làng Thụy Hà, huyện Đông Anh

Về với Phù Đổng, huyện Gia Lâm, người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu ca dao: “Ai ơi mùng Chín tháng Tư/Không đi hội Gióng cũng hư mất đời…” để nói về lễ hội văn hóa phi vật thể của nhân loại - Hội đền Gióng Phù Đổng. Khác với Hội Gióng đền Sóc, Hội Gióng Phù Đổng được cử hành trong một không gian rộng lớn, dài khoảng 3km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ… Lễ hội đền Gióng Phù Đổng vừa thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, vừa thể hiện mong ước “Quốc thái dân an” của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt thông tin, bên cạnh các di tích lịch sử, huyện còn có 100 lễ hội, trong đó Lễ hội đền Gióng đã được công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, Gia Lâm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đề nghị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức; nghề làm gốm sứ Bát Tràng và nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ. Huyện cũng đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội chùa Keo, xã Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Không chỉ nổi tiếng với câu thơ: Thanh Trì có bánh cuốn ngon/Có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng/Thanh Trì cảnh đẹp người đông/Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh..., Thanh Trì còn lưu giữ nhiều lễ hội, tập tục quý. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương cho biết, đất Thanh Trì còn bảo lưu được hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều loại hình như nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội…

Đặc biệt là 45 lễ hội truyền thống, được tồn tại và lưu truyền qua nhiều đời tại các địa phương. Trong đó, lễ hội Triều Khúc (xã Tân Triều) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…

Có thể thấy, nông thôn Hà Nội, trong đó có những huyện chuẩn bị lên quận có không gian hội tụ đầy đủ những tinh hoa được chắt lọc trong mỗi di tích lịch sử, mỗi nét văn hóa, tập tục và lễ hội. Đây là nguồn lực nội sinh không phải ở đâu cũng có.

phan2.jpg

Đô thị hóa là một tiến trình tất yếu, mang đến nhiều cơ hội phát triển cho nông thôn Hà Nội. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã nảy sinh không ít vấn đề. Nhiều làng quê ven đô mất dần bản sắc truyền thống. Những đổi thay về không gian kiến trúc nông thôn đến sự mai một phong tục, tập quán đã để lại nhiều nuối tiếc.

Giữ hồn làng để “lên” phố

Về xã Cổ Loa, huyện Đông Anh lúc bóng chiều đã xuống, ngắm hình ảnh người dân thôn Thượng tập thể dục, trò chuyện rôm rả bên ao làng mới thấy cuộc sống êm đềm, bình yên, hiện hữu ở một góc quê xưa.

Lộ trình làng “lên” phố đã giúp Cổ Loa có nhiều nguồn lực để xây dựng quê hương. Không chỉ riêng kinh tế, công tác an sinh xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân chưa khi nào được nâng cao như vậy. Nhờ chủ trương và nguồn lực của huyện, đến nay toàn xã đã có
19 ao, hồ đều được kè cứng, cải tạo. Không chỉ điều hòa không khí, nơi đây còn trở thành không gian xanh với nhiều hoạt động văn hóa cộng
đồng…

Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật

Không riêng Cổ Loa, ao hồ đang được huyện Đông Anh bảo tồn, cải tạo, nhất là khi xã lên phường, huyện lên quận chỉ là câu chuyện sớm mai. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, đầu tháng 7 vừa qua, tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận. Đây là niềm vui chung của chính quyền và người dân Đông Anh.

Trước khi đón nhận niềm vui đó, chuyện bảo tồn văn hóa làng quê được huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Kế thừa, phát triển, hài hòa các yếu tố truyền thống và hiện đại, Đông Anh đã ban hành bộ Tiêu chí hợp nhất là bộ Tiêu chí xã thành phường với xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, trong 3 năm (2020 đến 2022), huyện Đông Anh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản, tu sửa cấp thiết 24 di tích lịch sử, văn hóa và đang tiếp tục nghiên cứu, lập dự án hoặc giao nhiệm vụ đề xuất chuẩn bị đầu tư đối với 44 dự án tu bổ tôn tạo di tích, với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Huyện cũng kiểm kê, lập hồ sơ khoa học hiện vật đối với 200 di tích trên địa bàn; điều tra thống kê, rà soát 98 lễ hội truyền thống, 2 lễ hội ngành nghề; lập hồ sơ và được công nhận Lễ hội Cổ Loa, Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề xuất và được xét tặng danh hiệu với 17 Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể…

Huyện Đan Phượng - lá cờ đầu của thành phố trong xây dựng nông thôn mới, với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hệ thống hạ tầng cũng đã tiệm cận với các tiêu chí của đô thị. Cùng với việc cải tạo, kè bờ hơn 100 ao hồ, tạo không gian xanh, các thôn, làng ở Đan Phượng đã khôi phục lại hàng chục cổng làng, đồng thời bảo tồn kiến trúc, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

“Những đổi thay của cuộc sống mang đến hạnh phúc rất lớn cho người dân chúng tôi. Điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khang trang, nhà được đánh số, đường thôn xóm có tên. Đồng ruộng khi xưa chia nhỏ, vụn vặt, nay dồn điền đổi thửa đã đủ lớn để phát triển nông nghiệp đô thị, công nghệ cao...”, ông Nguyễn Đăng Liễu, ở làng Yên Sở (huyện Hoài Đức) khoe với phóng viên Báo Hànộimới.

Hòa vào xu thế phát triển, nhiều phong tục, tập quán cũ đã được thay đổi, phù hợp với nhịp sống hiện đại. Nhà giáo Nguyễn Tọa (làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) nhận định, trước đây việc tang ở làng rườm rà, lạc hậu. Trong đó có tục ăn cỗ đám ma lên tới hàng chục, hàng trăm mâm, trong nhiều ngày. Giờ đây, các đám tang đều được tổ chức văn minh. Tục ăn cỗ trong đám tang cũng được loại bỏ. Nhiều gia đình chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố, thay vì địa táng như xưa.

Dù có tốc độ đô thị hóa nhanh, “làng trong phố, phố trong làng”, nhưng người dân xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Ông Chu Văn Khởi ở thôn Cổ Điển A (xã Tứ Hiệp) bộc bạch: “Nhiều năm qua, thôn đã gìn giữ được điệu múa rồng truyền thống của cha ông để lại. Cùng với việc duy trì đội múa rồng, thôn còn tổ chức một đội múa rồng “nhí”, truyền dạy môn nghệ thuật truyền thống này cho các thế hệ sau…".

Trước “cơn lốc” đô thị hóa, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) đã quyết định xây dựng nhà truyền thống để lưu giữ các hiện vật lịch sử của địa phương cho thế hệ mai sau. Nhà truyền thống - "Bảo tàng làng" Yên Mỹ trưng bày hơn 300 hiện vật, chủ yếu là vật dụng gắn bó với lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, có hiện vật tuổi đời hơn trăm năm, được đóng góp từ hơn 80 cá nhân. Bà Trần Thị Huệ, người trông nom “bảo tàng làng” cho hay, mục đích của bảo tàng là tái hiện lại cuộc sống lao động, đấu tranh của cha ông để thế hệ trẻ hiểu được đời sống của người dân vùng bãi.

Coi trọng, lưu giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống, huyện Gia Lâm chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố phù hợp với các tiêu chí xây dựng phường, quận. Đây cũng là nền tảng để các xã, thị trấn sắp trở thành phường phát huy vai trò tự quản của thôn, tổ dân phố trong bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Những trăn trở của người ven đô

“Dân chúng tôi tiếc nhiều thứ lắm”, ông Nguyễn Đăng Liễu, ở làng Yên Sở (huyện Hoài Đức) bùi ngùi. Ngày xưa tuy nghèo khó, nhưng con người giàu tình cảm, láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Giờ thay đổi ngay trong mỗi gia đình. Các con, các cháu đi làm về ăn cơm, rồi mỗi người mỗi việc, ít trò chuyện với nhau hơn.

Tiếc nuối nhất của người Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) trong quá trình xây dựng nông thôn mới là những con đường cổ lát gạch nghiêng bị thay thế bởi những con đường bê tông, trải nhựa. Công chức văn hóa - xã hội của xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Xuân Việt cho biết, người Hạ Mỗ có tục lệ con gái đi lấy chồng phải góp gạch để lát đường làng. Trải qua hàng trăm năm, những con đường lát gạch cứ thế nối dài. Thế nhưng, khi xây dựng nông thôn mới, để có những con đường thuận lợi cho giao thông đi lại, chúng tôi đã nóng vội, không tìm ra biện pháp tối ưu để bảo tồn. “Làng quê có rất nhiều phong tục, tập quán đẹp. Con cháu hôm nay quên hết thì thật là có tội”, ông Nguyễn Xuân Việt nói.

Nỗi niềm “nhớ quê” cũng phảng phất khắp xóm Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì). Nay xóm Cầu Bươu đã trở thành "xóm dịch vụ" với hàng quán la liệt, rồi nhà hàng, nhà nghỉ..., chẳng còn dấu tích gì của một làng quê. Ngày trước, nơi đây có một chợ truyền thống, nhưng nay đã nhường chỗ để xây dựng một trường cao đẳng. Giờ bà con bán mua ở các chợ cóc, chợ tạm, gây ra nhiều hệ lụy khác.

Cán bộ văn hóa - xã hội xã Tả Thanh Oai Nguyễn Xuân Mai là người còn lưu giữ nhiều kỷ niệm, ký ức đẹp với quê hương kể rằng: “Trước đây, nước sông Nhuệ trong và bờ sông đẹp, trẻ em trong làng xuống tắm táp, rồi còn hát đối với người dân xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) bên kia sông. Những cây đa, cây si ngả xuống dòng sông với hình ảnh con đò đưa khách ấn tượng ngày nào đã thành dĩ vãng...”.

Phủ Hoài Đức xưa - huyện Hoài Đức nay cũng đang đứng trước những thách thức khi xã lên phường, huyện lên quận. Trầm ngâm, nhẩm tính, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Thuận cho biết, quá trình đô thị hóa, 54 làng cổ thuộc 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoài Đức được chia thành 130 thôn, tổ dân phố. Một số địa phương trước đây là “nhất làng, nhất xã”, nay được phân chia địa giới thành nhiều thôn, phù hợp với công tác quản lý hành chính, như: Yên Sở (9 thôn), Dương Liễu (14 thôn), Sơn Đồng (11 thôn)… “Sự thay đổi này có những mặt thuận lợi, song cũng có những khó khăn tác động trực tiếp đến các lĩnh vực đời sống và tập quán của nhân dân.

Do đó, đối tượng huyện cần tập trung bảo tồn, phát huy giá trị là những di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và cả di sản thiên nhiên. Đây là tài sản vô giá của các thế hệ trước truyền lại cho các thế hệ sau, đồng thời có vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hiện nay”, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Thuận cho hay.

Cơn lốc đô thị hóa ập đến, bên cạnh những nguồn lực cho nông thôn chuyển mình, thì những bất cập trong quy hoạch, quản lý… đã khiến không gian truyền thống bị biến dạng. Đây là vấn đề không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Không gian “làng trong phố, phố trong làng” sẽ như thế nào trong tương lai là một câu hỏi khó và cũng là trăn trở của nhiều người ở làng quê hôm nay.

phan3.jpg

Xã lên phường, huyện lên quận nằm trong tiến trình tất yếu của đô thị hóa. Để văn hóa truyền thống trở thành nguồn lực nội sinh trong đời sống hiện đại, tạo thành bản sắc trong dòng chảy văn hóa, còn nhiều việc phải làm. Điều quan trọng là phải chắt lọc những giá trị truyền thống, tinh hoa làng xã, bồi đắp giá trị của thời đại, qua đó tạo hành trang văn hóa mới cho mỗi người dân khi bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Đồng thuận giữ nếp làng, “hồn” quê…

Thực tế cho thấy, chỉ nơi nào chính quyền và người dân đồng thuận, cùng chăm lo lưu giữ những giá trị văn hóa, thì nơi đó mới giữ được không gian cũng như các tục lệ làng quê. Câu chuyện này được minh chứng rõ nét tại nhiều nơi “làng lên phố” hàng chục năm nay, nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của làng. Tổ dân phố 14, phường Phú Lương, quận Hà Đông (trước kia là một làng của huyện Thanh Oai) là ví dụ. Mỗi khi đến nơi đây, khách xa đều được nghe những câu chuyện về cách người dân duy trì phong tục tập quán.

Cụ Đặng Công Duyến ở phường Phú Lương chia sẻ: "Tổ dân phố 14 trước đây là thôn Thượng Mạo. Dù “lên” phố, song một số tục lệ “làng” vẫn lưu giữ được, như tục tiến cử các cụ cao niên ra hầu Thành". Theo đó, mỗi năm, “làng” tiến cử 3-4 cụ cao tuổi ra trông đình, trông quán. Trong một năm hầu Thành, các cụ ngủ tại đình, miếu, thờ tự đủ những ngày cúng chính và cuối năm báo cáo việc với “làng”. Không những vậy, để vun đắp tình làng, nghĩa xóm, người dân nơi đây vẫn duy trì “nhóm đồng niên”, câu lạc bộ cán bộ, công chức… và hễ “làng” có việc, nhà có việc, mọi người lại cùng nhau hỗ trợ.

Hay như ở giữa Thủ đô, nhiều nơi vẫn giữ được bóng dáng làng qua chiếc cổng làng, vừa cổ kính, rêu phong, vừa hiện đại. Nằm ở khu trung tâm Thủ đô, sát với các khu đô thị hiện đại quanh hồ Tây, lối vào làng Yên Phụ vẫn bình dị với chiếc cổng làng xưa. Hay tại khu dân cư thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) vẫn giữ gìn cổng làng Đại Từ cũ - chiếc cổng làng mang đậm phong cách kiến trúc cổng làng của Đồng bằng Bắc Bộ.

Còn cổng làng bún Phú Đô nằm trên đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) dù không được xây dựng với kiến trúc cổ trước đây song vẫn như một dấu hiệu để người dân nhắc đến làng nghề có hàng trăm năm lịch sử của Hà Nội. Giữa phố, phường tấp nập, chiếc cổng làng hiện hữu như “gọi hồn quê" trở về.

Và câu chuyện giữ nét văn hóa làng vẫn đang được người dân ở khắp nơi làng chuẩn bị lên phố đồng thuận gìn giữ. Tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), trước đình làng thôn Cam có một giếng nước cổ, tương truyền được xây dựng từ lúc dân làng dựng đình cách đây hàng trăm năm. Ông Lê Văn Gần, thành viên Ban Quản lý di tích đình, chùa làng Cam cho biết, giếng sâu khoảng 8m, được xếp 9 lượt cối đá (chiều dài khoảng 3,5m), dưới đáy giếng là phiến gỗ lim. Có lẽ bởi vậy mà nước giếng trong và mát. Những năm 1960 khi vào hợp tác, dân làng đã lấp giếng để cùng với sân đình làm sân kho. Gần đây, làng đã quyết định hồi sinh giếng cổ - mạch nguồn nuôi sống bao thế hệ làng Cam.

“Dù xã hay phường, nếp làng vẫn giữ” là khẳng định của người dân Yên Sở (huyện Hoài Đức). Nhiều ý kiến cho rằng, làng sẽ lên phố trong tương lai, nhưng chắc chắn những gì liên quan đến nền nếp, phong tục, tập quán và không gian nông thôn vẫn được gìn giữ. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Bá Hoàn chia sẻ, xã hay phường thì văn hóa làng cũng không nhiều thay đổi, truyền thống văn hóa của người Yên Sở chắc chắn sẽ vẫn được giữ gìn.

“Từ năm 1995, Yên Sở đã xây dựng được quy ước làng văn hóa. Các hộ gia đình trong làng đều được bàn bạc thấu đáo. Sau khi thống nhất, quy ước được in, đóng quyển, phát tới mọi nhà. Quy ước làng văn hóa xã Yên Sở vừa phù hợp với các quy định của pháp luật, vừa phù hợp với các giá trị truyền thống của làng. Chính vì vậy, quy ước này đưa vào sử dụng đã gần 30 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị”.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Bá Hoàn

Không chỉ khuyến khích các địa phương sưu tầm, xuất bản các cuốn lịch sử văn hóa làng, xác định quá trình đô thị hoá, các gia đình truyền thống ở nông thôn sẽ bị tác động rất lớn, huyện Đan Phượng còn chú trọng xây dựng văn hóa gia đình qua việc tổ chức tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn. Năm 2023, lần đầu tiên 32 gia đình đại diện cho 16 xã, thị trấn của huyện Đan Phượng đã được tôn vinh thành tích này.

Huyện cũng đã tổ chức liên hoan các gia đình văn hóa tiêu biểu toàn huyện. “Đó là các gia đình luôn nên cao tinh thần: Ông bà mẫu mực, vợ chồng thuỷ chung, anh em chia sẻ, con cháu hiếu thảo… Những gia đình văn hóa tiêu biểu được tôn vinh sẽ là hạt nhân trong việc gìn giữ văn hoá, truyền thống của
chính gia đình, dòng họ và quê hương...”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng

Tạo lập hành trang văn hóa

Tiếp biến văn hóa từ nông thôn lên đô thị là câu chuyện thời sự ở những ngôi làng ven đô. Làm thế nào để văn hóa nông thôn hài hoà với sự phát triển của văn hoá đô thị và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Ngoài giữ những nếp làng, các di tích, nhiều làng đã và đang chủ động “số hóa” hòa nhịp cùng sự phát triển Thủ đô.

Dẫn chúng tôi tới đình làng thôn Thuận Quang, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), Bí thư Chi bộ thôn Thuận Quang Nguyễn Nhân Khả hồ hởi chỉ tay về hệ thống camera an ninh truyền tín hiệu về trung tâm điều hành của thôn đặt tại đây nói: Địa phương đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí; lắp 23 camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính; thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện.

“Riêng với hệ thống camera an ninh truyền tín hiệu về trung tâm điều hành của thôn đặt tại đình làng, chúng tôi có thể theo dõi được an ninh trật tự của tất cả các ngõ, xóm trên địa bàn. Nhiều vụ trộm cắp, đổ phế thải không đúng nơi quy định đã được phát hiện và xử lý”, Bí thư Chi bộ thôn Thuận Quang Nguyễn Nhân Khả thông tin.

Tại huyện Đan Phượng, mô hình thôn thông minh đã được triển khai và nhân rộng tại hơn 100 thôn trên địa bàn, giúp các thôn, làng truyền thống không kém phần hiện đại, mang tới nhiều tiện ích cho người dân. Đơn cử, ngay phía đầu cổng chào vào thôn Tháp Thượng một bảng quét mã QR hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính, như khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực... được treo vừa tầm mắt, ở vị trí dễ quan sát nhất cho người dân sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh giới thiệu, với 20 bảng mã quét như vậy, được đặt tại các nhà văn hóa, điểm công cộng, đầu các ngõ xóm, người dân có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, không phải đến trụ sở UBND xã. Cách thức thực hiện cũng thuận lợi, người dân có điện thoại thông minh, quét mã thủ tục cần giải quyết là hiện ra đường link, điền các thông tin liên quan và hoàn thành sau khi bấm gửi đến cơ quan chức năng. Sau đó, hệ thống sẽ gửi thông tin chờ lấy kết quả cho người dân theo quy định.

Để giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống, cùng với việc tập trung tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp nhiều huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn, lưu giữ nguồn di sản này. Đơn cử, huyện Gia Lâm đầu tư hơn 600 tỷ đồng cho công tác tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Huyện đã thực hiện kiểm kê và số hóa các hiện vật, văn tự trong di tích, các tư liệu Hán - Nôm, lễ hội... đưa vào kho dữ liệu để lưu trữ.

Thanh Trì cũng dành 356,138 tỷ đồng triển khai đề án "Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2026".

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho hay, huyện đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc phát huy giá trị văn hóa, như sử dụng mã QR tại điểm du lịch, xây dựng app (ứng dụng) du lịch Gia Lâm, trong đó có giới thiệu các di tích trọng điểm trên địa bàn bằng tiếng Việt, tiếng Anh và có thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo...

Về quan điểm nông thôn hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho rằng, cùng với thiết chế, hệ thống di tích, cần đặc biệt quan tâm tới hành trang văn hóa cho người đô thị. Trong đó, văn hóa phải được nhìn rộng từ giáo dục, đời sống tinh thần, vật chất đến tư duy, nhận thức. Những nếp sống đô thị như tôn trọng luật giao thông, trách nhiệm cộng đồng… cần được định hình rõ trong hành trang của mỗi người dân.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, thời gian tới, Thanh Trì sẽ tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ về vai trò của di sản văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó nâng cao ý thức, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích, tạo thêm sự hấp dẫn, thu hút du khách đến với các di tích văn hóa, lịch sử.

Người dân là chủ thể của văn hóa. Thực tế cho thấy, khi người dân đồng thuận, tham gia bảo tồn, gìn giữ, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ được phát huy. Trong giai đoạn phát triển mới, việc kiểm đếm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, qua đó chắt lọc tinh hoa, bồi đắp các giá trị để phát huy trong đời sống hiện tại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

phan4(1).jpg

Hà Nội đề ra mục tiêu, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60 - 62% và đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 65 - 75%. Có nghĩa là, tương lai, một Thủ đô mở rộng như hôm nay, sẽ là một đại đô thị lớn, hiện đại và phát triển. Hoà mình vào sự phát triển rộng, dài đó, văn hoá nông thôn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, song kèm theo đó là những cơ hội. Bảo tồn văn hoá nông thôn là giữ của “hồi môn” cho thế hệ mai sau. Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với các chuyên gia về việc bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại.

Quá trình đô thị hóa là tất yếu. Hòa với dòng chảy hiện đại, văn hóa nông thôn sẽ như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội): Chuyển tiếp từ nông thôn lên đô thị, đây là vấn đề rất lớn, có tác động đến sự phát triển bền vững của những huyện sẽ phát triển thành quận của một đô thị trong tương lai. Vì vậy, phải chuẩn bị rất kỹ và có chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với không gian đô thị mới. Ta đã có quá nhiều bài học về phát triển nóng rồi, song là ở từng lĩnh vực cụ thể. Bây giờ là lĩnh vực mang tính chất bao trùm, quan trọng bậc nhất, đó là không gian sinh tồn của con người thay đổi, điều kiện sống thay đổi, thói quen thay đổi…

Người dân nơi các huyện sẽ lên quận không bị “bứng” ra khỏi nơi sinh sống của mình, nhưng lại phải đối mặt với thử thách mới, không thể sống như cũ mà phải vừa tự đổi mới, vừa phải thích nghi, vừa phải chấp nhận hoàn cảnh khác. Công việc thay đổi, lối sống thay đổi, môi trường thay đổi… Điều này, theo quy luật hình thành đô thị, cư dân đô thị, văn hóa đô thị… trước đây diễn ra từ từ, tuần tự, tự nguyện. Bây giờ, sau một đêm thức dậy, huyện thành quận, xã thành phường, làng thành khu dân cư đô thị, nghề nghiệp cũng thay đổi… Mà phải thay đổi theo hoàn cảnh, môi trường, đám đông. Không thay đổi là bị gạt ra khỏi vòng quay chung vì nhịp độ đời sống đô thị khác trước. Đó là thử thách và cũng là cơ hội cho phát triển của các vùng nông thôn Hà Nôi.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Huyện lên quận, xã lên phường sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hóa, lối sống, nhất là đối với các làng, xã có bề dày truyền thống. Đô thị hoá sẽ kéo theo sự thay đổi về không gian, hạ tầng và cả những nếp sống, con người vùng nông thôn. Tiếp biến sự chuyển giao, kết nối như thế nào, các địa phương cần phải có kế hoạch, quy hoạch phù hợp. Bảo tồn không phải là “bê nguyên”, do vậy công tác bảo tồn cần có chọn lọc, phải có điều tra, nghiên cứu chính quy, bài bản, trên cơ sở đó đưa ra được kế hoạch bảo tồn đúng, làm cơ sở phát huy đúng giá trị của văn hóa làng, xã.

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Đô thị hóa diễn ra, về mặt văn hóa, không gian và môi trường cộng đồng sẽ bị giảm thiểu, nhường chỗ cho không gian riêng tư, biệt lập, dẫn đến sự phai nhạt bản sắc văn hóa truyền thống. Với những người nghiên cứu, thực hành và quản lý văn hóa truyền thống, những lo ngại về việc đứt đoạn, phai nhạt bản sắc văn hóa là lo ngại chính đáng, vì họ hiểu rằng, thời hiện đại, dù dài đến cả thế kỷ cũng chỉ là một lát cắt trong dòng chảy bất tận của văn hóa ngàn đời. Họ ý thức rằng, hôm nay của chúng ta là kết quả của quá khứ, là lá, hoa, quả, hạt của rừng cây cổ thụ văn hóa truyền thống, khó mà khác đi được. Độc lập văn hóa là độc lập dân tộc. Văn hóa làng, xã trong lịch sử giàu tính bảo lưu, bảo thủ, nhưng cũng tạo nên sự bền vững về bản sắc cộng đồng.

Ông Trần Minh Nhương, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Đan Phượng là cửa ngõ phía Tây của Hoàng thành Thăng Long xưa, là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn đang bảo lưu được nhiều di tích lịch sử cũng như những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Chẳng hạn ở làng tôi (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng), dù đô thị hóa, nhưng vẫn giữ được 3 yếu tố cây đa, giếng nước, sân đình; các lễ hội truyền thống vẫn diễn ra đúng như phong tục xưa. Việc chuyển từ làng lên phố, người dân rất phấn khởi và đang bắt nhịp nhanh với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống kinh tế văn hóa đang đà phát triển. Tôi tin rằng, tiến trình đô thị hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội để người dân tiếp cận với nếp sống văn hóa mới, xây dựng đời sống văn minh, hiện đại hơn.

Văn hoá nông thôn đa dạng, phong phú chứa đựng nhiều nét đặc sắc. Vậy, Hà Nội cần làm gì để bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn trước lộ trình huyện lên quận, xã lên phường?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội): Tôi cho rằng, có nhiều vấn đề cần phải chuẩn bị, ở cả người dân và cả chính quyền. Chính quyền đề ra chính sách và người dân tham gia vào quá trình thực hiện chính sách ấy. Cái tâm thế thay đổi, thay đổi để hiện đại hoá chính mình, để hoà nhập vào xã hội, để không bị bỏ lại là câu chuyện khách quan, bắt buộc, lại đòi hỏi tập ràng, đồng bộ.

Từ tâm thế này, chúng ta cần xác định mục tiêu và bước đi cho phát triển văn hóa một cách khoa học, thích hợp. Làm tốt thì sẽ kích thích phát triển, hạn chế đổ vỡ, thua thiệt. Một khu vực đô thị mới từ đầu, đồng bộ, vừa là thử thách, vừa là thuận lợi, vì sẽ tránh được những manh mún, vụn vặt. Nhưng nếu không chú ý đến yếu tố hiện đại hóa, mà chỉ lo giữ cái cũ của làng xã… xưa, sẽ lại không phù hợp. Bài toán phát triển thực chất là bài toán kép và phải giải cả hai nội dung chính ấy mới đạt được mục đích.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Nông thôn Hà Nội cần phải chắt lọc, bảo tồn những nét văn hoá, nét đẹp không phải vùng nào cũng có. Phải giữ được những không gian xanh; những dòng sông thơ mộng, hiền hòa, những công trình lịch sử, văn hóa và đặc biệt phải gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng, đó là tình yêu quê hương đất nước, gắn bó sâu nặng với làng quê, biết ơn nguồn cội; là tình nghĩa thủy chung, đoàn kết; tinh thần nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình; là đức hy sinh, tinh thần cống hiến, đề cao lợi ích tập thể, truyền thống hiếu học, trọng hiền tài của người nông dân thuần hậu, chất phác.

Phát huy nguồn lực văn hoá nông thôn Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng các công viên lịch sử - văn hóa hay danh thắng mang đặc trưng riêng của mỗi tiểu vùng văn hóa Thủ đô. Chẳng hạn, công viên lịch sử - văn hóa Cổ Loa ở Đông Anh; công viên lịch sử - văn hóa Vạn Xuân ở Hoài Đức; công viên lịch sử - văn hóa Mê Linh ở Mê Linh…

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Trước những thách thức của đô thị hóa mạnh mẽ, các kế sách về văn hóa cần cụ thể và thiết thực để bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa làng xã đã tích tụ trong quá khứ. Theo tôi, trước mắt, cần có một quan niệm thấu suốt về các giá trị văn hóa làng, xã truyền thống là một dạng tài nguyên tinh thần, là của “hồi môn” mà ông cha ta đã truyền lại cho hôm nay. Tài nguyên tinh thần, nếu không khai thác sẽ dần mất đi; nếu khai thác tốt thì sẽ ngày càng phong phú, phồn vinh, phát huy giá trị.

Cần có những bước rất cụ thể để thấu hiểu - bảo tồn - phát huy - quảng bá các giá trị truyền thống văn hóa cổ truyền làng, xã. Thấu hiểu là bước đầu tiên, thấu hiểu để xác định giá trị của truyền thống, của di sản tinh thần. Bảo tồn là gìn giữ chủ yếu các giá trị đó, là gìn giữ cái vốn "hồi môn", không để nó mất đi. Phát triển và phát huy mở ra một chân trời rộng lớn cho ứng dụng truyền thống trong văn hóa mới. Chúng ta có cả một thiết chế văn hóa từ trung ương đến địa phương, chúng ta có một lực lượng sáng tạo văn hóa đông đảo, chất lượng cao. Vấn đề còn lại là một chính sách đầu tư văn hóa hiệu quả để phát huy và phát triển. Cuối cùng, quảng bá bản sắc văn hóa từ các địa bàn làng, xã là đem bản sắc văn hóa phục vụ hưởng thụ văn hóa của toàn thể cộng đồng quốc gia và nhân loại, tạo động lực nội sinh cho sự phát triển kinh tế, phát triển nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt trong thời đại công nghệ kỹ thuật số. Hà Nội, từ các vùng ven đô thành ngày xưa là không gian chứa đựng mật độ di tích văn hóa dày đặc nhất cả nước. Du lịch văn hóa đã có những hoạch định các tuyến, vùng, sản phẩm khá cụ thể và cần được phát huy…

- Ông Trần Minh Nhương, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Dưới góc độ địa phương, về mặt các công trình văn hóa vật thể, tôi cho rằng, chúng ta cần bảo tồn, phát huy, gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa đã có sẵn. Làm được điều này, cần phải làm tốt công tác quy hoạch để bố trí quỹ đất cho không gian văn hóa truyền thống, bởi đô thị hóa, chắc chắn đất đai sẽ chật hẹp hơn. Bên cạnh đó, việc lên quận sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hóa, lối sống, nhất là đối với các làng, xã cổ truyền, có bề dày truyền thống. Các địa phương cần có đề án cụ thể về khai thác, phát huy giá trị truyền thống phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá; quan tâm xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và nông thôn mới thực chất hơn, đặc biệt về vấn đề môi trường. Gia đình là tế bào của xã hội. Nhiều gia đình hợp lại sẽ thành một làng và nhiều làng hợp lại sẽ thành một nước. Thành phố cần quan tâm, chú ý xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng những gia đình hạt nhân. Tôi nghĩ rằng, cần phải quan tâm, chăm lo cái nhỏ thì sẽ được cái lớn.

Thực hiện: Nhóm phóng viên. Ảnh: Quang Thái. Thiết kế, Infographic: Tuấn Điệp

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ không gian văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.