Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đô thị hóa các huyện ngoại thành theo hướng đô thị nén, chất lượng sống cao

Phương Nam| 08/03/2023 17:52

(HNMO) - Ngày 8-3, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ các đề án nhánh thuộc Đề án Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2030.

Quang cảnh hội nghị.

Việc chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 là một trong những chương trình đột phá của thành phố theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025. 

Thành phố hiện có 5 huyện ngoại thành gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ. Thực hiện kế hoạch, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện 5 đề án nhánh, gồm: Kinh tế đô thị; hạ tầng đô thị; bộ máy đô thị; văn hóa đô thị; con người đô thị. 

Trong đó, đề án nhánh “con người đô thị” lần đầu tiên được thực hiện, nhằm đưa con người thực sự là trung tâm phát triển của đô thị mới. Nói cách khác, việc định hình con người đô thị sẽ giúp tạo dựng lối sống đô thị, từ đó nâng cao chất lượng đô thị hóa các huyện ngoại thành trong thời gian tới.

Các đề án còn lại cũng được triển khai đồng bộ, nhằm tăng cường khả năng thích ứng với lối sống đô thị, thay đổi sinh kế, tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường của người dân; cùng với đó là khả năng tiếp cận nhà ở, dịch vụ an sinh xã hội, tiếp cận thông tin của người dân... trong quá trình chuyển đổi huyện lên quận hoặc thành phố thuộc thành phố.

Định hướng quy hoạch phát triển 5 khu đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, cũng qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc xuất hiện trong quá trình đô thị hóa nông thôn ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. Đơn cử, theo tiêu chí phân loại đô thị, đến năm 2030, các huyện ngoại thành của thành phố đều chưa đạt tiêu chí đô thị loại 1 (để phát triển thành quận). 

Cụ thể, các huyện Bình Chánh, Củ Chi đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều. Muốn chuyển thành quận, địa phương phải có 100% xã có khả năng trở thành phường (không còn xã nông thôn). Nhưng nếu xét theo tiêu chí thành phố trực thuộc thành phố, địa phương vẫn được phép có 35% xã nông thôn. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhận định, chủ trương phát triển đô thị hóa ở 5 huyện ngoại thành đã qua 2 năm triển khai, nếu không khẩn trương thực hiện các phần việc (rất lớn) còn lại, việc chuyển đổi huyện lên quận hay thành phố trực thuộc thành phố sẽ rất khó khăn, không kịp hoàn thành để đưa vào quy hoạch chung của thành phố Hồ Chí Minh trong thời hạn dự kiến.

Hiện 5 đề án nhánh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, dù triển khai hơi chậm. Thông qua các nghiên cứu, UBND thành phố định hướng xây dựng kế hoạch phát triển các huyện ngoại thành thời gian tới sớm đạt tiêu chí đô thị loại 3, nhưng các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội phải đạt đô thị loại I.

Tổng hợp chỉ tiêu phát triển đô thị tại 5 huyện ngoại thành (số liệu của UBND thành phố Hồ Chí Minh).

“Chúng ta phải định hướng phát triển những đô thị mới này là đô thị nén, dành diện tích đất cho phát triển không gian xanh công cộng, đường xá rộng rãi, trường học bệnh viện đầy đủ... Người dân ở đô thị mới phải được sống xanh, sạch, thoáng hơn đô thị cũ. Cơ cấu dịch vụ khu vực chuyển đổi phải mạnh về công nghiệp, dịch vụ. Chúng ta sẽ không phát triển những đô thị tự phát, thiếu đồng bộ như trước nữa”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND các huyện hoàn thiện đề án của địa phương, trình ban thường vụ huyện ủy và gửi về UBND thành phố trước ngày 25-3. Các sở, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện Đề án, gửi Sở Nội vụ để tổng hợp, hoàn thiện đề án chung và trình Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 30-3-2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị hóa các huyện ngoại thành theo hướng đô thị nén, chất lượng sống cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.