(HNMO) – Những ngày tháng 8 này, từng đoàn xe du lịch chở khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu dừng lại ở Nhà hát múa rối Thăng Long – điểm đến văn hóa nghệ thuật đáng tự hào của người Hà Nội khi giữ kỷ lục 365 ngày “đỏ đèn” với các tiết mục múa rối nước. “Kỳ tích” có được nhờ sự cố gắng của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, trong đó có người “thuyền trưởng” của Nhà hát - NSND Nguyễn Hoàng Tuấn.
Nhà hát múa rối Thăng Long, thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô. |
Luôn tự làm mới
Tôi gặp NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long vào giữa thu tháng Tám. Nhà hát nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngay bên hồ Hoàn Kiếm, tấp nập khách mua vé như bất cứ ngày nào trong năm. Họ dùng cà phê, thoải mái trò chuyện trong sảnh tầng 1 của Nhà hát. Quả thực, khung cảnh đó là điều mà nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống đang mơ ước.
Mang cảm nhận đó chia sẻ với NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, ông nói rằng, năm nay, doanh thu trong tháng 7 và tháng 8 của Nhà hát có tăng, các buổi diễn được nâng lên mức 5 buổi/ngày thay vì 3 buổi/ngày như mọi năm. Lý do là trong những ngày vừa qua trời mưa liên miên, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội lâu hơn bình thường, có lẽ vì họ ngại di chuyển đến những địa bàn xa như Hạ Long, Ninh Bình… Và họ tìm đến đây. Đặc sản rối nước Việt Nam thì nhiều nơi có nhưng xem tại Nhà hát múa rối Thăng Long có nét thú vị riêng. “Người trong nghề bảo chúng tôi may mắn vì Nhà hát nằm ở vị trí đắc địa, ngay sát hồ Hoàn Kiếm nên chẳng cần làm gì, chỉ bày ra một số tích trò là khách đến nườm nượp rồi. Chúng tôi nghĩ khác một chút. “Địa lợi” chỉ là một yếu tố cần có, nhưng nếu các nghệ sĩ của Nhà hát không nỗ lực nâng cấp các vở diễn, không lao động sáng tạo thực sự để làm mới mình, đổi mới hình thức phục vụ thì khó lòng mà giữ khách”, NSND Hoàng Tuấn nói.
NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long. |
Mười năm ở cương vị “thuyền trưởng” của đơn vi nghệ thuật truyền thống quan trọng của Thủ đô, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn và cộng sự luôn xác định thách thức mà mình phải đối mặt, “cân đối” khả năng, thế mạnh trong bối cảnh các loại hình giải trí “như nấm mọc sau mưa”, từ đó đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành để đảm bảo “con thuyền nghệ thuật” đi đúng hướng. Tức là vừa đảm bảo doanh thu, vừa tạo ra sự hấp dẫn đối với du khách vừa thực hiện công việc chuyên môn để xóa đi ý hiểu mặc định rằng Nhà hát chỉ mạnh về tích trò rối nước. Mười năm trở lại đây, rối Thăng Long “tung hoành” ở nhiều liên hoan múa rối quốc tế, liên hoan sân khấu thử nghiệm, liên hoan nhạc cụ dân tộc…, góp phần xây dựng thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô vững mạnh bên cạnh những đơn vị nghệ thuật của trung ương.
Lộ trình đúng, mục tiêu phù hợp, phương pháp rõ ràng thì kết quả sẽ đến. Những vở rối cạn của Nhà hát đã gây được tiếng vang rộng rãi. Tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 2 - năm 2010, vở rối cạn “Câu chuyện tình người” giành giải Vàng, đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn nhận giải đạo diễn xuất sắc. Tới Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 3 - năm 2012 thì vở rối “Linh thiêng hai tiếng đồng bào” tiếp tục nhận giải Vàng. Tại Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 4, hai vở rối cạn là “Hào quang từ quá khứ” và “Trái tim người mẹ” nhận giải Bạc, lại có thêm giải Vàng giành cho cá nhân nghệ sĩ…Tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm năm 2016, tác phẩm chuyển thể từ kịch bản sân khấu “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Nhà hát múa rối Thăng Long khiến ban giám khảo bất ngờ vì yếu tố thử nghiệm đã được thể hiện rõ trên sân khấu múa rối. Vở diễn giành giải Tiết mục thử nghiệm rối xuất sắc.
Tâm sự về việc dàn dựng những vở rối cạn trong điều kiện Nhà hát không có rạp riêng cho loại hình này, NSND Hoàng Tuấn thẳng thắn cho biết: Rối nước là “miếng cơm” của Nhà hát, luôn phải duy trì “đỏ đèn” 365 ngày/năm. Còn rối cạn là nơi nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, bay bổng. “Đôi khi chúng tôi phải chịu lỗ, đôi lúc xót xa nhìn những vở rối cạn được dựng với bao nhiêu công sức nhưng không tới được với nhiều khán giả chỉ vì không có điểm diễn. Thế nhưng, các nghệ sĩ vẫn háo hức được dựng vở. Muốn giữ vững thương hiệu thì cần phải vượt qua thách thức và luôn sáng tạo”, vị “thuyền trưởng” của Nhà hát tâm sự.
Giữ vững thương hiệu
Nhà hát múa rối Thăng Long là “Nhà hát duy nhất ở Châu Á biểu diễn múa rối nước suốt 365 ngày trong năm”. Các nghệ sĩ của Nhà hát hoàn toàn sống được với nghề bởi duy trì được lịch diễn ổn định. Gần đây, Ban giám đốc quyết định thành lập dàn nhạc dân tộc riêng của Nhà hát. Năm 2016, Nhà hát múa rối Thăng Long mang dàn nhạc dân tộc tham gia Liên hoan Nhạc cụ dân tộc toàn quốc, mạnh dạn đọ tài với những đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên về âm nhạc. Năm đó, tiết mục biểu diễn của Nhà hát giành giải Vàng. Năm 2017, Nhà hát tiếp tục đem chương trình hòa nhạc dân tộc “Khoảnh khắc Hà thành” dự thi Liên hoan Nhạc cụ dân tộc lần 2 và giành giải Bạc.
Chương trình "Khoảnh khắc Hà thành" của dàn nhạc dân tộc Nhà hát múa rối Thăng Long giành giải Bạc tại Liên hoan nhạc cụ dân tộc lần thứ 2 - 2017. |
Sau 10 năm lãnh đạo nhà hát với bảng thành tích đáng nể về các giải thưởng, những vở diễn để lại dấu ấn, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn đã có thể thở phào vì đã góp phần quan trọng đưa con thuyền nghệ thuật đi đúng hướng. Trong bối cảnh nhiều nhà hát và đơn vị nghệ thuật khác chật vật tìm khán giả, lo lắng về doanh thu thì múa rối Thăng Long vẫn tự tin đi trên đôi chân của mình. Tính riêng năm 2016, Nhà hát thu hút được 410.090 lượt người xem, doanh thu đạt gần 42 tỷ đồng, vượt dự toán 23%; 6 tháng đầu năm 2017, Nhà hát thu hút 179.860 lượt người xem, thu gần 18 tỉ đồng…
Dù phía trước còn nhiều khó khăn, công việc giữ gìn tinh hoa rối nước truyền thống và sáng tạo vở diễn mới vẫn là nỗi trăn trở hằng ngày của các nghệ sĩ, song, như lời của NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, nếu tập thể đồng lòng, đoàn kết và cùng hăng hái làm việc thì “con thuyền nghệ thuật” vẫn sẽ băng qua sóng cả, xứng đáng là thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.