(HNM) - “Sức khỏe là vốn quý của mỗi người dân và toàn xã hội” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại buổi phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong một dịp ý nghĩa là tri ân những “chiến sĩ áo trắng” nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2).
Thấm nhuần điều đó, chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân được Đảng, Nhà nước không ngừng quan tâm. Cải thiện về tầm vóc, thể lực của người Việt Nam trong thời gian qua đã được ghi nhận. Nhiều chỉ số về thể chất, sức khỏe được nâng lên. Song, mức độ cải thiện của không ít chỉ số so với chuẩn khu vực và thế giới thì… vẫn còn xa. Vì vậy, nhận diện vốn quý sức khỏe mà chúng ta đang có và phải đối diện trong bối cảnh môi trường, cuộc sống mới để có thể chăm sóc, cải thiện được tốt hơn, thực sự là câu chuyện đáng bàn.
Rõ ràng, phấn đấu cả một chặng dài để tăng tuổi thọ, đến nay, tuổi thọ của người Việt Nam thuộc diện cao nhưng chất lượng sống lại chưa hẳn tương xứng. Chưa kể trong thời gian đó, đã mất tới 10 năm phải chung sống với bệnh tật…
Đáng nói hơn, xu thế bệnh tật đang chuyển dần từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, mà nguyên nhân là từ yếu tố chủ quan: Lười vận động, lạm dụng rượu, bia, ăn uống mất cân đối (nhiều thịt, ít rau…). Bằng những con số cụ thể, ngành Y đã chỉ ra gánh nặng ghê gớm của bệnh tật, tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra với mỗi người. Đó là cứ 10 người tử vong thì 7 người “ra đi” do các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư.
Y tế cơ sở - nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu thực sự quan trọng để ngăn ngừa kịp thời bệnh tật, hướng dẫn, khuyến cáo người dân sống lành mạnh, lại chưa thật phát huy hiệu quả.
Trước bộn bề thách thức đó, một lần nữa càng phải nhắc lại và phát động mạnh mẽ tinh thần “sức khỏe là vốn quý của mỗi người và của xã hội”. Đã là vốn quý của mỗi người thì trước hết mỗi người đều phải có ý thức chăm sóc, giữ gìn. Những gì thuộc về yếu tố chủ quan có thể cải thiện được đều thuộc trách nhiệm của cá nhân. Từ ý thức của mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội mới có được sự thay đổi đáng kể nhằm cải thiện và cải thiện nhanh hơn về chất lượng sống đi kèm tuổi thọ, chiều cao, thể lực, sức bền… của người dân.
Bên cạnh ý thức mỗi chủ thể, việc tuyên truyền vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa với tinh thần thiết thực, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng. Với thanh, thiếu nhi là hoạt động thể thao trong trường học; với người cao tuổi là phong trào dưỡng sinh; với thanh niên là chương trình rèn luyện thể lực đều đặn và nói không với chất kích thích, có hại cho sức khỏe.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắn nhủ: Muốn giữ gìn sức khỏe, phát triển tầm vóc, cần đồng thời thực hiện 3 yêu cầu: Vệ sinh phòng bệnh - Ăn uống điều độ - Bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên.
Vì vậy, ngành Y tế với trọng trách chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chắc chắn cũng sẽ cần tiếp tục làm tốt hơn công tác chăm sóc y tế từ cơ sở. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục là đơn vị làm gương và phát động nhiều phong trào thiết thực hướng dẫn người dân cách ăn - ở - sinh hoạt điều độ, lành mạnh, phù hợp với sự thay đổi của môi trường.
"Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện" luôn là mong mỏi của mỗi người. Giữ gìn sức khỏe chính là để nâng chất lượng sống và góp phần vào sự phồn vinh của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.