Thành phố Hà Nội có 15 tuyến sông lớn, nhỏ, với tổng chiều dài hơn 490km, trong đó 7 tuyến sông có hoạt động khai thác cát, sỏi, nạo vét... Đấy là chưa kể tội phạm thường lợi dụng những khu vực vắng người qua lại trên sông để hoạt động.
Bảo đảm bình yên cho những tuyến sông trên địa bàn Thủ đô là nhiệm vụ quan trọng mà các chiến sĩ Cảnh sát giao thông đường thủy đang ngày đêm thực hiện.
Cuộc chiến thầm lặng
Để bảo đảm bình yên trên những tuyến sông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ trách nhiệm trong đấu tranh, xử lý đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên cát, sỏi, tình hình mất trật tự trên các tuyến đò ngang, bãi tập kết vật liệu trái phép…
Đơn cử gần đây, đêm 25 rạng sáng 26-5, Công an thành phố đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt kiểm tra và phát hiện 13 chiếc tàu đang khai thác, chở cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua địa phận quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Lực lượng đã đưa 33 đối tượng trên 13 tàu về trụ sở để làm việc, đưa các tàu vi phạm về bãi tạm giữ…
Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết, trên địa bàn có tuyến sông Hồng, sông Đuống giáp ranh Hà Nội với các tỉnh bạn, nên công tác phối hợp luôn được quan tâm. Nhờ làm tốt công tác phối hợp, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ từ Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để bàn giao đối tượng Đỗ Duy Hằng (sinh năm 1984, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) là kẻ giết người đã bị Công an huyện Gia Lâm khởi tố từ năm 2017. Đỗ Duy Hoàng bị bắt giữ vào chiều 31-5-2023, sau 7 năm lẩn trốn truy nã trên bè tại bãi giữa sông Hồng.
Cũng qua công tác phối hợp cùng công an các tỉnh bạn, gần đây nhất, rạng sáng 6-6, khi làm nhiệm vụ trên sông Đuống, tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã phát hiện 2 phương tiện đường thủy là tàu mang số hiệu HD-6598 chở đất sét từ huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) và tàu mang số hiệu HD 8288 chở cát từ tỉnh Hải Dương vi phạm lỗi chỉ được phép chở hàng hóa trong địa phận tỉnh Quảng Ninh. Toàn bộ hàng hóa trên tàu đều dùng giấy tờ, hóa đơn chứng từ giả…
Là người trực tiếp điều tra bắt giữ nhiều tên tội phạm nguy hiểm, Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Đội phó Đội Cảnh sát đường thủy số 2, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trong quá trình tiếp nhận đề nghị phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát giao thông và Công an tỉnh Bắc Ninh cùng với Công an quận Hoàn Kiếm, đơn vị đã trực tiếp vây bắt đối tượng Phạm Văn Cường (sinh năm 1988, trú tại Đại Bái, Gia Bình, Bắc Ninh), là đối tượng bị Công an tỉnh Bắc Ninh ra quyết định truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy khi đang lẩn trốn trong một thuyền chài neo đậu dưới chân cầu Long Biên.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Hiền, trong đêm tối, các đối tượng vi phạm luôn tìm cách chống đối, có khi lao thẳng tàu vào lực lượng chức năng. Khi tiếp nhận nguồn tin, đối tượng có thể có vũ khí nóng trong người nên công tác vây bắt phải hết sức cẩn trọng.
Phòng hơn chống
Hiện tại, toàn bộ tuyến sông của Thủ đô do Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 và số 2, Phòng Cảnh sát giao thông phụ trách giữ gìn an ninh trật tự.
Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1, đơn vị phụ trách án ngữ ở thượng nguồn sông Hồng, sông Đà chảy vào địa phận Thủ đô. Đơn vị được xem là khắc tinh của các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trên các tuyến sông giáp ranh các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Yên.
“Bí quyết” thành công được Thiếu tá Hà Trọng Hoan chia sẻ chính là công tác đấu tranh phòng hơn chống, triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên sông nước. Gần đây nhất, giữa tháng 6 vừa qua, từ công tác tuyên truyền, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 đã yêu cầu chủ các tàu thuyền ký cam kết không vi phạm quy định an toàn đường thủy, không sử dụng bia, rượu khi lái tàu và đặc biệt không tiếp tay hoạt động khai thác cát trái phép và các hoạt động phạm tội khác.
Còn theo Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2, việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị, công an các tỉnh bạn và người dân chính là “tai mắt” của Cảnh sát giao thông đường thủy trong đấu tranh với tội phạm. Điều này cũng được ông Lê Anh Văn (sinh năm 1975, ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thuyền trưởng tàu mang số hiệu VP 2368 khẳng định: "Các chủ tàu, những người sinh sống trên sông nước đều ký cam kết cùng công an không tiếp tay cho tội phạm, chủ động trao đổi thông tin khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên sông nước".
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, để ứng phó với mùa mưa, bão đang đến gần và tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trên tuyến sông, đơn vị triển khai các phương án đấu tranh trực diện với những phương tiện lưu thông trên tuyến đường thủy. Trong cuộc chiến thầm lặng trên sông nước, Cảnh sát giao thông đường thủy luôn nêu cao tinh thần “vì nước quên thân vì dân phục vụ”, hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.