(HNMO) - Trước thông tin tình hình chăn nuôi bò sữa của bà con nhân dân huyện Ba Vì gặp nhiều khó khăn, sáng 24-11, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đào Đức Toàn trực tiếp kiểm tra tình hình và chủ trì làm việc với Huyện uỷ Ba Vì...
Mở đầu cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành uỷ đã đi khảo sát tình hình tại Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì, thăm một số hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Vân Hoà, xã Tản Lĩnh.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn thăm hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt |
Báo cáo đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Bạch Công Tiến cho biết, từ gần 3.000 con bò sữa năm 2010, đến tháng 6-2015, tổng đàn bò sữa của huyện đạt 9.300 con. Nhưng do giá sữa sụt giảm, nên hiện tại tổng đàn bò sữa của huyện chỉ còn 7.630 con (giảm khoảng 18%). Toàn huyện có 20 xã có nông dân chăn nuôi bò sữa, tập trung chủ yếu ở xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh. Hình thức chăn nuôi chủ yếu theo mô hình nông trại gia đình, bình quân mỗi hộ nuôi 5-6 con, một số hộ chăn nuôi 20-30 con. Chăn nuôi bò sữa trở thành nghề có thu nhập khá, nhiều hộ có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm từ nuôi bò sữa. Trên địa bàn huyện có 2 đơn vị thu mua chính là Công ty Cổ phần Sữa quốc tế - IDP (khoảng 80% lượng sữa), Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì và một số cơ sở thu mua nhỏ lẻ.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì khẳng định, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện còn mang tính nhỏ lẻ, thủ công theo quy mô hộ gia đình, nên năng suất, chất lượng còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để. Từ giữa năm 2015 đến nay, do giá vật tư đầu vào ngày càng tăng, giá thu mua sữa nguyên liệu giảm; người dân chăn nuôi bò sữa không có lãi hoặc lãi không cao dẫn đến tâm lý chán nản không tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều hộ gia đình chuyển từ nuôi bò sữa sang nuôi lợn, gà; làm tổng đàn giảm dần.
Cung cấp thêm thông tin về tình hình, lãnh đạo xã Vân Hòa, Tản Lĩnh cho biết, ở mỗi xã từ giữa năm ngoái đến năm nay giảm từ 700-1.000 con bò sữa. Nguyên nhân giá sữa thu mua giảm chủ yếu do tác động của thị trường quốc tế và một phần do kỹ thuật chăn nuôi dẫn đến chất lượng sữa còn hạn chế. Mặc dù vậy, lãnh đạo các xã cho biết, vì giá giảm nên các hộ nuôi số lượng ít khoảng 3-4 con là không có lãi, muốn có lãi, các hộ giải đầu tư tăng thêm số lượng đàn, trong khi hầu hết đều gặp khó khăn về vốn. Lãnh đạo các xã đều tha thiết đề nghị thành phố hỗ trợ bảo vệ thương hiệu sữa Ba Vì.
Trao đổi với đoàn công tác, đại diện Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP cho biết, đơn vị này ký hợp đồng với nông dân Ba Vì thu mua sữa của khoảng 9.000 con bò. Giá sữa bình quân thời gian qua là 10.083 đồng, giá mua cao nhất có thời điểm là 12.000 đồng. Giá thu mua sữa của nông dân ổn định theo từng giai đoạn, nếu có sự thay đổi đều được Công ty thông báo công khai ít nhất là trước 1 tháng thời điểm thay đổi. Đại diện Công ty khẳng định không có chuyện o ép giá hay thu mua sữa của nông dân Ba Vì với giá rẻ như nước lã như thông tin báo chí nêu. Đại diện Công ty IDP cũng cho biết, công ty dự kiến tăng giá thu mua sữa thêm khoảng 5% từ đầu năm tới. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sữa Ba Vì cho biết, tăng trưởng của đơn vị này hai năm gần đây đều tăng gấp đôi. Công ty lập dự án để tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng thêm dây chuyền sản xuất sữa tiệt trùng. Các đơn vị đều đề nghị lãnh đạo thành phố, huyện, xã động viên nông dân duy trì chăn nuôi bò sữa. Đây là nghề làm giàu đòi hỏi người đầu tư phải có vốn và kiến thức kỹ thuật.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bá Hoạt |
Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ban, ngành trao đổi, thảo luận, kết luận cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn nhấn mạnh, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy Hà Nội hết sức coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Ba Vì là địa bàn rộng, ngoài nông dân, nông thôn, còn có yếu tố dân tộc, miền núi. Thương hiệu sữa Ba Vì cũng hết sức có ý nghĩa đối với kinh tế Thủ đô. Do đó, trước những thông tin về tình hình khó khăn của nông dân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn, lãnh đạo thành phố phải chỉ đạo ngay tìm các giải pháp kịp thời tháo gỡ, ngăn chặn những tác động xấu đến đời sống kinh tế-xã hội nói chung và đời sống nhân dân địa phương nói riêng, thông tin chính xác về tình hình cho dư luận trong xã hội để tiếp tục phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò sữa.
Đồng chí Đào Đức Toàn chỉ đạo lãnh đạo huyện Ba Vì và các xã trên địa bàn kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền vận động; tổ chức tốt chăn nuôi đúng quy hoạch phát triển bảo đảm tính bền vững, sát với nhu cầu thị trường; khắc phục những bất cập như về chất lượng giống, vệ sinh môi trường… Cấp ủy, chính quyền địa phương phải trở thành cầu nối chủ động, tích cực để liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học; làm tốt vai trò định hướng, tổ chức quy hoạch, thực hiện hiện quy hoạch chăn nuôi bò sữa, chú trọng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi… Đồng chí nhấn mạnh: Đừng vội tăng quy mô số lượng đàn bò sữa, cần tập trung vào chất lượng. Chính quyền huyện, xã cần phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng tiêu chí quy mộ chăn nuôi như thế nào là vừa bảo đảm số lượng, chất lượng; có thể cấp chứng nhận cho các hộ đủ tiêu chuẩn chăn nuôi bò sữa làm sản phẩm hàng hóa. Đồng chí cũng mong muốn huyện sẽ có biện pháp hướng dẫn các hộ chăn nuôi bò sữa tăng cường liên kết với nhau để giảm chi phí mua sắm vật tư đầu vào.
Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các sở, ban, ngành và huyện Ba Vì không ngồi chờ doanh nghiệp đến, mà chủ động thu hút doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm cho bà con nông dân, đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Đồng chí đặc biệt lưu ý, mọi chỉ đạo, định hướng liên quan đến chăn nuôi bò sữa cần phải chú trọng yếu tố bền vững; quan tâm bảo vệ môi trường. Trước mắt, huyện phải tính toán để có giải pháp lâu dài, bài bản nhằm xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn, không để đến lúc quá tải mới lo khắc phục. Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa có trách nhiệm hợp tác, giúp đỡ để duy trì và phát triển đàn bò sữa huyện Ba Vì nói riêng và phát triển thương hiệu sữa Ba Vì nói chung ngày càng mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.