(HNM) - Giỗ Tổ Hùng vương - Lễ hội Đền Hùng mang tầm vóc quốc gia, là dịp để mỗi người dân Việt tỏ lòng tri ơn tiền nhân, khẳng định sức mạnh đoàn kết cùng nhau xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và bởi vậy, chương trình lễ hội có nhiều nét đặc biệt, với những hoạt động phong phú.
Mùa lễ hội năm 2015 này có điểm gì đáng chú ý? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Trưởng BTC lễ hội Đền Hùng 2015 Hà Kế San để làm rõ vấn đề này.
- Thưa ông, Giỗ Tổ Hùng vương - Lễ hội Đền Hùng (GTHV-LHĐH) năm nay diễn ra đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông có thể cho biết về quy mô của kỳ lễ hội này?
- Năm nay GTHV - LHĐH do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia của 5 tỉnh Sơn La, Phú Yên, Đắc Nông, Tiền Giang và Bạc Liêu theo đề án tổ chức GTHV hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các chương trình, sự kiện đều nhắm mục tiêu củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, động viên nhân dân hăng hái thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng…
Người dân nô nức tham dự lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh |
- Ông có thể kể ra một số điểm mới ở kỳ lễ hội năm nay?
- Điểm mới đầu tiên là thời gian tổ chức dài hơn một ngày so với năm trước. GTHV - LHĐH diễn ra trong 6 ngày (từ mùng 5 đến 10 tháng Ba âm lịch) trong phạm vi Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (TP Việt Trì) và các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên toàn tỉnh Phú Thọ. Trung tâm lễ hội là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì.
Tại GTHV - LHĐH năm 2015, phần lễ cơ bản ổn định như năm trước, được tổ chức trang nghiêm, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc. Riêng phần lễ với hoạt động rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích như xã Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (TP Việt Trì); xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và các xã, phường, thị trấn thuộc TP Việt Trì, huyện Lâm Thao và Phù Ninh… sẽ không tổ chức cùng thời điểm. Thay vào đó, các địa phương tự chọn thời gian thích hợp trong các ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Ba âm lịch, theo nguyên tắc tự nguyện - cộng đồng thực hiện.
- Năm nay, Phú Thọ lồng ghép nội dung bảo tồn di sản vào lễ hội như thế nào, thưa ông?
- Phần hội tập trung chủ yếu ở khu vực Đền Hùng và TP Việt Trì. Mục tiêu là đẩy mạnh quảng bá "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát Xoan Phú Thọ" - hai di sản đã được UNESCO vinh danh - đồng thời khẳng định nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ, nhất là việc triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản "Hát Xoan Phú Thọ" để đến tháng 12-2015 đề nghị UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những nỗ lực này không nằm ngoài mục tiêu cơ bản là phấn đấu xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm di tích đặc biệt cấp quốc gia, xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch…
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những hoạt động đáng chú ý của mùa lễ hội năm nay?
- Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Âm vang nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương" được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào 20h ngày 25-4 (7 tháng Ba âm lịch) tại Quảng trường Hùng Vương với màn bắn pháo hoa tầm cao ở phần kết thúc là điểm nhấn đặc biệt. Thứ hai, có thể kể đến sự tham gia của tỉnh Nara - Nhật Bản (kết nghĩa với tỉnh Phú Thọ) vào các hoạt động như Hội chợ Du lịch Tây Bắc mở rộng 2015 và chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Trường ĐH Hùng Vương và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Thứ ba, không thể không nói đến bộ tem đặc biệt "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" được phát hành trong dịp này.
- Xin ông cho biết vai trò của người dân trong lễ hội?
- BTC sẽ tạo điều kiện cho nhân dân thực hành tín ngưỡng dâng hương các vua Hùng. Thứ hai, việc tổ chức các hoạt động tại Đền Hùng chủ yếu do các nghệ sĩ, nghệ nhân Phú Thọ tham gia. Thứ ba, như trên đã nói, sự tham gia của 5 tỉnh đại diện Bắc - Trung - Nam cũng thể hiện mục tiêu "trăm con hướng về nguồn cội".
- Tháng 12-2015 chúng ta cần hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Tại GTHV - LHĐH sẽ có các hoạt động gì nhằm tôn vinh nghệ thuật hát Xoan?
- Ở lễ hội năm nay, chúng tôi mở triển lãm tư liệu về hát Xoan Phú Thọ tại thư viện tỉnh vào ngày 23-4 (5-3 âm lịch); tổ chức trình diễn hát Xoan cộng đồng và hát Xoan của các nghệ nhân kế cận thuộc các làng Xoan gốc tại xã Kim Đức; tổ chức chương trình "Hát Xoan làng cổ" gắn với các điểm du lịch di sản văn hóa và Liên hoan hát Xoan thanh thiếu niên…
Còn rất nhiều việc phải làm, từ đào tạo nghệ nhân kế cận cho đến tăng cường tuyên truyền, số hóa tư liệu, phục hồi diễn xướng, xây dựng không gian thực hành hát Xoan. Với sự cố gắng của tỉnh nhà cùng sự ủng hộ của Chính phủ trong việc phê duyệt đề án Bảo tồn phát huy giá trị hát Xoan và sự vào cuộc của nhân dân, chúng tôi tin Phú Thọ sẽ hoàn chỉnh báo cáo đệ trình UNESCO đúng hạn.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
* Ký cam kết không nâng giá sản phẩm, dịch vụ: UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu chủ dịch vụ taxi, xe bus, các cửa hàng kinh doanh ký cam kết không nâng giá dịp GTHV - LHĐH. Riêng với các khách sạn, yêu cầu không tăng giá và nếu có, không quá 3%. * Nỗ lực thực hiện "4 không": Không treo thịt phản cảm, không ăn xin, không đổi tiền lẻ trong khu vực di tích, không vứt rác bừa bãi. * Công bố đường dây nóng: Người dân có thể phản ánh hiện tượng tiêu cực đến số máy 0210 386 0026; 0210 655 1666. BTC cũng sẽ công khai số điện thoại của các đội kiểm tra liên ngành. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.