(HNM) - Đến nay, Hà Nội đã có 21 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đều là những di sản mang những nét văn hóa đặc sắc nhất của nghìn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Điểm lại nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn Thủ đô có thể thấy, Hà Nội đã có nhiều biện pháp, cách làm phù hợp để lưu giữ nét đẹp truyền thống của di sản, bảo đảm đúng quy định pháp luật hiện hành. Cùng với việc huy động sự tham gia đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học uy tín, thành phố đã đề cao vai trò của người dân nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy và thực hành di sản. Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ bảo tồn; chú trọng hoạt động truyền dạy, lưu giữ dữ liệu, tri thức di sản; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi di sản đến với công chúng.
Công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã mang lại nhiều lợi ích. Không những giữ gìn được nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, nhiều di sản còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến thăm Thủ đô. Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức sáng tạo của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đời sống văn hóa đương đại luôn có những biến chuyển không ngừng, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể với đặc tính “động”, gắn với hoạt động cộng đồng mà nguy cơ biến đổi luôn hiện hữu, nhất là với lễ hội - loại hình chiếm tỷ lệ lớn nhất, đang đặt ra bài toán cho cả chủ thể di sản cũng như cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu.
Trước tiên, cần có chung nhận thức, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng và không gian văn hóa liên quan, từ đó có cách ứng xử phù hợp với yêu cầu quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy: Giữ gìn được giá trị gốc của di sản trong đời sống đương đại. Muốn vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố cần nâng cao nhận thức, xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể một cách toàn diện, hiệu quả và phải dựa trên các yếu tố khoa học, giá trị đặc sắc của di sản. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về di sản cần phải siết chặt hơn nữa, nhất là các di sản loại hình lễ hội.
Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xây dựng các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát về thực hành di sản; ngành Văn hóa Hà Nội cần quan tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa ở trong nước, ngoài nước.
Cùng với đó, phối hợp, tận dụng hiệu quả tri thức, khảo cứu của các nhà nghiên cứu kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm của những nghệ nhân, người dân địa phương nơi có di sản để tiếp tục tư liệu hóa phù hợp với từng loại di sản bằng văn bản, ghi âm hoặc ghi hình, tạo thành kho dữ liệu phong phú, đồng bộ về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, cũng phải khơi gợi tâm huyết, đóng góp to lớn của cộng đồng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bởi đây chính là chủ thể di sản. Khi đã tạo được trách nhiệm chung trong thực hành di sản, các di sản sẽ được gìn giữ, trao truyền một cách trọn vẹn nhất cho thế hệ mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.