Văn hóa

Giáo sư, đạo diễn, NSND Trần Bảng: Ông “trùm chèo” Việt Nam

Lưu Thảo 06/08/2023 - 21:11

NSND Trần Bảng đã từ giã cõi trần ở tuổi 97 vào một ngày trung tuần tháng 7 vừa qua. Ông ra đi, để lại cho nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng một di sản lớn với hàng chục vở diễn cùng nhiều công trình nghiên cứu, lý luận phê bình có giá trị.

c0014887b45c67023e4d.jpg
NSND Trần Bảng.

Dành trọn cuộc đời cho việc viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu, dạy học trò, NSND Trần Bảng không chỉ góp phần giữ cái gốc, nét văn hóa độc đáo của chèo mà còn làm cho nghệ thuật chèo phát triển lên một tầm vóc mới. Tên tuổi ông được gắn với nhiều biệt danh như “cây đại thụ chèo”, ông “trùm chèo”.

1. NSND Trần Bảng quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức có nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cha ông là nhà văn Trần Tiêu (tác giả tiểu thuyết “Chồng con”, “Con trâu”), bác ruột ông là nhà văn Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng) - cây bút trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Anh họ ông là đạo diễn điện ảnh, NSND Trần Đắc.

Ngay từ nhỏ, Trần Bảng đã được gia đình định hướng theo nghiệp văn chương. Là người thông minh, sáng dạ, ham học và có tinh thần tự học cao nên khi mới đang học bậc Thành chung tại trường do Pháp mở, ông đã có thể đọc sách báo tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga trong tủ sách của gia đình, đồng thời ông tự học và đọc được cả chữ Hán Nôm. Nền tảng gia đình cùng khối lượng kiến thức lớn được nạp liên tục đã giúp cho Trần Bảng có kiến thức sâu rộng về văn chương, kịch nghệ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, chàng trai trẻ 19 tuổi Trần Bảng đã tham gia cách mạng với nhiệm vụ viết và diễn kịch trong đội tuyên truyền kháng chiến chống Pháp của xã. Đầu năm 1950, ông lên chiến khu Việt Bắc làm cán bộ tuyên truyền. Hai năm sau, ông cùng một số đồng nghiệp sáng lập Đoàn Văn công Trung ương và trở thành thành viên của tổ kịch, sinh hoạt cùng với các đồng nghiệp Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài...

Đầu năm 1953, Đoàn Văn công yêu cầu các tổ kịch, ca múa nhạc và tổ chèo giới thiệu những tác phẩm mới đặc sắc nhằm phục vụ nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương, nghệ sĩ Trần Bảng, lúc này đang là tổ phó tổ Kịch, đã cùng các nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng vở chèo hiện đại “Chị Trầm”. Trong đêm công diễn, vở chèo “Chị Trầm” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng...

Thành công của “Chị Trầm” là bước ngoặt để Trần Bảng chính thức bén duyên với chèo - một loại hình nghệ thuật sân khấu dân dã nhưng không kém phần thâm thúy, sâu sắc. Đầu tiên là nhận nhiệm vụ được giao và rồi say mê từ lúc nào không hay, ông tiếp tục viết nhiều kịch bản khác ở đủ các đề tài, từ dân gian, cổ tích, lịch sử, dã sử cho tới đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống và con người trong thời đại mới, như “Con trâu hai nhà”, “Đường đi đôi ngả”, “Cô gái và anh đô vật”, “Máu chúng ta đã chảy”, “Tình rừng, “Chuyện tình những năm 80”...

Không dừng lại ở việc viết và dựng các vở chèo mới, nghệ sĩ Trần Bảng còn dành tâm sức phục dựng các vở chèo cổ với mong muốn để nghệ thuật chèo nở hoa. Năm 1957, ông cùng các nghệ sĩ Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc Cẩn và các nghệ nhân Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Năm Ngũ thành lập Ban nghiên cứu chèo và chỉnh lý, cải biên, dựng lại các vở chèo cổ nổi tiếng như “Quan Âm Thị Kính”, “Xuý Vân” (từ vở “Kim Nham”), “Lưu Bình Dương Lễ”, “Nàng Thiệt Thê” (từ vở “Chu Mãi Thần”), “Lọ nước thần”... Với việc đưa các vở chèo cổ trở thành các vở mẫu, thuộc hàng kinh điển của nghệ thuật chèo truyền thống, nghệ sĩ Trần Bảng đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ.

2. Có kiến thức uyên thâm cùng lối truyền đạt hài hước, đơn giản nhưng dễ thuyết phục, nghệ sĩ Trần Bảng không chỉ nắm được bản chất, đặc trưng của chèo mà còn có cách thức riêng để có thể truyền lại cho học trò. Ông cho rằng, chỉ có cách phân tích nhân vật thì diễn viên mới cảm nhận sâu sắc về nhân vật và từ đó thể hiện được đúng chất nhân vật. Chính vì thế, ông thường đạo diễn, thị phạm bằng cách này để các học trò, diễn viên tự cảm nhận bằng năng lực, cảm xúc của bản thân, từ đó nhập vai chứ ông không minh họa lối diễn để cho diễn viên bắt chước.

Trong quá trình dạy, ông rất kiên trì, nếu thấy diễn viên đóng chưa đạt, ông lại phân tích tiếp chứ nhất định không làm mẫu. Có thể nói, cách dạy này của nghệ sĩ Trần Bảng đã giúp các học trò có thể lĩnh hội tốt nhất và làm được tốt nhất. Học trò của ông có rất nhiều người là diễn viên tài sắc, là những tên tuổi lừng lẫy một thời của sân khấu chèo như Diễm Lộc, Kiều Bạch Tuyết, Thúy Lan, Chu Văn Thức, Bùi Trọng Đang, Thúy Ngần, Thanh Bình, Vân Quyền, Quốc Anh...

3. NSND Trần Bảng vẫn khá minh mẫn dù khi đã gần 100 tuổi. Bí kíp để ông luôn mẫn tiệp, thông tuệ là “giữ cho cái đầu thoáng đãng, không quan trọng quá điều gì”, như ông từng chia sẻ. Ông quan niệm rằng con người ta, ai cũng có số phận. Cũng như số phận đã sắp xếp ông nên duyên nghiệp với chèo - ngành nghệ thuật đã sống cùng linh hồn dân tộc Việt Nam - nên ông cứ an nhiên mà cố gắng hết mình với Tổ nghề bằng tất cả lòng biết ơn gia đình, người thân cùng các thế hệ học trò.

Mạng xã hội phát triển, công chúng thường xuyên thấy NSND Trần Bảng xuất hiện trong các video clip trên trang cá nhân của diễn viên, đạo diễn, NSƯT Trần Lực - con trai ông - với cách trò chuyện hài hước, dí dỏm. Họ có thể không biết ông cụ tóc trắng với đôi mắt sáng tinh anh đang trả lời “comment” đó chính là một trong những người sáng lập ra Đoàn văn công nhân dân Trung ương, là người có những đóng góp to lớn và quan trọng cho nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam, và cũng là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng đồng thời là Trưởng đoàn đầu tiên của Nhà hát Chèo Việt Nam..., nhưng chắc chắn họ biết đó là một bậc trí thức, một người có sự hiểu biết sâu về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và cuộc sống.

Hơn 50 năm làm đạo diễn chèo, NSND Trần Bảng đã hoàn thành 2 cuốn sách lý luận: “Chèo - một hiện tượng sân khấu dân tộc” và “Trần Bảng - đạo diễn Chèo” với tư cách một nhà nghiên cứu am hiểu sâu sắc và có kiến thức uyên thâm về chèo.

Nghệ sĩ Trần Bảng tâm sự, ông không kỳ vọng những vấn đề mà ông đặt ra trong cuốn sách trở thành “bài bản”, “chuẩn mực”, mà chỉ mong sao những điều ông viết được lồng ghép với nỗi nhớ những người bạn cùng thời như Trần Huyền Trân, Cao Kim Điển, Phan Tất Quang, Lộng Chương, Chu Văn Thức..., những người đã cùng chung tay với ông trong công cuộc phục hưng chèo..., giúp người đọc yêu nghệ thuật chèo và xa hơn là mong muốn đồng hành cùng với nó.

Đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo Trần Bảng sinh năm 1926. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa 1 (1957). Ông được phong hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (năm 2001) với các tác phẩm “Tình rừng”, “Chuyện tình những năm 80” và Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2007) với công trình nghiên cứu “Trần Bảng - đạo diễn chèo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư, đạo diễn, NSND Trần Bảng: Ông “trùm chèo” Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.