(HNMO) - Ngày 11-12, quận Ba Đình tổ chức Chương trình gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022), những người đã trực tiếp chiến đấu và đóng góp vào chiến công trong 12 ngày đêm oanh liệt, hào hùng.
Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến trân trọng cảm ơn và tri ân sâu sắc những chiến công oanh liệt mà các nhân chứng lịch sử đã góp phần tạo nên; đồng thời khẳng định, các thế hệ được sống trong hòa bình luôn biết ơn và ghi nhớ tinh thần của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
“Chương trình gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử của quận Ba Đình ngày hôm nay là dịp để tất cả chúng ta cùng ôn lại, thêm tự hào về những chiến công 12 ngày đêm oanh liệt, về truyền thống vẻ vang, thêm yêu và nguyện cống hiến nhiều hơn cho nhân dân và đất nước”, Chủ tịch UBND quận Ba Đình nhấn mạnh.
Trong không khí ấm áp của buổi gặp mặt, các đại biểu đã giao lưu với các nhân chứng lịch sử quận Ba Đình. Trong đó có: Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh trai Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều (phường Quán Thánh); Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Văn Chắt - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 285, Đoàn Nam Triệu - Hải Phòng), đơn vị bắn rơi máy bay B.52 tại hồ Hữu Tiệp; ông Trần Văn Tường, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy, nguyên Cảnh sát khu vực khối 65 khu phố Ba Đình tháng 12-1972 (nay thuộc phường Ngọc Hà).
86 tuổi đời, 61 năm tuổi đảng, Trung tá, Anh hùng Phạm Văn Chắt - Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 đã chỉ huy đơn vị bắn trúng B.52, góp phần vào chiến công vang dội trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử. Hiện nay, thân chiếc máy bay B.52 này vẫn nằm giữa hồ Hữu Tiệp như một chứng tích đầy tự hào của những người lính phòng không năm xưa trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ông Chắt cho rằng, đánh được địch, bắn rơi B.52 là sự hiệp đồng, đoàn kết của tất cả anh em trong đơn vị, cùng sự giúp đỡ của nhân dân, của các lực lượng vũ trang…
Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh trai Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều kể về người em trai của mình, một sinh viên Đại học Bách Khoa thích lái máy bay. Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều đã giấu gia đình tới khi trúng tuyển nhập ngũ rồi mới báo.
“Chú Thiều đã xây dựng quyết tâm chiến đấu, trong những lá thư gửi về gia đình chú đã nói về sự hy sinh mất mát của nhân dân và sôi sục sự căm thù. Chú hạ quyết tâm bắn rơi B.52 với tinh thần cảm tử...”, Đại tá Vũ Xuân Thăng xúc động nói.
Trong 12 ngày đêm, Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều nhiều lần xuất kích nhưng không gặp máy bay địch. Trận chiến đấu cuối cùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều hy sinh, đó là đêm 28-12-2022. Chỉ nghĩ đến việc phải hạ B.52 bằng được, với lòng yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh thân mình, máy bay của Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều đã quyết tử lao vào máy bay B.52 địch và anh đã anh dũng hy sinh.
Tháng 12-1972, khi đó ông Trần Văn Tường là Cảnh sát khu vực khối 65 khu phố Ba Đình, nay thuộc phường Ngọc Hà. Chia sẻ ký ức về 12 ngày đêm, ông Tường vẫn còn nhớ đêm 27-12-1972, ông được lệnh cùng cán bộ cơ sở sơ tán dân. Còi báo động nổi lên, ông huy động anh em dân phòng đi bảo vệ an ninh trật tự, nhắc nhở người dân ai không có nhiệm vụ xuống hầm trú ẩn. Sau trận bom B.52, máy bay rơi, nhiều người chết, bùn đất bắn tung khắp làng Ngọc Hà…
“Trong những năm tháng của 50 năm về trước, tôi thấy thấm thía nhất là sự đùm bọc của người dân dành cho chúng tôi trong lúc làm nhiệm vụ. Và tôi thấy mình phải sống làm sao để dân mãi tin và yêu mình”, ông Tường nói.
Tiếp nối buổi gặp mặt, quận Ba Đình tổ chức một chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Cụ thể, từ ngày 18 đến 28-12, tại di tích hồ Hữu Tiệp, tổ chức triển lãm ảnh, phim tư liệu với chủ đề “50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - quận Ba Đình viết tiếp trang sử vàng”; tối 12-12, tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa diễn ra liên hoan nghệ thuật quần chúng "50 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca lịch sử". Bên cạnh đó, quận Ba Đình cũng triển khai hội thi vẽ tranh thiếu nhi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; tổ chức giáo dục truyền thống cho thanh niên, học sinh tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.