(HNMO)- Bắt đầu từ 14h00 chiều nay, 9/6, các chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ giao lưu trực tuyến, trả lời độc giả các vấn đề liên quan đến chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn 2010 - 2015, những mô hình điển hình ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội và định hướng phát triển của chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn tới. Chủ đề của cuộc giao lưu là: Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn.
15:33 09/06/2015
Hỏi: Trong quá trình triển khai, thực hiện, theo ông đã có những khó khăn nào và giải pháp cho giai đoạn tới? Được biết, một trong những vướng mắc lớn nhất mà chương trình gặp phải là triển khai thực hiện dự án còn chậm so với kế hoạch. Ông có thể cho biết nguyên nhân và cách khắc phục?
Ông Lê Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội trả lời:
Hà Nội là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ mạnh, sau khi mở rộng Hà Nội có điều kiện tự nhiên, tiềm năng đất đai, mặt nước…thuận lợi cho việc triển khai các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi. Việc triển khai các dự án cũng nhận được sự quan tâm của trung ương và thành phố. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình cũng còn một số vướng mắc: Vướng mắc lớn nhất là việc thực hiện triển khai dự án còn chậm so với hợp đồng và thuyết minh dự án đã được phê duyệt do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tập trung vào một số nguyên nhân cơ bản sau:
-Nguyên nhân về thời tiết, về giống, về sự huy động vốn và sự trượt giá…
-Nguyên nhân từ sự phối hợp chưa sâu sát của cơ quan chuyển giao công nghệ và đơn vị chủ trì thực hiện dự án.
Giải pháp cho giai đoạn tới: Về cơ chế quản lý Chương trình nông thôn miền núi thực chất là chương trình chuyển giao kỹ thuật thông qua các mô hình phù hợp trình độ người dân ở vùng nông thôn miền núi nhằm mục đích để cho người nông dân tự thoát nghèo vươn lên làm giàu. Do vậy, cần có sự vào cuộc thực sự của các nhà khoa học, chính quyền các cấp và doanh nghiệp.
Tăng cường sự phối hợp của cơ quan chuyển giao công nghệ: Cơ quan chuyển giao công nghệ nên cử cán bộ KHCN chuyên trách dự án thay cho thực tế hiện nay, đơn vị chuyển giao công nghệ chỉ cử 1 cán bộ xuống “cắm” ở địa bàn để tiết kiệm kinh phí.
Cần lồng ghép vào các chương trình dự án, các kế hoạch phát triển kinh tế có trên địa bàn thực hiện dự án để tranh thủ sự hỗ trợ về chính sách, về kinh phí. Cần tận dụng các cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý của các dự án sẵn có để phục vụ tốt hơn cho chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật xúông tận người dân.
Cần có sự thông tin tuyên truyền tốt để nông dân hiểu được lợi ích của tiến bộ KHCN trong sản xuất. Bên cạnh đó có thể có những chính sách khuyến khích, động viên bằng tài chính (nếu có) cho các nông dân tham gia thực hiện dự án, chế độ phụ cấp cán bộ xã và các kỹ thuật viên trực tiếp tham gia triển khai dự án. Đẩy mạnh liên kết 4 nhà: nhà khoa học – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp – nhà nông.
Đầu tư hỗ trợ ngân sách sự nghiệp khoa học hơn nữa của trung ương, của thành phố cho các mô hình sản xuất trong các dự án được nhân rộng. Hỗ trợ ngân sách cho đơn vị thực hiện quảng bá thương hiệu sản phẩm của dự án trong và ngoài nước.
15:24 09/06/2015
Hỏi: Có ý kiến cho rằng, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội địa phương, các dự án thuộc Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi còn có ý nghĩa liên kết phối hợp “4 nhà”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh trả lời:
Đúng là Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi đã liên kết, phối hợp được cả 4 nhà. Đó là: Cơ quan quản lý dự án (Bộ KHCN, Sở KHCN các tỉnh, thành)-nhà khoa học (cơ quan chuyển giao khoa học)-doanh nghiệp-người dân. Vai trò của cả 4 nhà đều được phát huy. Nếu thiếu 1 trong 4 nhà này, dự án rất khó mang lại thành công. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, vai trò của doanh nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là vai trò về việc đầu mối tiêu thụ sản phẩm đối với doanh nghiệp chưa cao. Chính vì thế, trong giai đoạn tới tôi mong muốn sẽ có sự liên kết chặt chẽ hơn. Nhà nước cũng nên khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia dự án nhiều hơn, nâng cao vai trò của đầu mối của việc tổ chức thực hiện, tiêu thụ sản phẩm của dự án khoa học nói riêng và tiêu thụ các nông sản phẩm cho người dân nói chung.
Các cơ quan quản lý địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc huy động các nguồn lực, các đoàn thể chính trị xã hội tham gia dự án, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền cho việc thực hiện và nhân rộng dự án.
15:10 09/06/2015
Hỏi: Ông đánh giá thế nào về nguồn vốn và thời gian triển khai các dự án trong thời gian qua?
Ông Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh trả lời:
Tôi cho rằng, mặc dù còn khó khăn nhưng trong những năm qua Nhà nước đã rất quan tâm cho chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn, miền núi nói chung và Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi nói riêng. Chương trình này cũng đã được bố trí nguồn kinh phí một cách tương đối phù hợp, bao gồm: Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương và nguồn kinh phí đối ứng của doanh nghiệp, người dân.
Thời gian cho việc triển khai các dự án cũng tương đối phù hợp, thường kéo dài 2-3 năm. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị, trong giai đoạn tới cần tăng cường kinh phí cho hoạt động chuyển giao công nghệ nhiều hơn. Hiện nay, mỗi một công nghệ được trả tối đa 30 triệu đồng. Nếu chuyển giao cho những vùng sâu, vùng xa thì kinh phí này rất thấp. Thời gian triển khai nên linh hoạt hơn tùy theo đối tượng, cần căn cứ vào thời vụ của cây trồng để triển khai cho hết một chu kỳ phát triển của cây. Như vậy, hiệu quả sẽ cao hơn.
15:08 09/06/2015
Hỏi: Những sản phẩm Bò BBB giống Bỉ cao đang được đánh giá cao về chất lượng. Vậy khi nào người tiêu dùng mới tiếp cận được sản phẩm này một cách rộng rãi thưa ông?
* Ông Bùi Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên giống gia súc Hà Nội
- Chúng tôi dự định đầu tháng tới sẽ ra mắt cửa hàng giới thiệu sản phẩm thịt sạch của giống bò BBB tại khu Mỹ Đình. Chúng tôi đảm bảo rằng, chất lượng thịt không kém gì bò cao cấp của Úc nhưng lại có giá thành “mềm” hơn rất nhiều.15:03 09/06/2015
Hỏi: Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất khó cạnh tranh với các nước khác, nhà nước cần làm gì để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho Khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng?
Ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế kỹ thuật - Bộ KH&CN:
Gần đây Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 trong đó doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, về thuế, về đào tạo nhân lực về phát triển thị trường và ứng dụng KH&CN. Gần đây thực hiện nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014) về việc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN thực hiện việc cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Thống đôc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 14. Theo quyết định này thì đối tượng cho vay cũng chủ yếu là các doanh nghiệp với lượng vốn vay có thể tới 70% tổng đầu tư của dự án và lãi suất vay thấp, thời gian vay dài và hưởng các ưu đãi trong hai năm đầu, các năm sau như vay thương mại.
Đối với Bộ KH&CN, đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 95/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN. Trong nghị định này cũng có hẳn một chương về hoạt động KH&CN của doanh nghiệp và các điều khoản về ưu đãi đối với doanh nghiệp khi hoạt động KH&CN trong đó có các ưu đãi về thuế, về vay vốn, về đất đai, về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực KH&CN về sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học khi sử dụng ngân sách nhà nước…
Như vậy chính sách thì đã có nhiều và khá đầy đủ, vấn đề ở đây là tổ chức thực thi chính sách sao cho tốt, để cho doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận chính sách mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế kỹ thuật - Bộ KH&CN: |
15:02 09/06/2015
Hỏi: Thời gian qua, Sở KH&CN Hà Nội đã có những hỗ trợ cụ thể nào đối với các dự án cũng như các đơn vị cá nhân thụ hưởng từ dự án?
Ông Lê Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội trả lời:
Sau khi mở rộng, Hà Nội có điều kiện tự nhiên về đất đai, mặt nước, kinh nghiệm của các hộ nông dân, mặt khác Hà Nội là nơi tập trung của rất nhiều nhà khoa học, thuận lợi cho việc thực hiện triển khai các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi. Việc triển khai các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi cũng nhận được sự quan tâm của trung ương và thành phố.
Sở KH&CN Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ về kinh phí cho các dự án: về chuyển giao công nghệ, về thông tin tuyên truyền, về trang thiết bị, về nhân công…
Có thể nêu một số dự án nổi bật như: Mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Đan Phượng (đơn vị chủ trì là Hợp tác xã Đan Hoài, đơn vị chuyển giao là Viện rau quả TW).
Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ các loại nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại thành phố Hà Nội. (Đơn vị chủ trì là Công ty Kinoko Thanh Cao, đơn vị chuyển giao là Viện di truyền)…
15:00 09/06/2015
Hỏi: Ông có thể đưa ra một vài nhận xét về hiệu quả thực hiện mô hình “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông – Nhà doanh nghiệp" trong thời gian qua? Ông có thể chia sẻ một số giải pháp nhằm khẳng định vai trò của Nhà khoa học trong chuỗi “Liên kết 4 nhà”?
Ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế kỹ thuật - Bộ KH&CN:
Trước hết, theo tôi mô hình “liên kết 4 nhà” là một mô hình tốt, mô hình lý tưởng. Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2000/QĐ-TTg ngày 26/4/2000 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng chúng ta đã rất kỳ vọng vào việc phát triển mạnh mẽ mối liên kết này.
Vai trò của Nhà khoa học được coi là then chốt trong mối liến kết. Nhưng trong thực tiễn nhà khoa học lại thiếu các chính sách hỗ nhà khoa học, nhà khoa học không được hưởng lợi nhiều trong mối liên kết đó, mà chỉ có nghĩa vụ phục vụ, hoạt động KH&CN trong nông nghiệp mang nặng tính công ích, bao cấp.
Tuy nhiên, trong thực tiễn nhiều năm qua, do cách thức tổ chức sản xuất manh mún của ta nên mô hình này chưa phát triển nên hiệu quả của nó chưa rõ.
Như vậy để giải quyết khó khăn, đầu tiên là phải tính lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này hiện nay đang được gọi là “tái cấu trúc” hay “tái cơ cấu” ngành nông nghiệp. Tức là phải khuyến khích sản xuất tập trung quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích của tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi.
Còn về hoạt động KH&CN trong mối liên kết này cũng phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với nông dân và hoạt động KH&CN cũng phải theo nguyên tắc thị trường, tức là nghiên cứu phải đáp ứng cầu của sản xuất, song cũng phải đảm bảo bán được sản phẩm KH&CN để tái đầu tư phát triển KH&CN.
14:58 09/06/2015
Hỏi: Ông có thể cho biết, để các dự án thuộc Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi được triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nữa, trong giai đoạn tới cần có những thay đổi gì?
Ông Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh trả lời:
Theo tôi, cần phải lựa chọn đối tượng chuyển giao cho phù hợp, tập trung vào những đối tượng cây trồng có lợi thế, có nhu cầu tiêu dùng cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Tiếp theo là phải hướng tới các doanh nghiệp hoặc các HTX để phát huy sức mạnh tập thể; phải tăng cường mối liên kết giữa cơ quan khoa học, chủ dự án và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành một chuỗi khép kín, từ quy hoạch đến đầu tư sản xuất, thương mại hóa sản phẩm.
Cũng cần phải xác định rõ vai trò của từng đối tượng trong mỗi dự án: Cơ quan chủ trì dự án, cơ quan chuyển giao công nghệ, cơ quan quản lý, phân công rõ ràng trách nhiệm và quyền lợi của đơn vị chủ trì dự án và cơ quan chuyển giao công nghệ để tránh sự trùng lắp và phát huy hết được vai trò của mỗi chủ thể.
14:58 09/06/2015
Hỏi: Bài học của một số nước cho thấy, họ trích 1% từ tổng giá trị xuất khẩu nông sản để đầu tư cho công tác nghiên cứu, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông cần có những giải pháp nào để việc đầu tư cho KH&CN trong nông nghiệp có hiệu quả cao hơn?
Ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế kỹ thuật - Bộ KH&CN:
Trước hết tôi thấy đây là bài học kinh nghiệm hay mà Việt Nam cần nghiên cứu để vận dụng. Theo kinh nghiệm này, với giá trị xuất khẩu hàng nông lâm sản của Việt Nam năm 2014 là gần 31 tỷ USD, thì chúng ta sẽ có trên 300 triệu USD phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Số lượng kinh phí này là rất lớn, gấp trên 3 lần nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu, triển khai lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc huy động nguồn kinh phí đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học nông nghiệp, trước hết phải sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hàng năm khoảng 80 - 90 triệu USD cho lĩnh vực nông nghiệp trên toàn quốc. Bằng việc xác định đúng nhiệm vụ cần nghiên cứu, thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức KHCN để đảm bảo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có địa chỉ ứng dụng và cơ quan đề xuất đặt hàng chịu trách nhiệm nhân rộng kết quả nghiên cứu KHCN theo đề xuất đặt hàng của mình.
Ngoài ra, cần có những cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đầu tư của DN, của xã hội để thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Ví dụ như trích một phần giá trị thu nhập tính thuế thu nhập DN theo Nghị định 95/2014/ NĐ-CP quy định DN nhà nước phải trích 3-10% giá trị tính thuế thu nhập DN và DN ngoài nhà nước được trích tới 10% giá trị tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển KHCN của DN dùng cho các hoạt động nghiên cứu triển khai của DN cũng như hỗ trợ các quỹ phát triển KHCN khác.
14:58 09/06/2015
Hỏi: Ông có thể cho biết, để các dự án thuộc Chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông thôn miền núi được triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nữa, trong giai đoạn tới cần có những thay đổi gì?
Ông Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh trả lời:
Theo tôi, cần phải lựa chọn đối tượng chuyển giao cho phù hợp, tập trung vào những đối tượng cây trồng có lợi thế, có nhu cầu tiêu dùng cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Tiếp theo là phải hướng tới các doanh nghiệp hoặc các HTX để phát huy sức mạnh tập thể; phải tăng cường mối liên kết giữa cơ quan khoa học, chủ dự án và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành một chuỗi khép kín, từ quy hoạch đến đầu tư sản xuất, thương mại hóa sản phẩm.
Cũng cần phải xác định rõ vai trò của từng đối tượng trong mỗi dự án: Cơ quan chủ trì dự án, cơ quan chuyển giao công nghệ, cơ quan quản lý, phân công rõ ràng trách nhiệm và quyền lợi của đơn vị chủ trì dự án và cơ quan chuyển giao công nghệ để tránh sự trùng lắp và phát huy hết được vai trò của mỗi chủ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.