Du lịch

Ai về Hà Nội mùa sen…

Ngọc Thủy - Bạch Thanh 24/07/2023 07:13

Sâu xa trong tiềm thức người Hà Nội, sen vẫn là hình ảnh đẹp gắn với hồ Tây. Vì thế, nhiều người mong về một Lễ hội Sen Hà Nội ngày nào đó sẽ hiện diện ở những con phố thơ mộng, lãng đãng sương bên bờ hồ Tây lộng gió…

cover-3.jpg

LTS: Hà Nội những ngày này đang giữa mùa sen. Gần gũi và thanh cao; hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng; được nhiều người tôn vinh như quốc hoa, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Cũng từ lâu ở Hà Nội, nhắc đến hoa sen người ta nghĩ ngay đến sen Bách Diệp trồng ở hồ Tây. Giống như một vùng đất dành riêng cho loài hoa này, những bông sen hồ Tây được nuôi dưỡng bởi tinh túy trời đất nơi “địa linh”, có màu sắc và hương vị đặc biệt, đậm đà hơn các vùng đất khác.

Cùng với sự phát triển của đời sống đô thị, đến hôm nay giống sen quý Tây Hồ cũng đã “bén duyên” trên nhiều vùng đất khác, trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của bà con nhiều vùng ngoại thành. Nhưng sâu xa trong tiềm thức người Hà Nội, sen vẫn là hình ảnh đẹp gắn với hồ Tây. Vì thế nhiều người mong về một Lễ hội Sen Hà Nội ngày nào đó sẽ hiện diện ở những con phố thơ mộng, lãng đãng sương bên bờ hồ Tây lộng gió…

Bài 1: Sen Tây Hồ - món quà từ trăm năm

Mùa sen ở hồ Tây bắt đầu từ tháng 6 kéo dài đến cuối tháng 8 hằng năm. Đây cũng là mùa duy nhất để các nghệ nhân ở Quảng An, Nhật Tân quận Tây Hồ hái sen về ướp chè. Từ tờ mờ sáng, khi trời đất còn nồng vị sương, người làm chè sen đã chèo con thuyền nhỏ ra giữa hồ thu lượm những đóa sen hàm tiếu chúm chím ủ hương suốt đêm. Nắng lên, con thuyền đầy ắp hương thơm và sắc hồng rực rỡ trở về, hứa hẹn một mẻ chè ngậm hương sen nồng đượm…

bai1-sen-2.jpg
Thuyền sen về trong nắng sớm.

Bách Diệp - tinh hoa trời đất hồ Tây

Đấy vàng, đây cũng đồng đen
Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ

(Ca dao)

Câu ca dao là niềm tự hào của người Hà Nội khi nhắc đến hoa sen hồ Tây, một thứ “đồng đen” còn quý hơn cả vàng, nhất là trong quá trình phát triển của đời sống đô thị. Những bông sen hồ Tây bây giờ quý và hiếm lắm, không khi nào phải mang đến chợ vì luôn có người yêu sen và người mua buôn túc trực ở bờ khi mới tờ mờ sáng, đợi những chiếc thuyền đầu tiên chở những bông hoa còn ướt đẫm sương đêm cập bến là chia nhau mua hết, dù giá thành cao hơn nhiều sen trồng nơi khác…

Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, không sử sách nào ghi chép sen ở hồ Tây có từ bao giờ nhưng Đại Việt sử ký đã nói đến ly cung, biệt điện, tư thất bên cạnh những vạt sen thơm ngát ở các làng ven hồ Tây của các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều Lý xây vào đầu thế kỷ 11. Đến đầu thế kỷ 20, Hà Nội còn rất nhiều đầm sen mênh mông như Vọng, khu vực cuối phố Trần Quốc Toản, Liên Trì... Tuy nhiên, nói đến sen thì không đâu hơn được sen hồ Tây. Do thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước hồ Tây đã tạo nên giống sen quý ở đây. Sen quý vì bông lớn, khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh (còn được gọi là Bách Diệp), xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm.

sen2.jpg

Và chắc có lẽ cũng đã hằng trăm năm, người già ở những làng ven hồ Tây đã có cái thú vui tao nhã là vừa ngồi ngắm trăng thưởng hoa và uống trà hương sen được ướp bằng chính những bông hoa sen Tây Hồ. Hầu như nhà ai ở làng Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ cũng đều dự trữ ở nhà một vài lạng trà sen để đãi khách, bạn hiền vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi... Trước đây trà sen do chính các nghệ nhân của làng ướp rất công phu, cầu kỳ, vì thế nó quý lắm, mua cũng khó và cũng không biết ai bán mà mua vì người ta chỉ ướp để tặng, biếu nhau thôi.

Trò chuyện với nghệ nhân Ngô Văn Xiêm - người từng mang chè sen phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, được tặng thưởng nhiều Bằng khen cho thương hiệu Chè sen Quảng An - tinh hoa chè Việt…. mới biết nghề hái sen ướp trà cũng lắm công phu. Nào là phải lựa các bông hoa sen to, đóa hoa phải vừa mới nở miệng sáo, nào là hái sen phải trước lúc mặt trời lên thì hương sen mới tròn...

Cũng theo nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, trong một bông sen thì tinh hoa của đất trời đều hội tụ vào nhị, cho nên nhị hoa quý nhất. Lúc hoa vừa chúm chím nở cũng là khi mùi hương đượm nhất và sáng sớm khi mặt trời chưa lên, hoa còn ngậm sương là thời điểm đẹp nhất để hái làm trà. Ướp chè sen đúng chuẩn người Hà Nội vô cùng kỳ công. Quan trọng là phải chọn được nguyên liệu là chè ngon Tân Cương, Thái Nguyên.

Đầu tiên, người thợ ướp trà với những cánh hoa sen nhỏ trong 2 ngày. Sau đó tách trà khỏi cánh sen, đem sấy các công đoạn lặp đi lặp lại đến bảy lần mới xong. Ướp được 1kg chè thành phẩm cần đến 1.500 bông hoa và phải trong 18 ngày mới hoàn thiện một mẻ chè. Mọi dụng cụ làm chè đều phải thuần sạch, phụ nữ đến kỳ cũng phải tránh thật xa nơi ướp chè…

Công phu là thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi một cân chè sen Quảng An loại đặc biệt có giá đến cả chục triệu đồng. Dẫu vậy, người Quảng An làm ra bao nhiêu chè cũng không đủ bán. Những người có điều kiện kinh tế và yêu Hà Nội thường mua chè sen tiếp khách quý, làm quà phương xa. Chè sen Quảng An vì vậy luôn có một góc xứng đáng trong hành lý của những người Việt xa quê...

bai1-sen-3.jpg
Trà sen Tây Hồ - món quà từ trăm năm.

Theo những người làm chè lâu năm ở Quảng An thì sen hồ Tây hiện nay gốc là loại sen ở đầm Trị. Đó là giống hoa bông nhẹ, to, thơm ngát, gạo mẩy, tròn. Hoa sen ở các vùng khác chỉ có một lớp cánh mỏng bên ngoài, hương không thơm, màu không tươi và chỉ để lấy hạt trong khi sen Tây Hồ có đến hai lớp cánh ken vào nhau. Cũng không ai nhớ rõ nghề hái sen ướp chè của làng mình có từ khi nào. Chỉ biết rằng, ban đầu, người dân trong làng làm với số lượng ít, chủ yếu là biếu tặng những dịp đặc biệt, số ít bán cho những người giàu có. Về sau lượng tăng dần, nhưng vẫn là hàng quý hiếm.

Từ khi Tây Hồ lên quận, trên địa bàn phường Quảng An tập trung nhiều hộ ướp chè, nhất là khu vực làng Quảng Bá. Nghệ thuật ướp trà sen là niềm tự hào của người dân Quảng An. Tháng 7-2012, trà ướp sen hồ Tây bằng phương pháp thủ công từ hàng trăm năm mang thương hiệu Chè sen Quảng An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Quảng An, trở thành niềm tự hào của người trồng sen hồ Tây khi chè sen Quảng An có mặt ở nhiều hội nghị cấp cao cũng như những diễn đàn ẩm thực danh giá…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết thêm, phường Quảng An đang xây dựng Đề án Trung tâm giới thiệu và thưởng thức chè sen Quảng An trên địa bàn phường. Hiện Đề án đang trong quá trình chờ phê duyệt. Cho dù hiện nay sản lượng, diện tích trồng sen không thể tăng, nghề làm chè sen cũng chưa đủ điều kiện trở thành làng nghề nhưng những nghệ nhân làm chè sen vẫn luôn tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống đã làm nên bản sắc của một vùng đất ven hồ Tây huyền thoại…

bai1-sen-1.jpg
Sen hồng Bách Diệp - giống sen cổ của đầm Trị, hồ Tây.

Hương sen còn lại chút này…

Trước kia, hồ Tây mênh mông với diện tích trồng sen tự nhiên rất lớn, thì nay các đầm sen đã bị thu hẹp đáng kể do nhu cầu mở rộng đất ở đô thị. Tuy vậy, Đề án Phát triển trồng sen quận Tây Hồ năm 2013 đã xác định hai khu vực chính trồng sen là phường Quảng An 16ha; phường Nhật Tân 10ha. Hiện diện tích trồng sen vẫn duy trì theo quy hoạch, trong đó Quảng An có 4 đầm gồm: Đầm Trị, hồ Thủy Sứ, hồ Đầu Đồng và Ao Chùa do Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An quản lý, khai thác.

Để gắn kết du lịch cảnh quan hồ Tây, tạo một không gian văn hóa cho những người yêu chè sen cũng như quảng bá văn hóa uống chè sen hồ Tây, từ năm 2017 quận Tây Hồ đã xây dựng Đề án trồng sen, giới thiệu sản phẩm sen Tây Hồ tại hồ Thủy Sứ, phường Quảng An. Hồ sen Thủy Sứ có diện tích 4ha mặt nước trồng sen Bách Diệp, loại sen có giá trị rất lớn về kinh tế và chất lượng trong việc ướp chè, là điểm nhấn cảnh quan hồ Tây nhưng chưa được khai thác đúng hướng...

sen4.jpg

Nhưng điều đáng buồn là các hồ sen có tiếng những năm gần đây không còn rực sắc hồng như nhiều năm trước dù đang chính vụ. Nấm và nguồn nước ô nhiễm đã khiến sen chết quá nửa, nửa còn lại thì gãy ngang thân, búp hay lá non vừa lên đã cháy đen. Nhiều năm nay, cũng vì dịch bệnh và ô nhiễm, nguồn nguyên liệu từ sen hồ Tây để ướp chè hầu như không còn. Những năm trước vào chính vụ, mỗi buổi sáng hồ Thủy Sứ thường xuyên có 8 đến 10 người chèo thuyền hái sen, mỗi ngày thu đến 3.000 bông, nay thì cây cũng chẳng còn. Hồ Đầu Đồng cũng cảnh tương tự…

Nguyên nhân là hai hồ này chỉ cách hồ Tây một con đập mỏng, nước hồ chưa qua xử lý thường xuyên rò rỉ vào, không cách nào ngăn được. Nhưng chất lượng nước cũng không phải là nguyên nhân duy nhất khiến sen hồ Tây mai một. Vì đầm Trị cách hồ Tây một con đường lớn, ống cống duy nhất thông với hồ đã lấp kín, chủ yếu dùng nước mưa, nước giếng khoan, vụ sen mấy năm trước vẫn cho sản lượng tốt thì đến năm nay, cây sen trong hồ đã vơi đi già nửa, hoa cũng chỉ lác đác.

bai1-sen-5.jpg
Sen Ao Chùa Phổ Linh - Tây Hồ vẫn tươi đẹp nhờ bí quyết riêng.

Vụ sen năm nay, theo quan sát của chúng tôi vẫn còn một nơi cây sen vô cùng tươi tốt, hoa nhiều. Đó là sen Ao Chùa Phổ Linh do gia đình ông Phạm Cao Khải quản lý, chăm sóc đã 5 năm nay. Không chỉ sử dụng nước giếng khoan sâu từ 100 đến 120m, cách ly hoàn toàn với nước hồ Tây, gia đình ông Khải cũng có những bí quyết chăm sóc đặc biệt để năm nào cây sen Bách Diệp cũng trổ hoa đẹp như năm nay. Mỗi ngày thu hoạch khoảng 600-700 bông, liên tục trong 3 tháng, sen Ao Chùa chưa khi nào hết “hot”.

Những ngày sen chính vụ, đây là điểm hẹn của nhiều người yêu sen hồ Tây. Từ tờ mờ sáng nhiều người đã tập trung về đây chụp ảnh, đợi thuyền hái hoa hoặc đơn giản chỉ là tận hưởng hương sen dìu dịu từ những đóa hồng lấp ló sau những đọt lá xanh thẫm. Lượng sen ở Ao Chùa cũng chỉ đủ thỏa lòng yêu của những người chơi hoa, ngắm hoa, làm chè bông còn nguyên liệu để ướp chè khô thì lại là câu chuyện của những vùng đất khác, nơi giống sen Bách Biệp quý giá của hồ Tây đã “an cư” trong những ngôi nhà mới…

line.jpg

Thực hiện: Ngọc Thủy - Bạch Thanh
Ảnh: Ngọc Thủy - Bạch Thanh - Lê Long - Hiền Xiêm
Cover: T.P

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai về Hà Nội mùa sen…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.