Chính trị

Giáo dục liêm chính để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”

Hương Ly 27/03/2025 14:53

Không chỉ cán bộ, đảng viên mới cần liêm chính, mà bất kỳ ai cũng đều phải xây dựng cho mình đức liêm chính.

hvbc-chu-tri-.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học chủ trì hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Sáng 27-3, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề : “Giáo dục liêm chính với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay - Lý luận và thực tiễn”.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nhấn mạnh, liêm chính không tự nhiên có, mà phải qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi người. Không chỉ cán bộ, đảng viên mới cần liêm chính, mà bất kỳ ai cũng đều phải xây dựng cho mình đức liêm chính. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

PGS.TS Vũ Trọng Lâm cho rằng, tham nhũng được coi là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là giặc nội xâm không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà nghiêm trọng hơn, làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân, “là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, tất yếu; là xu thế không thể đảo ngược.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục liêm chính, đặc biệt là trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giáo dục liêm chính ở nước ta chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng, chưa hình thành văn hóa liêm chính trong hệ thống chính trị nói riêng và toàn xã hội nói chung.

hvbc-thay-son-.jpg
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu. Ảnh: Hương Ly

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng, đất nước ta đang triển khai nhiều quyết sách đổi mới có tính đột phá để vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mục tiêu hướng tới là vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đất nước ta phát triển giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Vì thế, theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, để hoàn thành sứ mệnh cao cả này, Đảng ta nhất thiết phải quy tụ, đào tạo, bồi dưỡng cho được một đội ngũ cán bộ có “tâm, tầm, trí”, là những người tiêu biểu về lương tâm, danh dự, bản lĩnh và trí tuệ. Trong đó, hai chữ “liêm, chính” luôn là hiện thân mẫu mực, cao quý nhất của người cán bộ cách mạng, đồng thời cũng là những giá trị đạo đức cơ bản của con người.

Tại hội thảo, đã có hơn 170 tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học gửi tới Ban tổ chức. Qua đó làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục liêm chính, như: Vai trò, tầm quan trọng và giá trị chủ đạo của liêm chính; mối quan hệ của giáo dục liêm chính với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các nội dung tham luận đánh giá thực trạng giáo dục liêm chính hiện nay ở Việt Nam; phân tích phương pháp, hình thức, triết lý, mục tiêu, nội dung và chương trình giáo dục, tài liệu học tập, hiệu quả của giáo dục liêm chính… Từ đó, đề xuất định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục liêm chính gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” trong hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...

hvbc-cac-thay-co-.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo. Ảnh: Hương Ly

Các tham luận tại hội thảo sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với công tác giáo dục liêm chính; là những căn cứ quan trọng để xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước, các cơ quan cấp trên tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục liêm chính, góp phần tạo xung lực mới cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục liêm chính để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.